Người đàn ông Mỹ 75 tuổi và hành trình 21 ngày 'lạc trôi' trên biển

Quinn Richard Anthony 'lạc trôi' 21 ngày trên biển vì thuyền buồm bị hư hỏng. Trong cơn tuyệt vọng, ông may mắn được ngư dân Quảng Ngãi cứu sống.

Chuyến hải trình kinh hoàng

Những ngày qua, Quinn Richard Anthony (75 tuổi, quốc tịch Mỹ) được các cơ quan chức năng hỗ trợ làm thủ tục nhập cảnh ở khu vực cảng Dung Quất (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi). Anthony là người đàn ông cùng chiếc thuyền buồm bị trôi dạt trên biển và được tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi phát hiện, hỗ trợ lai dắt vào bờ hôm 3/6.

Ông Quinn Richard Anthony đã 75 tuổi và có nhiều năm làm nghề thủy thủ.

Ông Quinn Richard Anthony đã 75 tuổi và có nhiều năm làm nghề thủy thủ.

Kể về cuộc đời mình, Anthony cho biết, ông được sinh ra ở Aruba - quốc đảo trên biển Caribe, sau đó chuyển đến Mỹ. Từ năm 19 tuổi, ông đã làm nghề thủy thủ. Hơn nửa đời người gắn bó với nghề, Anthony thành thạo các hải đồ, từng đi đến nhiều vùng biển ở Nhật Bản, Đài Loan, châu Phi, kênh đào Panama, Alaska (Mỹ)... Ngoài thời gian đi biển, ông thường xuyên đi du lịch ở các quốc gia trên thế giới.

Anthony đã nhiều lần đến Việt Nam và bén duyên với một người phụ nữ ở Hà Nội vào năm 2006. Hai người làm bạn với nhau hơn 3 năm rồi kết hôn. Kể từ đó, ông xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.

Ưa thích mạo hiểm, ông ấp ủ thực hiện chuyến du lịch biển dài ngày bằng thuyền buồm. Đầu năm 2024, Anthony sang Philippines mua chiếc thuyền buồm có gắn động cơ để chinh phục hải trình Philippines - Thái Lan - Việt Nam.

Ngày 5/4, Anthony khởi hành, mang theo nước ngọt, thực phẩm, ngư cụ... rồi đi qua các đảo của Philippines, sau đó đến Thái Lan. Khoảng một tháng trước, ông điện thoại cho vợ ở Hà Nội thông báo bắt đầu từ Thái Lan về Việt Nam. Người đàn ông này dự định đi du lịch dọc bờ biển Việt Nam, ghi lại các cảnh đẹp và xem đó như món quà tặng vợ.

Đến ngày 14/5, sau 40 ngày trên biển, thuyền đi vào khu vực có thời tiết xấu, gió lớn bẻ gãy cột buồm, động cơ cũng bị hỏng. Dù là tay lão luyện trên biển, nhưng Anthony cũng chưa bao giờ gặp sự cố không thể khắc phục như vậy. Một mình vật lộn cứu thuyền, ông bị nhiều vết thương trên cơ thể.

Thuyền của ông Quinn Richard Anthony bị gãy cột buồm và hỏng động cơ.

Thuyền của ông Quinn Richard Anthony bị gãy cột buồm và hỏng động cơ.

Anthony quyết định thả trôi thuyền trên biển. Ông dự tính hướng gió sẽ thổi thuyền tới Đà Nẵng thay vì Nha Trang. Nhưng cuộc lênh đênh dài hơn dự tính, lương thực và nước uống trên thuyền dần cạn, ông phải tiết kiệm nước ngọt và thức ăn.

Chiều 3/6, sau 21 ngày "lạc trôi", ông thấy tàu cá QNg 55766 TS đi ngang qua nên ra dấu hiệu cầu cứu. Tàu này đã tiếp cận, lai dắt chiếc thuyền buồm và Anthony gần 80km đường biển vào cảng Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ), bàn giao cho Đồn Biên phòng Sa Huỳnh (Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi).

"Khi vào cảng, tôi được kiểm tra sức khỏe, hỗ trợ nước uống, lương thực cũng như liên lạc với người thân. Tôi rất vui mừng khi được ngư dân và các chiến sĩ Biên phòng Quảng Ngãi hỗ trợ tận tình. Tôi rất yêu quý con người Việt Nam”- Anthony bày tỏ.

Ông Quinn Richard Anthony chia sẻ về chuyến hải trình của mình.

