Người đàn ông Chăm giữ nghề dệt thổ cẩm, đón khách tới tham quan

Ông Mohamad (chủ cơ sở dệt thổ cẩm Chăm truyền thống ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) là đời thứ 3 'giữ lửa' nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm nơi đây.

Men theo những cây cầu gỗ nhỏ hẹp dẫn vào làng Chăm Châu Phong (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), du khách sẽ được hướng dẫn viên mời vào thăm gia đình ông Mohamad, ở ấp Phũm Soài - hộ điển hình giữ nghề dệt truyền thống của người Chăm nơi đây.

Người đàn ông Chăm 66 tuổi niềm nở chào đón du khách. Trong nhà ông, những người thợ miệt mài bên con thoi, sợi chỉ, dệt khăn rằn và xà rông. Ông Mohamad tự hào giới thiệu với du khách về lịch sử làng nghề, đặc trưng văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang.

"Để có tấm thổ cẩm đẹp cần trải qua nhiều công đoạn khác nhau như ngâm sợi, tẩy trắng, tạo hoa văn, nhuộm màu, xả vải, phơi, suốt ép, mắc sợi, quấn trục và dệt. Tất cả đều đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ, khéo léo của người thợ", ông Mohamad chia sẻ.

Sản phẩm thổ cẩm của người Chăm ở Châu Phong vẫn giữ những hoa văn truyền thống đặc trưng như: Mặt võng, con thoi, lồng đèn, ô vuông, cánh quạt, răng cưa, mặt trời, hoa lá..., mang ý nghĩa về thiên nhiên, cảnh sinh hoạt, phong tục của đồng bào.

Hai sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn được du khách ưa thích, nhất là khách nước ngoài. Giá các sản phẩm này khá bình dân, từ 20.000 - 200.000 đồng/sản phẩm.

Ông Mohamad giới thiệu với du khách về sản phẩm dệt của gia đình

Ông Mohamad giới thiệu với du khách về sản phẩm dệt của gia đình

Hiện, cơ sở dệt của ông Mohamad cũng thực hiện thêm những sản phẩm như túi xách để thu hút và phục vụ nhu cầu du khách. Ông từng mang sản phẩm thổ cẩm trưng bày tại nhiều hội chợ, sự kiện xúc tiến du lịch địa phương. Đặc biệt, ông đã hai lần tham gia lễ hội tôn vinh dệt thổ cẩm Việt Nam với quy mô toàn quốc vào năm 2019 và 2020.

Người đàn ông Chăm không chỉ giữ nghề truyền thống trong gia đình mà còn vận động bà con bám trụ với nghề dệt. Hiện, có gần 50 sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm được các nghệ nhân trong làng sản xuất để phục vụ du khách.

Ông Mohamad tiên phong mở cửa đón du khách tới thăm cơ sở dệt, đồng thời liên kết với các đầu bếp địa phương để phục vụ ẩm thực người Chăm khi khách có yêu cầu. Vài năm qua, gia đình ông thu hút được rất nhiều du khách quốc tế, những người yêu trải nghiệm văn hóa.

Cuối năm 2023, "Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam" và "Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm xã Châu Phong" được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thị xã Tân Châu tập trung phát triển mô hình "Du lịch văn hóa cộng đồng làng Chăm" nhằm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã về phát triển giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mới đây, làng Chăm Châu Phong thành lập tổ hợp tác du lịch cộng đồng với 12 thành viên và ông Mohamad là tổ trưởng. Tổ hợp tác này có nhiệm vụ gắn kết các hộ dân xây dựng và phát triển những sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương, được kỳ vọng sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế bền vững.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-ong-cham-giu-nghe-det-tho-cam-don-khach-toi-tham-quan-2349172.html