Người Hà Nội: 'Ông bảo tàng'

Chúng tôi hay gọi ông là 'ông bảo tàng' bởi PGS, TS Nguyễn Văn Huy là người đã mang lại nhiều dấu ấn và làm thay đổi cơ bản nhận thức về cách làm cho hệ thống bảo tàng cả nước.

Đặc biệt với Hà Nội, những bảo tàng ông tham gia đóng góp, xây dựng đã góp phần giúp người dân, bạn bè khắp thế giới hiểu hơn về Thủ đô nghìn năm văn hiến chứa đựng những thăng trầm của lịch sử, là trái tim lan tỏa và để cả nước hướng về.

Tạo thay đổi nhận thức về bảo tàng

Dấu ấn đầu tiên của PGS, TS Nguyễn Văn Huy với hệ thống bảo tàng gắn với việc hình thành Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tại Hà Nội. Năm 1983, khi đang là Phó viện trưởng Viện Dân tộc học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), ông được giao lên ý tưởng xây dựng bảo tàng bằng luận chứng kinh tế kỹ thuật. Là một người “ngoại đạo”, ông phải làm quen từ những khái niệm cơ bản nhất về bảo tàng.

Khoảng năm 1984, 1985, luận chứng được trình lên Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, lại vào đúng thời điểm “cả nước ăn bo bo”, nền kinh tế đất nước vô cùng khó khăn trong khi các bảo tàng công lập cũng chỉ hoạt động nhạt nhòa, lèo tèo, vắng khách. Đã có những đắn đo không muốn làm nhưng với suy nghĩ rằng khó khăn rồi cũng sẽ qua đi, Việt Nam, Hà Nội vẫn cần một bảo tàng chung của 54 dân tộc anh em. Từ quyết tâm đó, hàng loạt khó khăn để xin đất, xin kinh phí xây dựng, tìm kiếm sưu tầm hiện vật... lần lượt được giải quyết. Năm 1997, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được khai trương.

Một trong những “đặc sản” thú vị của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là khu vườn kiến trúc với 10 ngôi nhà truyền thống của một số dân tộc. Đây là trưng bày ngoài trời đầu tiên được chính đồng bào dựng theo kinh nghiệm dân gian. Từ trưng bày đến kiến trúc đều thống nhất nói lên tiếng nói của đồng bào, phản ánh cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa của họ bằng ngôn ngữ của bảo tàng.

“Đồng bào sống thế nào, chúng tôi trưng bày và giới thiệu như thế, không dùng lời có cánh, không bình luận hay lồng ghép những bài học, kinh nghiệm... để người xem tự suy ngẫm, không áp đặt nhưng họ vẫn hiểu được thành quả của cách mạng. Cách làm bảo tàng dựa vào cộng đồng này được thế giới sử dụng từ lâu và đã chứng tỏ tính hiệu quả ở Việt Nam, khi áp dụng vào Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam”, PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho biết.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên với du khách. Ảnh: MINH NGỌC

PGS, TS Nguyễn Văn Huy giới thiệu Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên với du khách. Ảnh: MINH NGỌC

Cách thức quảng bá hình ảnh về một bảo tàng các dân tộc của Việt Nam ngay giữa lòng Thủ đô cũng khá hiện đại. Khi chưa nhiều người biết đến bảo tàng, PGS, TS Nguyễn Văn Huy chọn thời cơ là Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ VII tại Việt Nam, một hội nghị quốc tế lớn nhất mà Việt Nam đăng cai tổ chức cho tới thời điểm đó, để giới thiệu với lãnh đạo của Cộng đồng Pháp ngữ. Từ tiếng vang của sự kiện đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực sự đã định hình được vị thế, là điểm đến đặc biệt của du khách và giới chuyên gia khi đến với Thủ đô Hà Nội.

