Người Hải Dương đón tết Tây ở các nước

Dịp Tết Dương lịch, người dân Hải Dương đang sinh sống, làm việc tại các nước có nhiều cách đón năm mới. Người chọn ở bên gia đình, bạn bè cùng làm những món ăn Việt, người đi du lịch…

Gia đình anh Tuấn cùng làm bánh Pfannkuchen

Gia đình anh Tuấn cùng làm bánh Pfannkuchen

Những lời chúc bình an

Vợ chồng anh Vũ Văn Tuấn sống ở Thủ đô Berlin (Đức). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay người dân Đức không thể mua pháo hoa để đón mừng năm mới. Nhưng không vì thế mà không khí Tết tại quốc gia này bớt phần thú vị. Năm nay dịp Tết lại trùng với ngày nghỉ cuối tuần nên không khí đón chào năm mới cũng vui tươi hơn, người dân được nghỉ dài ngày hơn.

Đêm giao thừa trong tiếng Đức gọi là Silvester. Để có một bữa tiệc chào năm mới thịnh soạn, nhiều người dân Đức thường dành cả ngày cuối năm để chuẩn bị. Một số người đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và bắt đầu năm mới bằng cách tham dự một buổi lễ ở nhà thờ. Nhiều người lại quyết định tham gia vào lễ hội đếm ngược bắt đầu vào buổi tối và kéo dài suốt đêm. Nhiều lễ kỷ niệm tại các thành phố lớn có sự góp mặt của các ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng tham gia. Nhưng trên tất cả, người dân đều dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, hướng tới một năm mới bình an, dịch bệnh được kiểm soát.

“Sinh sống và làm việc tại Đức từ năm 2002 nên chúng tôi có nhiều bạn bè thân thiết người bản xứ. Tết cũng là dịp để chúng tôi gặp nhau, cùng nhau chuẩn bị những món ăn truyền thống của Đức như ngỗng quay, giò lợn hầm, cải ngâm chua… Đặc biệt là món bánh có tên Pfannkuchen. Đây là món bánh rán nhân mứt trái cây phủ đường. Ngày trước, đây là một món ăn dành cho những dịp đặc biệt. Vì vậy việc thưởng thức loại bánh này trong bữa tiệc năm mới được coi là hoạt động truyền thống của người dân Đức”, anh Tuấn kể.

Đêm giao thừa, người dân sinh sống ở Thủ đô Berlin thường tập trung ở cổng thành Brandenburger. Đây là một trong những địa điểm tham quan mang tính biểu tượng của nơi đây. “Chúng tôi và nhiều người Việt Nam khác cũng vậy. Đến đây và cùng thưởng thức những bản nhạc sôi động, ngắm pháo hoa, đếm ngược thời khắc đón mừng năm mới”, anh Tuấn nói.

Tự tay làm những món ăn đặc trưng của Việt Nam

Gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung quây quần bên nhau gói bánh chưng đêm giao thừa

Gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung quây quần bên nhau gói bánh chưng đêm giao thừa

Gia đình chị Nguyễn Hồng Nhung (27 tuổi) quê ở thị trấn Thanh Hà bắt đầu sinh sống và làm việc tại thủ đô Moskva (Nga) từ năm 2017. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết lạnh giá nên gia đình chị chọn đón Tết ở nhà thay vì ra Quảng trường Đỏ xem pháo hoa như mọi năm. Chị Nhung cho biết, người Việt đón Tết Tây cũng giống như đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Vào ngày cuối năm mọi người thường quây quầy bên nhau để gói bánh chưng, làm mâm cơm tất niên để cúng tổ tiên. Những ngày này, khu chợ của người Việt khá sầm uất vì nhà nào cũng ra đó mua đồ để chuẩn bị cho mâm cơm ngày Tết. Con gái thì thường tự tay làm cành đào thủ công và chuẩn bị bàn ăn với đầy đủ món truyền thống của người Việt như nem rán, giò lụa, thịt kho, canh măng... Còn đàn ông thì ngồi uống rượu và mở ti vi xem chương trình ca nhạc mừng Xuân của Nga. Ai thích không khí nhộn nhịp thì hòa vào dòng người ở quảng trường, trung tâm thương mại, nhà thờ để xem pháo hoa và nghe Tổng thống gửi lời chúc Tết. Trẻ nhỏ thì háo hức được nhận lì xì mừng tuổi. Ngày mùng 1, mọi người thường đến nhà nhau để gặp gỡ, giao lưu và không quên gửi những lời chúc sức khỏe, may mắn, bình an...dịp đầu năm mới.

Chị Lâm Thu Hương ở New Zealand thường cùng bạn bè đi du lịch cùng nhau

Chị Lâm Thu Hương ở New Zealand thường cùng bạn bè đi du lịch cùng nhau

Chị Lâm Thu Hương (nhà ở phố Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương), hiện sống ở thủ đô Wellington (New Zealand). Chị Hương sống ở New Zealand 14 năm. Công việc hằng ngày của chị Hương là làm nails (dịch vụ chăm sóc, làm đẹp móng). “Ngày Tết được nghỉ, mình thường tụ tập bạn bè là người Việt mình, cùng nhau nấu các món ăn Việt Nam. Tuy sống ở nước ngoài đã nhiều năm nhưng mỗi khi có thời gian rảnh, nhất là dịp Tết, mình vẫn thích tự tay làm những món ăn Việt như nem rán, bánh chưng, thậm chí còn làm cả món lòng lợn, cháo lòng. Nếu sắp xếp được thời gian, mẹ con mình thường tự lái xe ô tô đến các điểm du lịch ngắm vườn hoa, hái dâu tây… tại thành phố Rotorua, cảng Auckland, núi tuyết, trượt tuyết ở Queenstown”, chị Hương chia sẻ.

