Người dân góp ý chỉnh trang phố Lê Lợi: 'Không thể để sinh hoạt nhà ở như bộ lạc!'
Anh Lê Văn Thọ, một chủ hộ tại chung cư 88 Lê Lợi đề nghị chính quyền khảo sát ngay hệ thống thoát nước, đổ rác và cây xanh của dãy nhà phố dọc theo đường ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên)...
Sáng nay (27.8), chính quyền phường Bến Thành và Bến Nghé, quận 1 TP.HCM đã tổ chức tặng hoa và quà cho các hộ dân sinh sống dọc đại lộ Lê Lợi. Đã 8 năm nay mặt đường này mới được tái lập từ lúc xây dựng đường ngầm metro từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát lớn. Ngay sau buổi lễ, anh Lê Văn Thọ đã trực tiếp góp ý với ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM và bà Tô Thị Bích Châu - tân Bí thư quận 1 về những việc cần làm sắp tới để dân cư khu phố trở lại sinh hoạt bình thường.
Ông Thọ, đã sống tại đây từ năm 1978, cho biết dãy nhà phố đối diện Bệnh viện Sài Gòn, từ ngã tư Lê Lợi-Phan Chu Trinh (sát chợ Bến Thành) đến ngã tư Lê Lợi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa được xây dựng từ trước 1945. Đây là vùng đầm lầy trước kia nên khi mưa lớn vẫn xảy ra ngập nước, do vậy sau khi công trình metro hoàn thành cần khảo sát ngay hệ thống cống rãnh thoát nước.
Mặt khác, chung cư 88 Lê Lợi bao gồm các căn hộ nằm ở tầng ba dãy phố, từng có khu vệ sinh chung nhưng nhiều năm nay mỗi căn hộ xây dựng nhà vệ sinh riêng có đường ống thoát nước đi thẳng vào cống ở vỉa hè. Các đường ống này đều lâu năm và tạm bợ, cho nên khi đông đúc dân cư sử dụng có thể hư hỏng và vỡ bể làm ảnh hưởng đến mỹ quan đường phố.
Ông Thọ đồng thời đề nghị trên vỉa hè sắp tới cần có các thùng rác công cộng, cũng như cần tổ chức việc vận chuyển rác từ nhà dân và các cửa hàng, quán xá tại đây sao cho tiện lợi. Đặc biệt, ông lưu ý dọc theo dãy phố trước đây có trồng cây xanh thoáng mát nhưng từ lúc khởi công đường ngầm metro, các cây xanh nay đã bị đốn hạ. Theo ông, chính quyền sớm trồng lại cây xanh thích hợp tương ứng với dãy cây xanh bên đường.
Ông Trần Hoàng Quân và bà Tô Thị Bích Châu đã lắng nghe và tiếp thu các góp ý trên đây và sẽ cho khảo sát tổng thể tình hình cả dãy phố để đề ra các biện pháp chỉnh trang với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn và toàn bộ dân cư địa phương.
Sau khi góp ý, ông Lê Văn Thọ đã đưa một số chuyên viên đi xem thực tế các căn hộ chung cư nơi ông ở. Tại đây, ông đã chỉ nhiều điểm của tòa nhà đang hư hỏng cần sửa chữa. Ông Thọ nhận xét chân thành: “Không thể để nhà ở tại một đường phố trung tâm thành phố lại có quang cảnh như một bộ lạc!”.
Hiện tại, các quận trung tâm TP.HCM có khá nhiều nhà phố xưa cũ đang được sử dụng làm nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thời trang... theo phong cách “Retro” (phục cổ) thu hút giới trẻ và du khách. Tuy nhiên, nhiều nhà phố loại này đều trong tình trạng xuống cấp, quản lý manh mún, có nhiều nhược điểm về vệ sinh và an toàn cháy nổ. Rất thực tế, việc tái lập mặt đường Lê Lợi đang mở ra nhu cầu và cơ hội chỉnh trang các nhà phố xưa tại đây.
Rất mong chính quyền thành phố và quận 1 có thể coi đây là một thí điểm cho việc hưng phục các khu phố xưa để đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế -xã hội, đáp ứng hài hòa nhu cầu thương mại và nhân văn của các cộng đồng dân cư.
Bài và ảnh: Phúc Tiến