Người dân gửi tiết kiệm gần 500.000 tỷ đồng trong 4 tháng
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng liên tiếp tăng trong những tháng gần đây, dù lãi suất tiền gửi được nhiều ngân hàng thương mại giữ ổn định. Nếu tính cả tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế, tổng lượng tiền chảy vào hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4 đã vượt 15,16 triệu tỷ đồng.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4/2025, tổng số tiền tiết kiệm của dân cư vào ngân hàng đã đạt 7,537 triệu tỷ đồng. Như vậy, so với cuối năm ngoái, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng 6,69%, tương ứng với gần 500.000 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng tiền gửi của năm nay gấp 3 lần, số dư tiền tiết kiệm được dân cư gửi vào ngân hàng tăng thêm 857.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của tổ chức giảm nhẹ so với cuối năm ngoái, nhưng cũng giữ mức 7,6 triệu tỷ đồng.
Nếu tính cả tiền gửi của dân cư và tổ chức kinh tế, tổng lượng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống tổ chức tín dụng vượt 15,16 triệu tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 4, người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng đạt mức kỷ lục hơn 7,53 triệu tỷ đồng, tăng gần 6,7% so với cuối năm ngoái.
Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng liên tiếp tăng trong những tháng gần đây dù lãi suất tiền gửi được nhiều ngân hàng thương mại giữ ổn định. Đặc biệt, một số kỳ hạn và số tiền gửi, lãi suất huy động còn giảm nhẹ 0,1-0,3%/năm so với hồi đầu năm, tùy theo ngân hàng.
Theo ghi nhận của VnBusiness, nhiều người cho biết vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm. Chị Mai Hương (phường Từ Liêm, Hà Nội) cho hay vừa đáo hạn 1 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm và chọn gửi tiếp. Lãi suất tiền gửi kỳ trước tại một ngân hàng số khoảng 6%/năm, nay kỳ hạn mới chỉ khoảng 5,7-5,8%/năm.
"Lãi suất giảm nhẹ nhưng tôi chưa có kế hoạch đầu tư, kinh doanh gì nên vẫn chọn gửi ngân hàng. Bởi kênh vàng bị siết chặt, thị trường bất động sản trong giai đoạn quan sát và chứng khoán chưa có tín hiệu tích cực”, chị Hương chia sẻ.
Thống kê cho thấy, hiện mức lãi suất trên 6%/năm đang được rất ít ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài, không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.
Cake by VPBank áp dụng lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn 12-18 tháng và 24-36 tháng; HDBank áp dụng mức lãi suất 6% cho kỳ hạn 18 tháng; BVBank cũng chi trả 6,1%/năm cho kỳ hạn 60 tháng và 6,0%/năm cho kỳ hạn 48 tháng. VietABank duy trì mức 6,0%/năm duy nhất ở kỳ hạn 36 tháng; Bac A Bank áp dụng mức lãi suất 6% đối với kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cũng như số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong những tháng đầu năm nay, huy động vốn của hệ thống tăng thấp so với tín dụng cho vay. Chẳng hạn, số liệu của Cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 26/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,3%. Điều này, theo phân tích của các chuyên gia, một phần nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế hồi phục, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng mạnh, vì vậy dù huy động vốn cải thiện khi tốc độ tăng trưởng tiền gửi từ dân cư và các tổ chức kinh tế cao nhưng vẫn chưa theo kịp với nhu cầu vốn trên thị trường.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, lãi suất huy động vốn và cho vay VND tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong quý II, nhất là lãi suất cho vay. Khảo sát cho thấy, nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong quý II và dự kiến tiếp diễn trong quý III cũng như cả năm 2025.
Đáng chú ý, có tới 62,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu vay vốn sẽ tăng cao, vượt trội so với nhu cầu thanh toán và gửi tiền. Các tổ chức tín dụng đã nâng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 lên mức 16,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế của năm 2024; tăng trưởng huy động vốn cũng được điều chỉnh tăng lên 13,9% - nếu đạt được, đây sẽ là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.