Người dân Thủ đô chưa muốn bỏ xe cá nhân đi xe buýt, làm sao để thay đổi thói quen này?

Mục tiêu TP Hà Nội đưa ra đến năm 2025 sẽ có 30% người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, nhưng đến nay con số này mới đạt 19%. Vậy làm sao để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng xe buýt?

Khó đạt mục tiêu

Thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho biết, hiện nay mạng lưới xe buýt trên địa bàn TP có 154 tuyến, trong đó 130 tuyến trợ giá. Sản lượng khách vận chuyển trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 350 triệu lượt khách, đạt tỷ lệ 19,5%.

Theo mục tiêu TP Hà Nội đưa ra, vào năm 2025, tỷ lệ người dân sử dụng vận tải khách công cộng đạt 30%, như vậy, với kết quả hiện tại, ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội thừa nhận, so với kỳ vọng còn nhiều khó khăn.

Tại tọa đàm “Xe buýt Thủ đô cần làm gì để nâng cao chất lượng xe buýt”do báo Giao thông tổ chức ngày 17/11, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc VinBus cũng cho rằng, "đến 2025 vận tải hành khách công cộng chiếm 30-35%" là một mục tiêu đầy thách thức.

Những mong muốn có đạt được không còn phụ thuộc vào các bên và vai trò lớn là của Nhà nước. Muốn xe buýt đi nhanh hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn cần những ưu tiên về cơ chế chính sách như trợ giá... Đó là điều doanh nghiệp không tự chủ được.

Góc độ thứ hai là vai trò của doanh nghiệp. Cơ chế chính sách không thể chạy theo kịp được theo các yêu cầu của đời sống. Do đó, doanh nghiệp phải xác định nỗ lực trong khi chờ những chính sách ưu tiên, nhất là nỗ lực trong việc tăng chất lượng dịch vụ.Đặc biệt, muốn đạt được mục tiêu này cần sự đồng hành của cộng đồng.

Rất nhiều người dân muốn từ bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt nhưng chưa đáp ứng được

Rất nhiều người dân muốn từ bỏ phương tiện cá nhân để đi xe buýt nhưng chưa đáp ứng được

“Ai cũng hiểu phải hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển vận tải khách công cộng. Nhưng hiện nay như bài toán con gà- quả trứng, phải có sự đồng hành của người dân, cơ chế chính sách từ Nhà nước và sự dám làm của doanh nghiệp thì mới làm được"- ông Nhật cho hay.

Vì sao xe buýt Thủ đô vẫn chưa thực sự hấp dẫn người dân, ông Phương thẳng thắn chỉ ra một số điểm trọng tâm như thời gian chuyến đi còn kéo dài do xe buýt chưa có đường riêng, chất lượng phương tiện đâu đó còn chưa đảm bảo, việc tiếp cận của người dân với xe buýt còn chưa được thuận tiện, thái độ phục vụ của lái xe và nhân viên bán vé còn chưa được thân thiện. Đặc biệt, trong mắt không ít người dân Thủ đô thì xe buýt lưu thông trên đường được ví như “hung thần” vì phóng nhanh vượt ẩu, chèn ép phương tiện khác…

Bức xúc nhất về chất lượng phục vụ

Theo ông Phương, trong những phản ánh của hành khách có rất nhiều bức xúc về chất lượng phục vụ của lái xe, nhân viên.

“Chúng tôi đang rà soát tổng thể mạng lưới tuyến, sắp tới sẽ điều chỉnh dịch vụ, lộ trình, tần suất biểu đồ 71 tuyến để nâng chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, ở thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé hiện đơn vị chưa có đủ nguồn lực, thông tin hàng ngày.

Do đó, rất cần sự giám sát của người dân, báo chí để làm thước đo xử phạt vi phạm hợp đồng, thước đo cho sự hài lòng của hành khách”, ông Phương nói và cho biết, hiện đơn vị đã có kênh thông tin điều hành đến từng lái xe và có kênh riêng khác truyền thông tin trực tiếp đến giám đốc đơn vị.

