Người dân xã Quảng Tân lưu giữ cồng chiêng

Nhiều gia đình người M'nông (Lâm Đồng) vẫn lưu giữ những bộ cồng chiêng cổ như báu vật thiêng liêng của dòng tộc.

Đối với người M’nông, cồng chiêng là tài sản quý giá thể hiện sự giàu có của bon làng, cộng đồng

Đối với người M’nông, cồng chiêng là tài sản quý giá thể hiện sự giàu có của bon làng, cộng đồng

Gia đình ông Điểu Khôn ở bon Phi Lơ Te, xã Quảng Tân hiện đang lưu giữ 2 bộ chiêng được truyền từ nhiều đời ông cha để lại. Theo lời ông Điểu Khôn, đây là báu vật thiêng của dòng tộc, chỉ được mang ra sử dụng trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, cúng bến nước, mừng lúa mới… Hai bộ chiêng này vẫn đang được sử dụng tốt và mỗi lần trong bon hay địa phương có tổ chức sự kiện gì quan trọng, ông đều mang bộ chiêng này cho mượn và cùng nhau diễn tấu.

Ông Điểu Khôn cho biết: “Đối với người M’nông, cồng chiêng là tài sản quý giá thể hiện sự giàu có của bon làng, cộng đồng. Nhà nào có được bộ cồng chiêng là quý lắm, giàu lắm nên dù cực khổ đến mấy tôi cũng không bán. Việc gìn giữ và đánh cồng chiêng không chỉ là niềm đam mê yêu thích mà còn là trách nhiệm với ông bà tổ tiên, dòng họ”.

Theo ông Điểu Khôn, trước đây, chỉ có những gia đình giàu có mới sở hữu được những bộ chiêng đồng. Còn giờ đây, gia đình ông lưu giữ chúng không phải để “khoe” mình giàu có mà đơn giản chỉ là để cho con cháu đời sau biết về những đồ vật của tổ tiên đã từng dùng. Nhiều người đã đến đây trả giá rất cao cho 2 bộ chiêng này nhưng gia đình nhất quyết không bán. Ông đã chỉ dạy cho con cháu cách đánh cồng chiêng và tiếp tục giữ gìn chúng.

Tương tự, tại bon Điêng Đu, xã Quảng Tân, gia đình anh Điểu Theo hiện đang lưu giữ 1 bộ chiêng 6 chiếc mà tổ tiên để lại. Bộ chiêng này gắn bó với gia đình anh mấy chục năm qua. Dù hoàn cảnh kinh tế không mấy khá giả, có nhiều người đến hỏi mua với giá cao nhưng anh nhất quyết không bán. Trong nhà, anh dành riêng một góc để treo những chiếc chiêng và anh xem chúng như những “báu vật”, chỉ mang ra khi bon làng có lễ hội truyền thống.

Anh Điểu Theo cho biết: “Bộ chiêng này gắn liền với tuổi thơ của tôi từ nhỏ cho đến bây giờ. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cả gia đình phải đi trốn bom đạn nhưng ông nội và cha đi đâu vẫn gùi theo. Cuộc sống gia đình nghèo lắm, đói khổ nhưng cả gia đình rất tự hào vì còn giữ bộ cồng chiêng. Tôi thấy trách nhiệm của mình là phải giữ gìn bộ chiêng này như ông bà đã từng giữ. Dù ai hỏi mua bao nhiêu tôi cũng không bán”.

Không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, nhiều hộ gia đình ở xã Quảng Tân còn tích cực truyền dạy cách đánh chiêng, sửa chiêng cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, những âm thanh của núi rừng, hồn cốt văn hóa M’nông vẫn tiếp tục ngân vang nơi bon làng, như một mạch nguồn bất tận.

Theo ông Phạm Quốc Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, đồng bào M’nông trên địa bàn xã hiện còn lưu giữ 15 bộ cồng chiêng trong các gia đình và các bộ chiêng này đều đang sử dụng tốt. Ý thức gìn giữ cồng chiêng cũng như văn hóa truyền thống của bà con người M’nông rất đáng trân trọng và đã đóng góp vào sự thành công trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn.

Mỹ Hằng

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/nguoi-dan-xa-quang-tan-luu-giu-cong-chieng-382326.html