Người dân Nam Bán cầu cân bằng công việc và cuộc sống tốt hơn châu Âu

Kết quả của một nghiên cứu gần đây cho thấy, so với các quốc gia ở châu Âu, người dân ở Nam Bán cầu hài lòng hơn về mức độ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Điều này khiến các nhà nghiên cứu lên tiếng thúc giục lãnh đạo các quốc gia châu Âu hành động để giải quyết sự bất cập này càng sớm càng tốt.

Cân bằng giữa cuộc sống và công việc là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người lao động. Ảnh minh họa: Getty/Congdankhuyenhoc.vn

Cân bằng giữa cuộc sống và công việc là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người lao động. Ảnh minh họa: Getty/Congdankhuyenhoc.vn

Cụ thể, Amrop, công ty tư vấn tìm kiếm lãnh đạo và quản lý hàng đầu châu Âu đã thực hiện một nghiên cứu, trong đó tiến hành khảo sát trên 8.000 người trên khắp Đức, Pháp, Ba Lan, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil về ý nghĩa của công việc.

Nghiên cứu cho thấy, những người được hỏi đến từ Đức, Pháp và Ba Lan ghi nhận mức độ hài lòng của họ đối với công việc chỉ chạm mốc dưới 50%, trong khi mức độ hài lòng của người dân Ấn Độ là 73,3% và Mỹ là 59,9%, mặc dù các tiêu chuẩn quy định về xã hội và lao động thấp hơn.

Chia sẻ với Euronews Next, Chủ tịch toàn cầu của Amrop là bà Annika Farin thông tin, điều ngạc nhiên nhất từnghiên cứu này là “người dân châu Âu không sẵn lòng hành động và không mong muốn đảm nhận một vai trò mang tính trách nhiệm, dù là trong lĩnh vực kinh doanh hay chính trị”.

“Đây được coi là một lời cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo châu Âu. Chúng ta nên nghiêm túc xem xét vấn đề này và cùng nhau hành động”, bà Annika Farin nói thêm.

Được biết, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và sự thay đổi về nhân khẩu học, chẳng hạn như thế hệ Baby Boomer nghỉ hưu và thế hệ Gen Z gia nhập lực lượng lao động, xã hội sẽ phải chấp nhận những thay đổi toàn diện.

“Chúng ta không thể đánh giá thấp những gì sắp xảy ra. Nếu nhìn vào yếu tố nhân khẩu học, tình hình tương lai sẽ hiện ra. Chúng ta sẽ phải chấp nhận nhiều người nước ngoài gia nhập vào lực lượng lao động và dân số đất nước”, bà Annika Farin nhấn mạnh và cho rằng các nước cần có thêm nhiều đổi mới liên quan đến vấn đề di cư.

Chủ tịch Annika Farin bày tỏ sự ngạc nhiên rằng dù đạt mức độ hài lòng về công việc tương đối thấp, song Đức vẫn là một quốc gia tương đối hấp dẫn đối với các khu vực địa lý khác và các quốc gia lân cận.

Theo đó, nhờ thị trường việc làm mạnh mẽ, mức lương cao và các ngành công nghiệp đa dạng, 33% số người được hỏi xác nhận, Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu toàn cầu khi nói đến điều kiện làm việc hấp dẫn. Đức đứng thứ hai với 22% số người lựa chọn, vượt Canada và Vương quốc Anh với 21%.

Cũng là vấn đề đáng quan tâm, lương hưu được coi là chủ đề nóng ở các nước châu Âu. Một vấn đề đặt ra là ở các thị trường châu Âu, mọi người có thể phải làm việc trong thời gian dài ở một số quốc gia nhất định.

Trước tình hình này, bà Annika Farin đề xuất nên tạo ra các sáng kiến như giảm thuế cho những người về hưu vẫn còn làm việc và sử dụng các hình mẫu doanh nhân trong giới truyền thông và xã hội để thu hẹp khoảng cách giữa người già và người trẻ.

Trái với tâm lý của người dân châu Âu, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người dân ở các quốc gia trong khu vực Nam Bán cầu thể hiện sự quan tâm lớn hơn đến vai trò lãnh đạo. Cụ thể, khoảng 76% người dân Ấn Độ và 66% người Brazil hướng đến các vai trò lãnh đạo hoặc chủ doanh nghiệp. Con số này khác biệt nhiều với 36% người dân Đức và 37% người dân Pháp khi được hỏi chia sẻ có cùng tham vọng này.

Đan Lê (Lược dịch từ Euro News)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/nguoi-dan-nam-ban-cau-can-bang-cong-viec-va-cuoc-song-tot-hon-chau-au-149378.html