Chất lượng và thái độ phục vụ trong xe buýt được người dân quan tâm

Chất lượng và thái độ phục vụ trong xe buýt được người dân quan tâm

Còn theo ông Nhật, cần có thời gian nghiên cứu để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cho các doanh nghiệp sao cho sát với những mong muốn của người dân.

“Rất nhiều khách hàng góp ý với chúng tôi từ những việc rất nhỏ. Vinbus có vé điện tử nên chúng tôi đo đếm được một con số rất thú vị đó là vé tháng. Thống kê từ 9 tuyến xe buýt điện cho thấy, số lượng dân văn phòng, công chức viên chức dùng vé tháng lên tới 91%. Chúng tôi đã phỏng vấn nhiều người và không ít khách cho biết họ có cả xe riêng nhưng bỏ lại để đi xe buýt. Qua đó, chúng tôi nhận thấy, không phải người dân không thích đi xe buýt", ông Nhật nói.

Cũng theo ông Nhật, đối tượng khách hàng rất tiềm năng nhưng làm thế nào để thu hút những khách hàng đó chuyển đổi thói quen. Khi đó, người dân sẽ tự điều chỉnh các lợi ích từ thời gian sức khỏe, tiền bạc để chuyển sang xe buýt.

"Yếu tố quan trọng nhất với khách hàng bây giờ không phải giá vé mà là thời gian của chuyến đi và thái độ phục vụ khách hàng. Vấn đề chúng ta có chiến lược, cách đi như thế nào để thu hút", ông Nhật nhìn nhận.

Còn bàn về giải pháp để tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với hệ thống xe buýt hiện nay, ông Phương cho biết, đơn vị đang trình TP Hà Nội đề án sắp xếp hợp lý các điểm dừng đỗ; Cùng với đề án tái cấu trúc mạng lưới, đưa thêm các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt nhỏ; triển khai thí điểm xe đạp công cộng và ứng dụng công nghệ tạo tiện dụng trong chuyển tuyến; chính sách vé liên thông, vé điện tử là những giải pháp Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội đang triển khai để tăng sự tiếp cận của người dân với hệ thống buýt và cải thiện thời gian chuyến đi.

"Trung tâm đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mà căn cơ là đề án rà soát, sắp xếp, đánh giá lại tuyến, tức tái cấu trúc mạng lưới. Chúng tôi đã có báo cáo bước 1 lên thành phố để điều chỉnh 71 tuyến, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ hành khách, nâng cao hiệu quả trợ giá. Hiện Trung tâm đang thành phố chờ chấp thuận và sẽ triển khai từng bước từ tháng 1/2024”- ông Phương cho biết.

Cũng theo ông Phương, dự kiến từ ngày 24/11 sẽ thí điểm thẻ vé liên thông, thẻ vé liên tuyến với 24 tuyến buýt, sẽ có nhiều công nghệ mới được áp dụng trên xe buýt. Thẻ vé có thể kiểm soát được các tuyến buýt liên tuyến và việc này sẽ nhân rộng, từ đó cơ quan quản lý sẽ nắm được sản lượng chính xác từng tuyến và có biện pháp can thiệp chính sách tốt hơn.

Ngoài ra trong đề án, Trung tâm cũng đưa ra những quyết định về hình ảnh màu sơn xe buýt, thân thiện với logo biểu trưng để dễ nhận biết, thân thiện với hành khách hơn, cũng như ban hành chính sách hỗ trợ các đơn vị.

"Phấn đấu đến năm 2030, sẽ có 50-60% xe buýt sử dụng nhiên liệu xanh và điện, và đến năm 2035 sẽ tăng lên 90%. Có thể nói, Sở GTVT Hà Nội đang quyết tâm triển khai thực hiện các kế hoạch và chuyển đổi số mạnh mẽ như GPS, số hóa hạ tầng.... nhằm tăng tiện ích của người dân”- ông Phương nói.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguoi-dan-thu-do-chua-muon-bo-xe-ca-nhan-di-xe-buyt-lam-sao-de-thay-doi-thoi-quen-nay-post558285.antd