Người dùng đổ xô mua CPU đời cũ vì kinh tế bất ổn và thuế quan tăng cao
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động và chi phí linh kiện tăng mạnh do ảnh hưởng của chính sách thuế, người tiêu dùng đang ưu tiên lựa chọn các mẫu CPU đời cũ như Intel Raptor Lake thay vì các dòng mới như Arrow Lake hay Lunar Lake.

Người dùng đang ưu tiên lựa chọn các dòng CPU đời cũ.
Báo cáo tài chính mới nhất của Intel cho thấy công ty đang đối mặt với những thách thức lớn trong mảng CPU desktop. Theo đó, hai dòng chip mới nhất là Arrow Lake và Lunar Lake không đạt kỳ vọng về doanh số, khiến khách hàng quay lại lựa chọn dòng Raptor Lake, vốn đã ra mắt từ trước nhưng có giá thành cạnh tranh hơn.
Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh, Giám đốc mảng Sản phẩm của Intel – Michelle Johnston Holtahus thừa nhận rằng các sản phẩm thế hệ trước như Raptor Lake (N-1) và Alder Lake (N-2) đang nhận được sự quan tâm lớn từ người tiêu dùng, vượt xa kỳ vọng ban đầu dành cho các dòng chip mới hơn.
Bà Holtahus lý giải rằng: “giá linh kiện công nghệ tăng do thuế quan mới và bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn đã khiến người dùng cá nhân và các đối tác OEM ưu tiên lựa chọn các dòng CPU cũ, vốn có tỷ lệ hiệu năng trên giá thành tốt hơn”.
Mặc dù không còn là sản phẩm mới nhất, Raptor Lake vẫn đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng phổ thông với chi phí hệ thống thấp hơn đáng kể so với Lunar Lake hay Meteor Lake, những dòng chip tích hợp nhiều công nghệ mới nhưng đi kèm giá thành sản xuất cao.
Điều đáng chú ý là Raptor Lake từng bị phàn nàn về hiệu năng không ổn định, bao gồm hiện tượng sụt giảm hiệu suất và lỗi hệ thống. Tuy nhiên, nhu cầu dành cho dòng CPU này hiện nay lại tăng vọt, đến mức Intel thừa nhận đang gặp tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiến trình Intel 7, vốn được dùng để sản xuất dòng chip này.
Sự gia tăng nhu cầu càng trở nên rõ rệt sau khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump áp dụng các mức thuế mới đối với linh kiện công nghệ. Điều này khiến người tiêu dùng có xu hướng mua gấp các mẫu CPU đời cũ trước khi giá cả bị đẩy lên cao hơn.
Hiện tại, Intel cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ AMD, đặc biệt tại các thị trường chiến lược như Trung Quốc, nơi AMD liên tục gia tăng thị phần CPU desktop nhờ giá bán cạnh tranh và hiệu suất ổn định.