Những người làm bảo tàng thế giới còn cho rằng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là một thực thể độc đáo của Đông Nam Á và thế giới. Thế nên, sau vài chục năm, cho đến tận bây giờ, nhiều nghiên cứu sinh nước ngoài vẫn muốn gặp trực tiếp PGS, TS Nguyễn Văn Huy để tìm hiểu cách thức và quan niệm dẫn dắt tạo ra một bảo tàng độc đáo và khác lạ thành công đến vậy. Trải qua thời gian, có thể khẳng định, lần đầu tiên, ngay giữa Thủ đô Hà Nội có một bảo tàng giới thiệu đầy đủ văn hóa các dân tộc của cả nước. Cách làm bảo tàng của ông với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng đã gây tiếng vang lớn, lan tỏa và làm thay đổi nhận thức về cách làm bảo tàng của Việt Nam.

Thành lập bảo tàng gia đình đầu tiên

Sau bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Văn Huy làm cố vấn giúp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam “thay da đổi thịt”, từ một bảo tàng chuyên đề trở thành một trong những bảo tàng thu hút du khách hàng đầu Thủ đô. Ông cũng giúp nhiều bảo tàng lớn khác về chuyên môn. Đi nhiều, ông nhận thấy thế giới có các bảo tàng nhỏ nhưng chất lượng cao và vẫn hút khách, thâm tâm ông muốn làm những bảo tàng nhỏ của gia đình, cộng đồng.

Vào thời điểm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên được thành lập năm 2014, Hà Nội cũng đã có nhiều bảo tàng tư nhân nhưng chất lượng trưng bày, thông tin và cả truyền thông đều kém. Người làm bảo tàng có được các hiện vật đã là cố gắng lắm rồi, muốn đầu tư làm bảo tàng một cách chuyên nghiệp cần phải có kinh phí. Hơn nữa, khi làm bảo tàng về cha mình, PGS, TS Nguyễn Văn Huy cũng khá băn khoăn. Thế nhưng, đến bảo tàng Anne Frank (Anne Frank House) ở Hà Lan nghe kể câu chuyện về một nạn nhân của nạn diệt chủng người Do thái ở Hà Lan, ông nhận ra rằng, lịch sử đất nước có thể được biết đến qua những con người, gia đình cụ thể. Tư liệu của cá nhân, gia đình cũng chính là tư liệu của lịch sử đất nước.

Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên trên chính quê hương ông, làng Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức, Hà Nội) là bảo tàng gia đình đầu tiên và khá chuyên nghiệp. Trưng bày của bảo tàng được kiến trúc sư Véronique Dollfus (Pháp) thiết kế cùng với các nhà đồ họa Patrick Hoarau (Pháp), Phạm Đam Ca và có một phong cách rất riêng. Mỗi chủ đề được thể hiện bằng một màu sắc riêng. Mỗi phòng trưng bày là một chuỗi các gam màu được bố trí theo nhịp điệu sống động. Đồ họa và màu sắc (của các thiết bị trưng bày, của bài viết, ảnh lớn, băng ảnh...) được xử lý một cách tinh tế, tạo nên một bảo tàng vừa sinh động, giản dị vừa ấm cúng, gần gũi, chan hòa như không khí trong một gia đình.

Ngoài tiếng Việt, tất cả thông tin chính của trưng bày được thể hiện cả bằng tiếng Anh và Pháp giúp người tham quan cảm nhận rõ hơn, gần gũi hơn về vị Bộ trưởng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quý trọng. Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên còn mang đậm những câu chuyện về tình cảm gia đình, như câu chuyện chị gái ông Nguyễn Văn Huyên là bà Nguyễn Thị Mão (sau là vợ ông Phan Kế Toại) dành dụm tiền làm được, giúp mẹ nuôi em ăn học; chuyện tình yêu giữa ông Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc, vợ ông, con gái quan Tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định đã vượt qua lễ giáo phong kiến để đi theo tiếng gọi của tình yêu, rồi theo chồng lên chiến khu...

Sau Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, PGS, TS Nguyễn Văn Huy là người có đóng góp lớn giúp dân làng thành lập Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Sau đó, ông cũng giúp thành lập Bảo tàng Tố Hữu, Bảo tàng Nguyễn Chí Thanh... Những bảo tàng đó đã và đang khẳng định vai trò quan trọng giúp công chúng cũng như thế hệ mai sau hiểu hơn về các giai đoạn lịch sử, về văn hóa dân tộc để yêu quý và tự hào về đất nước, quê hương.

LÊ MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/nguoi-ha-noi-ong-bao-tang-798082