Người đàn ông đột ngột tử vong khi đang chạy bộ: Bác sĩ cảnh báo

Một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại công viên ở Hà Nội bất ngờ ngã gục. Người xung quanh liền gọi cấp cứu, đưa anh vào bệnh viện nhưng bệnh nhân đã tử vong.

Tối 15/10, một người đàn ông khoảng 30 tuổi đang chạy bộ tại Công viên Thanh Xuân (Hà Nội) bất ngờ ngã gục, người xung quanh liền gọi cấp cứu, đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng không qua khỏi. Anh được xác định đã tử vong ngoại viện.

Theo bác sĩ Lê Nhật Cường, khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, hoạt động thể thao giúp ngăn ngừa béo phì và các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Tuy nhiên quá trình hoạt động có thể xảy ra một số tai nạn, trong đó ngừng tim đột ngột là tai nạn nguy hiểm.

Trên thế giới và Việt Nam ghi nhận không ít trường hợp tử vong khi hoạt động thể thao, cả ở học sinh và người lớn.

"Ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao có thể xuất hiện ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đã biết trước hoặc có bệnh lý tim mạch nhưng chưa được phát hiện và điều trị", bác sĩ Cường cho biết.

Không ít trường hợp tử vong khi hoạt động thể thao, cả ở học sinh và người lớn. Ảnh minh họa: Shutterstock

Không ít trường hợp tử vong khi hoạt động thể thao, cả ở học sinh và người lớn. Ảnh minh họa: Shutterstock

Ở người trẻ, theo PGS.TS Võ Tường Kha, Trưởng Bộ môn Y học thể thao, Trường Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường hợp đột tử sau khi gắng sức thường do 2 lý do chính là đột quỵ tim và đột quỵ não.

Theo ông, những trường hợp này nhìn bề ngoài trông khỏe mạnh nhưng bản chất có thể mang bệnh lý tiềm ẩn. Họ có thể mắc các bệnh tim bẩm sinh về cơ tim, van tim, mạch vành, dị dạng mạch não… mà không biết do không đi khám hoặc không được phát hiện đúng bệnh.

Ở mức độ vận động bình thường, người mắc những bệnh lý tiềm ẩn này không có biểu hiện, triệu chứng. Khi hoạt động với lượng vận động quá lớn, vượt ngưỡng "chịu tải" của tim, mạch, hô hấp…, nguy cơ dẫn đến "phát nổ" như nồi áp suất đun vượt quá mức cho phép, gây vỡ mạch, thiếu máu (dinh dưỡng, oxy) cho cơ tim, não, từ đó ngừng tim đột ngột và tử vong.

Ở trẻ em, những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, hội chứng Marfan (rối loạn di truyền gây suy yếu thành động mạch chủ) hay có bất thường van động mạch chủ, động mạch chủ có thể bị rách và gây tử vong khi hoạt động thể lực mạnh.

Xơ vữa động mạch vành có thể gây ngừng tim khi vận động thể lực mạnh, do các mảng xơ vữa bị nứt vỡ đột ngột, dẫn đến hình thành huyết khối và nhồi máu cơ tim cấp.

Các bất thường bẩm sinh của động mạch vành thường gây thiếu máu cơ tim âm thầm, tạo ra sẹo xơ trên bề mặt cơ tim và chính những vị trí xơ này là nguồn gốc phát sinh rối loạn nhịp dẫn tới ngừng tim đột ngột.

Bệnh lý cơ tim như bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp, cơ tim phì đại, hội chứng QT dài, hội chứng Brugada cũng có thể gây ra các rối loạn nhịp tim dẫn tới ngừng tim đột ngột.

Theo các chuyên gia, bệnh nhân tim mạch có thể hoạt động thể dục thể thao, tuy nhiên cần có khuyến cáo cụ thể để tránh các tai nạn không mong muốn.

Để phòng ngừng tim đột ngột liên quan đến hoạt động thể thao, bác sĩ Cường cho rằng cần phải có chiến lược rõ ràng. Theo các bác sĩ, việc kiểm tra sức khỏe cần kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu sàng lọc các bệnh lý tim mạch, hô hấp, hệ vận động; có các bài tập kế hoạch luyện tập, mức độ tập luyện phù hợp với mỗi tình trạng bệnh.

Trước khi tập luyện thể dục thể thao cần khởi động kỹ, tập xong phải thả lỏng, hồi phục cơ. Cần bổ sung nước thường xuyên để tránh mất nước và các chất điện giải do mất mồ hôi. Nếu không bù đủ nước và các chất điện giải kịp thời có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức, biểu hiện bằng triệu chứng chuột rút, đau và căng cơ. Cụ thể, bổ sung khoảng 200-300ml trước khi tập, 100-150ml/lần sau 20-25 phút trong khi tập, với thời gian khoảng 20-25 phút/lần.

Một tình huống gây ngừng tim khi đang hoạt động thể dục thể thao là rung thất và đột tử kích hoạt bởi vật tù tác động mạnh vào vùng ngực (commotio cordis).

Theo bác sĩ Cường, commotio cordis là thuật ngữ chỉ tình trạng bệnh nhân đột ngột ngất và sau đó tử vong khi bị quả bóng hoặc vật tù tác động mạnh, đột ngột vào vùng ngực trái trong khi chơi một số môn thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, khúc côn cầu, trên bệnh nhân không có tổn thương tim cũng như không có bệnh lý tim mạch từ trước.

Đây là bệnh hiếm gặp, thường gặp ở trẻ từ 9-15 tuổi (rất hiếm gặp ở người trên 25 tuổi), 95% số ca bệnh được mô tả ở trẻ trai. Bệnh thường gây tử vong và là một trong 3 nguyên nhân gây tử vong liên quan đến hoạt động thể thao (sau bệnh cơ tim phì đại và bất thường động mạch vành).

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-ong-dot-ngot-tu-vong-khi-dang-chay-bo-bac-si-canh-bao-moi-nguy-hiem-2202761.html