Người dân cần chủ động lấy hóa đơn sau từng lần mua xăng dầu

Trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề Tọa đàm: 'Hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu: Giải pháp cho quản lý minh bạch và hiệu quả', PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) khẳng định, việc thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán lẻ xăng dầu đã mang lại lợi ích to lớn cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, để việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán lẻ xăng dầu thực sự lan tỏa, đi vào cuộc sống, vẫn cần thêm các giải pháp nhằm khuyến khích người dân chủ động lấy hóa đơn sau từng lần mua hàng. Bởi theo quan sát hiện nay, vẫn còn tình trạng người dân chưa chủ động lấy hóa đơn sau khi mua hàng, trong khi doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp hóa đơn.

PV: Từ cuối năm 2023 đến nay, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành các công điện chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có ngành Thuế rốt ráo triển khai công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động bán lẻ xăng dầu nói riêng. Theo ông, động thái này của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hướng đến mục tiêu gì?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Phải khẳng định rằng đây là sự quan tâm rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, thì điều này đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 123/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nói riêng bắt buộc phải xuất HĐĐT sau mỗi lần bán hàng. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước khi bị bắt buộc, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới chỉ thực hiện xuất hóa đơn tổng vào cuối ngày, mà chưa thực hiện xuất HĐĐT cho khách hàng theo từng lần bán xăng dầu.

PGS. TS Lê Xuân Trường

PGS. TS Lê Xuân Trường

Ngoài ra, chủ trương trên cũng nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 508/QĐ-TTg về chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 23/4/2022.

Đặc biệt, trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Theo đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản đảm bảo được mục tiêu quan trọng đã xác định.

PV: Việc triển khai thành công giải pháp xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng được đánh giá mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước. Ông có thể cho biết những lợi ích đó là gì?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Tôi rất đồng tình với quan điểm trên. Tôi cho rằng, đối với người dân, việc nhận được HĐĐT sau mỗi lần mua hàng là bằng chứng pháp lý sau mỗi lần giao dịch mua bán; người tiêu dùng được mua xăng dầu theo giá đúng quy định pháp luật (xăng dầu là lĩnh vực nhà nước quản lý giá).

HĐĐT sẽ cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm, số lượng, giá cả và thông tin về cửa hàng bán hàng. Điều này giúp người dân dễ dàng kiểm tra và đối chiếu thông tin, giảm tình trạng gian lận, qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, HĐĐT là bằng chứng pháp lý xác định trách nhiệm của bên bán nếu như chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Toàn cảnh Tọa đàm: “Hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu: Giải pháp cho quản lý minh bạch và hiệu quả". Ảnh: Tiến Dũng

Đối với doanh nghiệp, việc thực hiện xuất HĐĐT từng lần bán hàng, cũng như kết nối với cơ quan thuế sẽ cơ bản thay đổi cơ chế quản lý của thị trường xăng dầu. HĐĐT giúp tăng tính chính xác và minh bạch trong quản lý kế toán.

Thông qua HĐĐT, các doanh nghiệp có thể tự động ghi nhận và lưu trữ thông tin về giao dịch một cách chính xác và hiệu quả, giúp quản lý và kiểm soát chi phí nhiên liệu hiệu quả hơn.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng, đảm bảo tính công khai, minh bạch rõ ràng giữa các bên và các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau một cách sòng phẳng.

Ngoài ra, việc xuất HĐĐT sau mỗi lần bán xăng dầu giúp doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ và chấp hành pháp luật về thuế.

Đặc biệt, xuất HĐĐT sau mỗi lần bán xăng dầu giúp doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quản trị nội bộ tốt hơn, ngăn ngừa tình trạng nhân viên của doanh nghiệp làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp.

Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan quản lý thuế, giúp dễ dàng kiểm soát được khối lượng nhập vào, bán ra của doanh nghiệp, tránh hiện tượng gian lận.

Đồng thời, giúp cho hoạt động kiểm tra, lưu trữ hóa đơn trở nên đơn giản hơn; tăng cường hiệu quả kiểm soát việc phát hành hóa đơn, quản lý doanh thu và thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng gian lận, buôn lậu xăng dầu.

PV: Ông đánh giá ra sao về sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc thực hiện xuất HĐĐT theo từng lần bán lẻ xăng dầu, trong đó có Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Tôi đánh giá cao những nỗ lực Bộ Tài chính, ngành Thuế và các ngành chức năng liên quan đã đạt được trong việc triển khai nhiệm vụ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.

Kết quả này đã được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản thực hiện thành công phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

"Việc thực hiện thành công HĐĐT không chỉ là một bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa và minh bạch hóa hoạt động kinh doanh mà còn là cơ sở vững chắc để tăng cường quản lý thuế và ngăn chặn tình trạng gian lận, trốn thuế trong kinh doanh xăng dầu" - PGS. TS Lê Xuân Trường.

Việc buộc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cửa hàng xăng dầu thực hiện xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế là việc làm cần thiết và đã có những hiệu quả rất tốt cho việc quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

PV: Mặc dù ngành Thuế đã triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn”, để khuyến khích người dân lấy hóa đơn theo từng lần mua hàng, tuy nhiên có vẻ rằng người dân vẫn còn thờ ơ với quyền lợi này. Theo ông, ngành Thuế cần có giải pháp gì để tiếp tục khuyến khích người dân tích cực hơn nữa trong việc lấy HĐĐT sau mỗi lần mua hàng?

PGS. TS Lê Xuân Trường: Có nhiều việc cần làm. Trong đó, có cả những việc cần làm trong ngắn hạn và thường xuyên, có những việc cần làm trong dài hạn.

Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích và quyền lợi của mình khi yêu cầu người bán xuất hóa đơn, không chỉ hóa đơn khi mua xăng dầu mà còn hóa đơn khi mua các hàng hóa, dịch vụ khác.

Cần nhấn mạnh rõ ràng lợi ích nổi bật rằng, hóa đơn là bằng chứng pháp lý để người bán phải chịu trách nhiệm về chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa bán ra. Qua đó, giúp người tiêu dùng giảm được rủi ro mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng bất hợp pháp.

Hai là, cần kiểm soát thật tốt giao dịch bán hàng để đảm bảo rằng người bán không có cơ hội phát tín hiệu đến người mua về việc nếu người mua không lấy hóa đơn thì sẽ bán ra với giá rẻ hơn để đánh vào tâm lý hám lợi của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.

Ba là, về lâu dài, có thể nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế thu nhập cá nhân theo hướng giảm trừ thu nhập tính thuế căn cứ vào chi tiêu thực tế của cá nhân với điều kiện cá nhân có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp xác định các khoản chi tiêu cho bản thân và người phụ thuộc./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Tuấn (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nguoi-dan-can-chu-dong-lay-hoa-don-sau-tung-lan-mua-xang-dau-153771.html