Người dân Khuôn Lùng có thêm thu nhập từ phơi ván bóc

BHG - Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi ngày người dân có thể kiếm 150.000 – 200.000 đồng từ phơi ván bóc. Tuy không phải là công việc mang lại thu nhập cao, nhưng với tính chất ổn định, không yêu cầu trình độ chuyên môn, việc phơi ván bóc đã giúp người dân xã Khuôn Lùng (Xín Mần) cải thiện đời sống.

Ván bóc là nguyên liệu quan trọng trong ngành sản xuất ván ép, được bóc ra từ thân gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn. Sau khi được đưa về các xưởng trên địa bàn xã, ván sẽ được bóc mỏng bằng máy và chuyển đến các hộ dân để phơi khô trước khi đưa vào ép. Đây chính là công đoạn mà nhiều gia đình ở xã Khuôn Lùng đang đảm nhiệm. Ông Hoàng Văn Minh, người dân thôn Trung Thành, chia sẻ: Tôi năm nay cũng gần 60 tuổi rồi, không làm được công việc nặng nữa. Trước đây tôi chủ yếu làm ruộng, mùa vụ thì có thu nhập, còn thời gian rảnh thì không biết làm gì thêm. Từ khi trên địa bàn xã có các xưởng ván bóc, tôi làm thêm việc phơi ván. Với công việc này, giúp tôi có thêm thu nhập đều đều mỗi ngày.

Ông Hoàng Văn Minh có thêm thu nhập từ việc phơi ván bóc.

Ông Hoàng Văn Minh có thêm thu nhập từ việc phơi ván bóc.

Thông thường, mỗi tấm ván sau khi bóc ra thường ẩm, cần được phơi nắng để đạt độ khô tiêu chuẩn trước khi đưa vào sản xuất. Các xưởng chế biến ván bóc chịu trách nhiệm vận chuyển những khối ván tươi và giao cho các hộ dân để phơi. Từ những bãi đất trống, người dân đóng những cây cọc gỗ cao khoảng 1 mét và phơi tách những tấm ván bóc làm sao cho việc thực hiện nhanh khô nhất. Ván được phơi đều hai mặt dưới nắng trong khoảng 1 - 2 ngày tùy vào điều kiện thời tiết, sau đó trả lại cho cơ sở thu mua. Một điểm thuận lợi của việc này là không đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên môn hay đầu tư máy móc, người dân không phải vận chuyển. Người già, phụ nữ, thậm chí học sinh nghỉ Hè đều có thể tham gia phụ giúp. Công việc tuy cần sự tỉ mỉ để tránh làm cong vênh ván, nhưng không quá nặng nhọc. Đặc biệt, người dân có thể tận dụng sân nhà, khoảng đất trống để làm bãi phơi, không phải đi xa.

Anh Hoàng Ngọc Chưng, thôn Trung Thành cho biết: Do sức khỏe không đảm bảo nên tôi không đi làm xa được. Vậy nên tôi đăng ký phơi ván bóc cho các xưởng trên địa bàn. Thu nhập được tính theo khối ván bóc phơi được, mỗi khối chủ xưởng trả từ 120.000 – 150.000 nghìn đồng. Sau khi phơi khô, chỉ việc sắp xếp từng tấm ván bóc gọn gàng và có xe của xưởng chế biến đến vận chuyển đi. Khi hết ván bóc, chủ xưởng lại cho xe vận chuyển ván tươi đến tận các hộ dân. Nếu trời nắng thì ván nhanh khô, mỗi ngày cũng kiếm được từ 150 - 200 nghìn đồng, đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày.

Hiện nay, trong xã Khuôn Lùng đã có khoảng 30 hộ dân tham gia phơi ván bóc hàng ngày. Tùy vào số lượng ván nhận được mỗi ngày từ các xưởng bóc và thời tiết thuận lợi hay không, một hộ có thể thu nhập trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt vào mùa khô, khi nhu cầu sản xuất tăng cao, lượng ván cần phơi lớn hơn và sẽ cung cấp việc làm thường xuyên cho bà con nông dân. Các xưởng sản xuất ván bóc trong khu vực cũng có lợi, vì việc thuê người dân địa phương phơi giúp giảm bớt chi phí thuê nhân công cố định, lại giúp giải quyết việc làm cho người dân. Một số gia đình còn mạnh dạn đầu tư mở rộng bãi phơi, nhận thêm ván để tăng sản lượng.

Xã Khuôn Lùng là địa phương có thế mạnh phát triển lâm nghiệp, trên địa bàn xã có gần 500 ha rừng trồng với các loại cây như keo, quế, bồ đề. Phó Chủ tịch UBND xã Khuôn Lùng Hoàng Thị Hưng cho biết: Việc phơi ván bóc phù hợp với điều kiện lao động địa phương. Từ lúc trên địa bàn xã có các xưởng chế biến ván bóc hoạt động, người dân có thêm công việc để làm. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, việc làm này còn gắn liền với chuỗi giá trị lâm nghiệp tại địa phương.

Bài, ảnh: Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202505/nguoi-dan-khuon-lung-co-them-thu-nhap-tu-phoi-van-boc-c2a13d3/