Người dân, doanh nghiệp nói gì về kế hoạch 'bình thường mới' ở TP Hồ Chí Minh?
Chỉ thị 'Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau ngày 30/9' của TP Hồ Chí Minh mang lại sự phấn khởi cùng hy vọng. Người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP trong tâm thế sẵn sàng để chuẩn bị trở lại với cuộc sống trong trạng thái 'bình thường mới'.
Theo Chỉ thị, chính quyền TP Hồ Chí Minh cho phép doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh được sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có “thẻ xanh Covid” tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo quy định an toàn phòng chống dịch.
Riêng đối với trung tâm thương mại; siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa, cơ sở bán lẻ, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được bán hàng mang đi); chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống, cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất. Cơ sở, địa điểm nghỉ dưỡng, tham quan du lịch hoạt động tối đa 50% công suất. TP tiếp tục tạm dừng các hoạt động như quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, bán hàng rong, vé số dạo...
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, chị Lê Ngọc Uyên, chủ tiệm cắt tóc, gội đầu trên đường Văn Thân (phường 8, quận 6) cho biết, dù chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất nhưng rất mừng khi được mở cửa trở lại.
“Dù ngày mai tiệm mới mở cửa, nhưng từ chiều nay, nhiều khách quen đã liên hệ đặt lịch cắt tóc, gội đầu. Tôi cố gắng sắp xếp thời gian để phục vụ khách hàng chu đáo nhất, đồng thời đảm bảo công tác phòng dịch”,chị Uyên nói.
Cũng nằm nhóm ngành nghề được hoạt động, anh Nguyễn Văn Thìn, chủ quán bún bò Huế trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1) bày tỏ vui mừng khi biết được thông tin TP chính thức “mở cửa”.
“Tôi rất phấn khởi vì sau thời gian dài giãn cách xã hội, TP đã có những khởi sắc và thành quả phòng, chống dịch ban đầu”, anh Thìn nói và nhấn mạnh, cũng như bao người dân TP khác, anh cảm thấy “dễ thở” hơn sau thời gian dài giãn cách, nhưng hy vọng rằng bất kỳ ai cũng cần tỉnh táo, chỉ cần một vài người dân thả lỏng quá mức, việc thiếu cảnh giác rất có thể sẽ dẫn đến những hệ quả không lường trước, vì nguy cơ của dịch luôn hiện hữu và khó đoán.
Là người dân sống tại vùng đỏ, nguy cơ cao, song cô Vũ Minh Thảo (quận 4, TP Hồ Chí Minh) cho biết cảm thấy tự tin và hy vọng hành động “mở cửa” sẽ từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường như những ngày TP chưa có dịch Covid-19.
“Tôi mừng lắm, chỉ mong ngày 1/10 đến thật nhanh, đơn giản chỉ là để được ra công viên tập thể dục, hít thở tí không khí trong lành sao bao ngày quanh quẩn dưới 4 bức tường”, cô Vũ chia sẻ.
Bàn về quyết định tháo dỡ các chốt nội thành, bỏ giấy đi đường, người dân có thể đi lại nhưng không tự ý ra khỏi TP, ông Phạm Thành Công (ngụ quận 3) vui mừng vì sắp được đi khám bệnh.
“Tôi bị bệnh khớp lâu năm, vì vậy được phép ra đường là tin vui lớn nhất với tôi lúc này. Tôi sẽ tuân thủ đeo khẩu trang, chủ động sát khuẩn khi có tiếp xúc với người khác. Hy vọng khi được đi lại mà không cần giấy đi đường thì mọi người cũng sẽ không chủ quan, không đi ra ngoài quá nhiều nếu không có việc cần thiết”, ông Phạm Thành Công nói.
Không chỉ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP cũng nôn nao, mong chờ ngày được hoạt động trở lại với các tiêu chí thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel Group nhận xét, TP đang đi đúng hướng, từ đó mở ra hướng đi cụ thể để doanh nghiệp dựa vào từng bước tái hoạt động.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP cũng đánh giá, chỉ thị mở cửa của TP từ ngày 1/10 đang theo chiều hướng diễn biến tốt. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được hết những mong đợi của doanh nghiệp và người dân. Theo ông Dũng, TP cần xem lại việc quy định cho phép người dân lưu thông giữa TP với các tỉnh thành lân cận. Vì nếu không có giải pháp cụ thể thì các doanh nghiệp tại TP sẽ gặp khó về nguồn lao động và ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế nói chung.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, ngay khi TP công bố lộ trình mở cửa, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp chính là vấn đề thiếu hụt lao động. Hay những người bất đắc dĩ kẹt lại, muốn trở về nhà... có thể thực hiện điều giản dị này. Nhưng nếu TP mở mà các tỉnh, thành khác không mở, thì tất cả những điều tưởng chừng tất yếu kia lại khó có thể thực hiện.
“Nói vậy để thấy, TP không thể mở cửa một mình, bởi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ thống sản xuất hay nói rộng hơn là hệ sinh thái kinh tế của TP không bó gọn trong địa giới hành chính mà là liên vùng, toàn quốc, thậm chí toàn cầu. Lúc này, rất cần thiết để TP ngồi lại với các tỉnh, bàn tính mở cửa thế nào cho phù hợp, thông suốt. Nếu vẫn còn một vài địa phương “bế quan tỏa cảng”, nói mở nhưng không cởi bỏ tâm lý sợ trách nhiệm, chưa thay đổi tư duy sống chung với dịch thì không chỉ TP khó mở mà nền kinh tế đang tổn thương sau thời gian giãn cách kéo dài cũng khó có thể phục hồi”, TS Đinh Thế Hiển nói.