Người dân tộc thiểu số ở Bắc Ninh vươn lên thoát nghèo nhờ chính sách Nhà nước

Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Nhà nước như xóa nhà tạm, giao đất rừng, tạo kế sinh nhai, xóa mù chữ..., đời sống của người dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa tỉnh Bắc Ninh có nhiều thay đổi.

Theo quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 của UBND tỉnh Bắc Giang cũ (nay là tỉnh Bắc Ninh), địa phương này còn hơn 8.300 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,73%. Con số này giảm hơn 4.200 hộ, tương đương giảm 0,9% so với năm 2023, vượt 0,07% kế hoạch đề ra.

Đây là tín hiệu đáng mừng của địa phương sau thời gian dài triển khai các chính sách Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Đặc biệt, với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, địa phương đã tổ chức lễ phát động quyết tâm xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình người có công bằng nguồn xã hội hóa trong năm 2024.

Qua rà soát, thống kê và thẩm định, tính đến tháng 10/2024, Ban Chỉ đạo hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ gia đình người có công trên địa bàn đã phê duyệt hỗ trợ xây dựng 1.393 căn nhà.

Một ngôi nhà được xây dựng nhờ chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát

Một ngôi nhà được xây dựng nhờ chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát

Các nguồn lực huy động, vận động cho công việc này được xác định cụ thể là sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tổ chức xây dựng nhà ở, kinh phí huy động 100% từ nguồn xã hội hóa.

Với tinh thần xuyên suốt đó, hàng trăm căn nhà của các đối tượng thụ hưởng đã được khởi công xây dựng và sửa chữa.

Không chỉ dừng ở đó, địa phương tiếp tục trao đất rừng, hỗ trợ cây giống, vật nuôi để tạo kế sinh nhai lâu dài cho người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Gia đình chị Lý Thị An (SN 2001) là hộ đặc biệt khó khăn tại địa phương. Nhờ các chính sách của UBND xã, gia đình chị An được hỗ trợ tiền xây dựng nhà và cấp ngựa bạch làm giống để tạo sinh kế. Hàng ngày, người chồng đi buôn bán cây, chị An chăm nom nương rẫy và chăn ngựa.

"Nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gia đình em có nhà cửa rộng rãi và cả đàn ngựa để phát triển kinh tế. Đời sống bởi vậy mà ổn định hơn rất nhiều so với trước đây" - chị An nói.

Đời sống của người DTTS tại các nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh dần trở nên đầy đủ, khấm khá nhờ các chính sách thiết thực.

Tại một số nơi ở địa phương này, các lớp học dạy nghề được duy trì, mở rộng giúp đào tạo việc làm, trao "cần câu" để người DTTS có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, những lớp học xóa mù chữ trên địa bàn là một phần trong nỗ lực triển khai các giải pháp xóa mù chữ cho người dân, thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn, địa phương cũng chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước, đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn, nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch tại khu vực này.

Hiện nay, trên địa bàn có 137 công trình cấp nước sạch nông thôn được tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong đó, 133 công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí hơn 442 tỷ đồng, 4 công trình do doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn trên 487 tỷ đồng.

Nhờ triển khai hàng loạt các chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống và kinh tế của người DTTS nơi vùng sâu vùng xa của tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều thay đổi lớn, từng bước ổn định và có cơ hội phát triển trong tương lai.

Thạch Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-dan-toc-thieu-so-o-bac-ninh-vuon-len-thoat-ngheo-nho-chinh-sach-nha-nuoc-2418511.html