Người đầu tiên viết đề án nhà máy điện hạt nhân

Nhà vật lý nguyên tử, nhà truyền thông khoa học Đinh Ngọc Lân chính là người viết đề án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Được sự giúp đỡ và cho phép của gia đình nhà vật lý nguyên tử, nhà truyền thông khoa học Đinh Ngọc Lân, chúng tôi được sử dụng những di cảo của ông, người viết đề án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Đinh Ngọc Lân - người viết đề án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Ông Đinh Ngọc Lân - người viết đề án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam.

Bản phác thảo đầu tiên

Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định hòa bình được ký kết ở Paris (Pháp), cơ quan Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước từ nơi sơ tán ở huyện Lập Thạch (VĩnhPhúc) trở về Hà Nội. Ông Trần Quỳnh (lúc ấy là Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) gọi ông Đinh Ngọc Lân lên phòng làm việc. Ông Trần Quỳnh giao nhiệm vụ rất ngắn gọn: “Tổng Bí thư Lê Duẩn cần ngay một Đề án về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta. Anh chuẩn bị gấp”.

Với ông Đinh Ngọc Lân, đó là khoảnh khắc trọng đại trong cuộc đời mình. Ông hiểu, nhiệm vụ này không chỉ là một đề án kỹ thuật mà còn là niềm tin, niềm mong đợi của cả một thế hệ vào sự phát triển mạnh mẽ của đất nước sau chiến tranh.

Điện nguyên tử là xu thế chung của thế giới hiện nay, các nước anh em làm, ta cũng sẽ phải làm, còn bao giờ làm thì các đồng chí khoa học cần bàn kỹ với nhau".

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ông Lân cảm thấy hồi hộp, nhưng ông tin vào khả năng, sự am hiểu về lĩnh vực khoa học hạt nhân của mình, bởi năm 1960, ông tốt nghiệp ngành Vật lý hạt nhân thực nghiệm trường Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc, rồi ở lại nghiên cứu thêm 1 năm tại Viện Năng lượng nguyên tử Bắc Kinh.

Tháng 3/1962, ông tham dự khóa học 3 tháng do Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đubna (Liên Xô) tổ chức để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong các nước xã hội chủ nghĩa. Nhờ vậy, ông được đến thăm nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới tại thành phố Obninsk thuộc tỉnh Kaluga, thăm công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân Nôvô-Vôrônhegiơ công suất 240.000 kW, lớn nhất thế giới hồi ấy.

Tháng 5/1966, ông được cử sang Viện Nghiên cứu hạt nhân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc với lời ký thác của GS Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp - “Sang bên ấy xem người ta ứng dụng khoa học, kỹ thuật hạt nhân vào thực tế như thế nào để về ứng dụng trong nước”.

Đề án tâm huyết được ông Đinh Ngọc Lân viết xong, trình lên ông Trần Quỳnh. Ông Trần Quỳnh đọc và cho phép đánh máy gửi sang Bộ Điện và Than. Chỉ mấy hôm sau, ông Đinh Ngọc Lân nhận được bức thư viết tay của ông Nguyễn Hữu Mai - Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Điện và Than, kiêm Bí thư Đảng đoàn mời sang báo cáo với Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ.

Sau buổi báo cáo, nhiều người tỏ ra rất tâm đắc, đặt thêm câu hỏi yêu cầu ông làm rõ. Tuy nhiên, cũng có những người nghi ngờ: “Nước ta cái thô sơ còn chưa quản lý được, quản lý sao nổi cái hiện đại như nhà máy điện hạt nhân?”.

Tổng Bí thư Tô Lâm thị sát địa điểm xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ngày 5/12/2024. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Tổng Bí thư Tô Lâm thị sát địa điểm xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ngày 5/12/2024. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Đề án được đích thân Tổng Bí thư, Thủ tướng ngồi nghe

Sau ngày thống nhất đất nước, tài năng và tâm huyết của nhà khoa học hạt nhân trong ông một lần nữa được dùng đến. Chính Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước - giới thiệu ông vào Ban Năng lượng, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Ban này do ông Nguyễn Chấn - Bộ trưởng Bộ Điện và Than làm Trưởng ban. Ông tiếp tục được giao soạn thảo Đề án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta.

Trên cơ sở bản đề án lần thứ nhất, ông cần mẫn chắt lọc, bổ sung, hiệu đính cho bản đề án lần thứ hai. Một lần nữa, niềm tin trong ông được thắp sáng. Ông tràn trề hy vọng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sớm trở thành hiện thực. Và, một cuộc gặp vô tiền khoáng hậu trong đời ông đã diễn ra.

Vào giữa tháng 1/1976, ông được phân công cùng ông Nguyễn Chấn vào TP.HCM báo cáo Bộ Chính trị Đề án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị, trước Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông Đinh Ngọc Lân báo cáo khái quát tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới, những gì ông chứng kiến trong khóa học về điện hạt nhân và tham quan các nhà máy điện hạt nhân của Liên Xô, về việc Liên Xô đang giúp xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Ông Lân mạnh dạn đề nghị Việt Nam nhờ Liên Xô giúp xây dựng một nhà máy điện hạt nhân gồm 2 lò phản ứng kiểu nước nhẹ dưới áp lực VVER - 440, công suất mỗi lò là 440 MW, như kiểu lò phản ứng Liên Xô đang giúp các nước xã hội chủ nghĩa xây dựng. Với kinh nghiệm phong phú và tính toán lý thuyết của mình, ông tin tưởng lò phản ứng thứ nhất sẽ đưa vào vận hành năm 1985, lò thứ hai năm 1986.

Nghe ông Lân báo cáo xong, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Điện nguyên tử là xu thế chung của thế giới hiện nay, các nước anh em làm, ta cũng sẽ phải làm, còn bao giờ làm thì các đồng chí khoa học cần bàn kỹ với nhau”.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến ngày 25/11/2009, Quốc hội mới chính thức thông qua Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Cho tới ngày nhắm mắt xuôi tay, nhà vật lý nguyên tử thế hệ đầu tiên của Việt Nam vẫn chưa được chứng kiến công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên đất nước mình.

Ông Đinh Ngọc Lân là nhà vật lý hạt nhân thế hệ đầu tiên của đất nước, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực ứng dụng hạt nhân vào phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là nhà máy điện hạt nhân; là người đề xuất và tham gia việc Việt Nam gia nhập trở lại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) năm 1978.

PHƯƠNG ĐÔNG - NGUYỄN QUỐC

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nguoi-dau-tien-viet-de-an-nha-may-dien-hat-nhan-ar920546.html