Ông Quinn Richard Anthony chia sẻ về chuyến hải trình của mình.

Sau chuyến đi "để đời", Anthony dự tính khi làm thủ tục xong sẽ di chuyển bằng đường bộ ra Hà Nội đoàn tụ cùng vợ. Sau đó quay lại sửa chữa thuyền buồm, đồng thời xem xét sức khỏe và độ an toàn trước khi quyết định có nên tiếp tục hành trình đi dọc vùng biển Việt Nam bằng thuyền buồm đang dở dang hay không.

Giúp người trong lúc khó khăn

Ngư dân Trương Khắc Huy (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)-thuyền trưởng tàu cá QNg 55766 TS cho biết, khi tàu của anh đang trên đường vào bờ, ngang qua vùng biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thì phát hiện ông Anthony đang ở trên thuyền buồm và ra dấu xin được cứu giúp.

Thấy thuyền của người nước ngoài bị hư hỏng, anh điện báo cho lực lượng Biên phòng Quảng Ngãi, sau đó lai dắt thuyền buồm cùng ông Anthony vào bờ.

Ông Quinn Richard Anthony chụp hình kỷ niệm cùng cán bộ biên phòng.

Ông Quinn Richard Anthony chụp hình kỷ niệm cùng cán bộ biên phòng.

Theo Trung tá Lê Minh Thư - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Huỳnh (Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi), kể với Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, Anthony cho biết, trước khi được tàu cá Quảng Ngãi cứu, ông đã gặp nhiều tàu của ngư dân các nước trên biển, ra tín hiệu nhờ giúp đỡ nhưng thất bại.

Lúc nhận được điện báo của thuyền trưởng Huy, đơn vị động viên để các ngư dân giúp đỡ, đưa người gặp nạn vào bờ, đồng thời chỉ đạo bộ phận chuyên môn sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ.

“Ban đầu, nghe báo tin người đàn ông Mỹ 75 tuổi lênh đênh trên biển với chiếc thuyền buồm hư hỏng, tôi rất ngạc nhiên, cứ hỏi đi hỏi lại là đúng tuổi chưa? Tầm tuổi đó mà đi biển như thế rất hiếm. Sau này gặp, thấy ông ấy đi biển qua các nước với chiếc la bàn và tấm bản đồ thì ai nấy đều sững sờ”- Trung tá Thư nhớ lại.

Cũng theo Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Huỳnh, khi tiếp nhận ông Anthony, đơn vị đã hỗ trợ hết các vấn đề trong khả năng, đồng thời liên hệ thợ từ Tam Quan (tỉnh Bình Định) ra để sửa phần động cơ và đưa cả người lẫn thuyền ra cảng Dung Quất làm thủ tục nhập cảnh. Phần cột buồm phức tạp thì tạm thời chưa thể khắc phục.

“Dù sức khỏe đã ổn định nhưng có vẻ ông Anthony còn khá bàng hoàng sau chuyến biển nên e ngại khi di chuyển thuyền buồm từ cảng Sa Huỳnh ra cảng Dung Quất vào ngày 5/6. Theo yêu cầu của ông, chúng tôi cũng liên hệ tàu cá của ngư dân địa phương đi cùng để phòng bất trắc. Hiện thuyền buồm đã ra đến Dung Quất an toàn”- Trung tá Thư cho hay.

Trung tá Lê Minh Thư - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Huỳnh bên món quà do đại sứ quán Philippines trao tặng.

Trung tá Lê Minh Thư - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Huỳnh bên món quà do đại sứ quán Philippines trao tặng.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên Đồn Biên phòng Sa Huỳnh hỗ trợ người ngoại quốc gặp nạn trên biển. Trước đó, vào năm 2015, đồn đã tiếp nhận, chăm sóc một ngư dân người Philippines bị rơi xuống biển, được tàu cá Bình Định cứu vớt, đưa vào bờ.

“Ngư dân này chỉ biết nói tiếng địa phương, không dùng được tiếng Anh. Trong suốt 1,5 tháng ở tại đây, đôi bên chỉ giao tiếp được bằng cách ra dấu. Chúng tôi đã liên hệ Sở Ngoại vụ, sau đó Đại sứ quán Philippines đến trụ sở để nhận bàn giao người và tặng quà lưu niệm. Khi về nước, ngư dân ấy còn viết thư cảm ơn”-Trung tá Thư nói.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-ong-my-75-tuoi-va-hanh-trinh-21-ngay-lac-troi-tren-bien.html