Người dân, doanh nghiệp gửi tiết kiệm hơn 14 triệu tỷ đồng

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 9, người dân và doanh nghiệp đã gửi tiết kiệm vào ngân hàng hơn 14 triệu tỷ đồng.

Số liệu mới nhất được vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 9, lượng tiền người dân gửi tiết vào ngân hàng đạt 6.957.686 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, tiền tiết kiệm của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng tăng mạnh đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với 7.076.456 tỷ đồng. Mức tăng trưởng từ âm chuyển sang dương, đạt 3,4% so với cuối năm ngoái, tăng mạnh nhất kể từ trước đến nay.

Mỗi ngày của tháng 9 có 9.030 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.

Mỗi ngày của tháng 9 có 9.030 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.

So với cuối tháng 8, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân trong tháng 9 đạt 32.797 tỷ đồng. Còn tiền gửi của doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, số tiền gửi trong tháng 9 là 238.114 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong tháng 9 đạt 270.911 tỷ đồng. Nếu tính bình quân theo ngày, mỗi ngày tháng 9 có 9.030 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng.

Trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao vào dịp cuối năm, đặc biệt là đối với vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã cạnh tranh nhau để tăng lãi suất huy động.

Khảo sát thực tế cho thấy, từ đầu tháng 11/2024 đến nay, hơn mười ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Đáng chú ý, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã tăng lên 5,95%/năm, trong khi kỳ hạn 13 tháng chính thức vượt ngưỡng 6%/năm. Mức lãi suất hơn 6%/năm cho các kỳ hạn dài hiện đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng.

Thực tế, các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi chủ yếu vì lãi suất đã giảm sâu trong thời gian qua. Việc này giúp các ngân hàng duy trì thị phần và thu hút nguồn tiền gửi khi nhu cầu tín dụng dần hồi phục.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng thương mại phụ thuộc vào thanh khoản của từng ngân hàng. Những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng lãi suất huy động, trong khi những ngân hàng khó đạt được tăng trưởng tín dụng vào cuối năm sẽ khó tăng lãi suất.

Các chuyên gia lo ngại với động thái tăng lãi suất huy động sẽ khiến chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng, tác động đến biên lãi ròng nên có thể sẽ tăng lãi suất cho vay để bù đắp, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn và trở nợ của người dân, doanh nghiệp. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đã gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, "không có chuyện 14 - 15 triệu tỷ đồng nằm yên tại ngân hàng," bởi hiện nay tín dụng toàn hệ thống đã vượt mức huy động vốn. Các ngân hàng thương mại đang phải sử dụng vốn điều lệ để bổ sung và bù đắp phần thiếu hụt do huy động vốn thấp hơn dư nợ tín dụng.

Tại kỳ họp Quốc hội gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, nhu cầu tín dụng đang tăng, gây áp lực lên lãi suất, trong khi nợ xấu tiếp tục là trở ngại khiến các ngân hàng khó giảm thêm lãi suất cho vay. Dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cam kết sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay và chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nguoi-dan-doanh-nghiep-gui-tiet-kiem-hon-14-trieu-ty-dong-95250.html