Tối 20/2 (ngày 11/1 âm lịch), tại đình làng An Định (Nghĩa Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội), tổ chức hội lấy lửa hay còn gọi là “lấy đỏ”.
Theo thông lệ, các cụ trong làng sẽ mang tất cả đồ vàng mã được người dân và khách thập phương cúng tế ra giữa sân đình hóa, còn hương, nến được phát cho người làng làm vật xin lửa mang về bàn thờ gia đình.
Trước lễ 15 phút, trong khi các vị cao niên bắt đầu khâu chuẩn bị nghi lễ truyền thống, đông đảo người dân trong làng đã có mặt ở sân đình.
Nhiều người dân đi "lấy đỏ" sớm chuẩn bị những cây gậy dài, buộc bó hương vào đầu để dễ dàng lấy lửa hơn.
Nhiều người mang sẵn theo hương hoặc lấy tại đình làng đã chuẩn bị.
Tiếng chiêng, trống từ các vị cao niên trong làng sẽ báo hiệu đến giờ tiến hành nghi lễ truyền thống trong sự chờ đợi của hàng trăm dân làng.
Khoảng 20h30, một vị cao niên vào trong hậu cung lấy lửa trong điện thờ ra chuẩn bị "tán lộc" cho dân làng.
Tất cả người dân tham dự cùng đổ xô xin lửa từ vàng mã được hóa châm vào bó hương để mang về nhà.
Điểm đặc sắc ở tục "lấy đỏ" này là tuy người dân phải chen chúc mới lấy được lửa nhưng lại không hề có hiện tượng tranh giành, đấu đá.
Mọi người đều thể hiện tình làng nghĩa xóm bằng cách mang lửa ra ngoài thành những nhóm riêng để "chia" lửa cho những người không thể vào lấy trực tiếp.
Theo quan niệm, ai mang lửa về nhà mình nhanh nhất sẽ được nhiều may mắn.
Vì thế, mọi người đều cố gắng lấy bó hương to, giữ ngọn lửa lớn trên đường về, tránh để bị tắt.
Với khối lượng vàng mã lớn được hóa cùng lúc, ngọn lửa cháy to và tỏa ra nhiệt lượng cao.
Nhiều người không lại gần để châm lửa được, việc xin “đỏ” cũng khá khó khăn.
Ngọn lửa nhanh chóng bùng to giữa sân đình.
Sau khi đã lấy được lửa, ai nấy đều nhanh chóng trở về nhà để dâng lên ban thờ tổ tiên của gia đình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương ngay sau khi xin đỏ đã mang hương về nhà thắp hương gia tiên, với mong muốn gia đình sẽ có một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Quang Phong