Người dân sẽ không phải mang theo nhiều loại giấy tờ khi tham gia giao thông
Sáng 10/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đường bộ; Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nhiều cơ sở thực tiễn cần thiết phải ban hành Luật
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTAT GTĐB), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu 6 cơ sở thực tiễn cần thiết phải ban hành Luật. Trong đó, tình hình TTAT GTĐB trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Theo thống kê, trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội. Một trong những nguyên nhân chính là nhiều quy định trong Luật GTĐB năm 2008 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTAT GTĐB ở Việt Nam.
Đại tướng Tô Lâm cho biết, Dự thảo Luật đang quy định về điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; giấy phép lái xe (GPLX); tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe... Dự thảo đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: GPLX, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo…
Xe ưu tiên mà đèn đỏ thì cũng phải dừng lại
Phát biểu tại tổ, Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho biết, Luật GTĐB được ban hành từ năm 2008 và được xây dựng ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng GTĐB còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy, mặc dù một số nội dung đã điều chỉnh nhưng chưa đồng bộ và cũng không còn phù hợp như quy định về sử dụng làn đường, chuyển hướng, vượt xe, nhường đường tại nơi giao nhau, nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu...
Các quy định về đảm bảo an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông chưa đầy đủ và đồng bộ… có thể dẫn đến khó khăn trong việc duy trì trật tự giao thông… Đặc biệt là không có quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về TTAT GTĐB dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật...
Vì vậy, Đại biểu Thu tán thành việc tách Luật GTĐB hiện hành thành 2 luật ( Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ) nhằm đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng, tránh việc giao thoa… như quy định về vận chuyển người, hàng hóa, động vật… nên chuyển sang Luật Đường bộ. Đồng thời, cần có Báo cáo đánh giá tác động nêu rõ hơn về quy định của đạo luật này tác động như thế nào đối với các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, nhất là các tội xâm phạm an toàn giao thông vì Dự thảo mới là Luật TTAT GTĐB quy định rất nhiều hành vi bị nghiêm cấm.
Qua nghiên cứu, Đại biểu Tống Văn Băng (đoàn Hải Phòng) cho rằng, giữa Dự án Luật TTAT GTĐB và Luật Đường bộ cùng xuất phát từ một luật (Luật GTĐB) nên còn nhiều điểm có cách đánh giá, cách hiểu có sự trùng lắp. Đại biểu dẫn chứng về trung tâm chỉ huy giao thông đang được cả 2 Dự án Luật quy định, dù góc độ khác nhau nhưng vẫn có sự trùng lặp. Hay nội dung đưa đón học sinh đi học bằng xe ô tô cũng đang được quy định trong 2 Fự án Luật. Vì vậy, Đại biểu đề nghị cần phải đánh giá, phân tách rõ hơn.
Ngoài ra, Điều 81 Dự thảo Luật quy định, GPLX được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng theo thời hạn ghi trên GPLX. GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Đại biểu cho rằng, thời gian qua, việc đăng ký phương tiện giao thông, bằng lái xe rất nhiều thủ tục phức tạp. “Do đó, nếu không có ảnh hưởng gì với những giấy phép lái xe đã được cấp hợp pháp từ giai đoạn trước, trường hợp cần phải đổi thì mới đổi; còn với những trường hợp chỉ thay đổi về mẫu mã thì không nhất thiết phải đổi”, Đại biểu Băng đề nghị và lý giải điều này giúp tránh mất thời gian, kinh phí bởi dù cấp miễn phí cho người dân nhưng đây cũng là ngân sách nhà nước.
Báo cáo giải trình thêm một số nội dung tại phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, trước đây còn dư luận băn khoăn về việc tách Luật GTĐB thành 2 luật, song sau đó Quốc hội đã nhất trí với việc tách này. Căn cứ pháp lý rất quan trọng là Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư ban hành đã nêu rất rõ quan điểm xây dựng 2 luật và trách nhiệm của Quốc hội là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, quá trình soạn thảo, nguyên tắc luôn được Ban soạn thảo nhấn mạnh là xây dựng luật để quản lý nhà nước, quản trị xã hội theo pháp luật nhưng luật phải phục vụ được nhân dân.
“Quy định phải thế này, phải thế kia là đúng rồi, để quản lý nhà nước, quản trị xã hội. Nhưng bên cạnh đó phải nhấn mạnh lợi ích nhân dân dân, tinh thần phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để người dân ủng hộ, tự giác thực hiện đảm bảo quyền lợi của mình”, ông Tô Lâm nói và sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc này.
Về một số vấn đề cụ thể như quan tâm đến người yếu thế, Bộ trưởng Tô Lâm dẫn hình ảnh CSGT dắt cụ già, cháu bé qua đường, tham gia cấp cứu người gặp nạn, cứu hộ… Ông cho biết, ở nhiều nước, người dân gặp vấn đề gì phần lớn gọi cảnh sát và họ kết hợp cả xe cấp cứu với xe cảnh sát để làm sao tranh thủ “giờ vàng” kịp thời cấp cứu được nạn nhân như Ả rập Xê út đã cứu tới 70% bệnh nhân bị tim mạch. Chúng ta cũng mong muốn lực lượng cứu hộ, cứu nạn, giao thông học những kiến thức cơ bản về y tế
Đề cập vấn đề đăng ký xe chính chủ, Đại tướng Tô Lâm khẳng định điều này là cần thiết để đảm bảo minh bạch, lành mạnh, để tránh “ông đi không phạt lại phạt ông đã bán xe lâu rồi. Tài sản người này lại người kia quản lý. Trước đây bán xe là bán cả biển thì nay định danh theo biển số xe và khi bán xe phải giữ biển lại nên sẽ cải tiến được”.
Một điểm nữa là vấn đề chỉ huy giao thông. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, các nước làm rất chuẩn, ra đường chỉ có 1 luật. Xe ưu tiên có xe cảnh sát dẫn đường nhưng đèn đỏ là dừng lại. “Có nước tôi đi nói vui rằng may toàn gặp đèn xanh, nhưng họ nói không phải may mà đoàn đi đến đâu họ điều hành đèn giao thông đến đó”, ông kể.
Còn ở ta, đèn đỏ thì xe ưu tiên vẫn đi qua, được ưu tiên lại không thực hiện theo luật. Cảnh sát lại phải ngăn người dân để nhường đường rất vất vả, còn người dân cũng vất vả phải dừng dù đang đi đúng đường. Do đó, Bộ trưởng Tô Lâm nói, điều hành giao thông phải đúng và mong muốn xe ưu tiên dẫn đường thì cũng phải đèn xanh mới được đi.
Người đứng đầu ngành Công an cũng nhấn mạnh, mặc dù nhiều nhiệm vụ nhưng biên chế CSGT không được tăng, mà phải áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết bị. Theo Bộ trưởng, hiện ở đâu cũng lắp camera nhưng chả ai kết nối được với ai trong khi nhiều nước chỉ sử dụng khi đúng tiêu chuẩn, tiêu chí.
“Sang nước bạn muốn tự đi xe của mình cũng không được vì hệ thống nhận diện không đúng biển số xe là không cho lưu thông. Giờ mình biển rởm, biển giả, thậm chí che biển vẫn chạy. Công nghệ này cần phải tiến hành. Làm được thì giảm đi “tiếng ong ve” về lực lượng CSGT, vì chả ai giao dịch với ai thì làm sao tiêu cực được”, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay và khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp tiếp thu, hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.