Năm mới ở hòn đảo sạch nhất thế giới

16 năm trước, chị Trương Thúy Quỳnh (nhà ở phố Xuân Đài, TP Hải Dương) kết hôn cùng anh Vix Nivaren và theo chồng tới sinh sống ở đảo Tasmania (Australia). Đây là nơi từng được đánh giá có không khí sạch nhất thế giới.

Gia đình chị Trương Thúy Quỳnh ở Australia thường đi biển hoặc du ngoạn ở các điểm du lịch nổi tiếng

Gia đình chị Trương Thúy Quỳnh ở Australia thường đi biển hoặc du ngoạn ở các điểm du lịch nổi tiếng

Chị Quỳnh mở một cửa hàng buôn bán đồ thủ công của Việt Nam tại chợ Salamanca- khu chợ chuyên cung cấp quà lưu niệm dành cho khách du lịch khi ghé thăm đảo. Đây là một hòn đảo du lịch rất nổi tiếng ở Úc, khách du lịch còn đông hơn cả người bản địa. Năm qua dù rất khó khăn vì nhiều thời điểm hòn đảo phải đóng cửa do dịch Covid-19 song sạp hàng của chị Quỳnh vẫn đứng vững nhờ duy trì được lượng khách hàng là người bản xứ, họ rất thích đồ thủ công Việt Nam.

Dịp đón năm mới mọi năm, chị Quỳnh thường cùng các thành viên trong gia đình chồng đi chơi, tụ tập ăn uống, lên núi Cradle hoặc lái xe ra bãi biển cách nhà khoảng 3 giờ lái xe và ở đó nghỉ dưỡng vài ngày. Đêm giao thừa ở Australia thường tổ chức lễ hội âm nhạc rất lớn, truyền hình trực tiếp. Gia đình chị Quỳnh thường cùng nhau xem chương trình này. Cũng có năm cả nhà rủ nhau đi xem bắn pháo bông. “Có khi phải ra điểm bắn pháo bông từ chiều để xí chỗ đẹp, trải chiếu, mang đồ ăn ra thưởng thức rồi chờ đến giờ bắn pháo. Bên này thường bắn pháo bông vào 2 khung giờ: tầm 9 giờ để trẻ em xem rồi còn ngủ sớm và tầm 12 giờ dành cho người lớn”.

Năm nay Tết rơi vào ngày thứ 7, là ngày chợ phiên Salamanca mở cửa nên chị Quỳnh không thể đi chơi được mà phải bán hàng.

Đón Tết bên bạn bè

Chị Thảo cùng gia đình chụp ảnh lưu niệm tại Thủ đô Warszawa

Chị Thảo cùng gia đình chụp ảnh lưu niệm tại Thủ đô Warszawa

Vợ chồng chị Vũ Thị Thảo đang sinh sống thành phố Olsztyn (Ba Lan). Chị Thảo cho biết, khác với người Việt Nam vì có 2 dịp đón Tết, đó là Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, người Ba Lan chỉ đón Tết dương lịch. Đây là dịp để những người trong gia đình, người thân và bạn bè tập trung bên nhau. Sau bữa tối, người dân thường đến quảng trường trung tâm tại các địa phương hoặc đi tàu điện đến Thủ đô Warszawa.

“Tết năm nào cũng vậy, vợ chồng tôi cùng một số bạn bè người Việt Nam và Ba Lan thường sắp xếp thời gian để chào đón năm mới. Chúng tôi thường đi tàu điện đến Thủ đô Warszawa, hòa vào dòng người tại các quảng trường, khu phố thương mại. Chào đón năm mới bằng nhiều lời chúc an lành và những tấm ảnh lưu niệm”, chị Thảo kể.

Anh Nguyễn Hồng Quân quay Tik tok tại Hàn Quốc để giới thiệu cho các bạn trẻ Việt Nam về Tết ở Hàn Quốc

Anh Nguyễn Hồng Quân quay Tik tok tại Hàn Quốc để giới thiệu cho các bạn trẻ Việt Nam về Tết ở Hàn Quốc

Tết Dương lịch ở Hàn Quốc có nhiều hoạt động hấp dẫn như rung chuông ở Bosingak, bắn pháo hoa ở Coex... Đã đón 5 cái Tết tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Hồng Quân, du học sinh tại tỉnh Daegu, miền Trung của Hàn Quốc có cộng đồng bạn bè là du học sinh khá đông tập trung tại một khu vực nên mỗi khi Tết đến xuân về không cảm thấy cô đơn lạc lõng.

Dịp Tết này, ban đầu Quân có ý định về Việt Nam thăm gia đình nhưng do dịch bệnh, anh phải ở lại đến Tết Nguyên đán chờ dịch bệnh bớt căng thẳng.

"Phải ở lại Hàn Quốc, chúng tôi cùng bạn bè chuẩn bị một bữa tiệc thật đầm ấm với đủ các món truyền thống của Hàn Quốc và Việt Nam để đón chào năm mới, cùng nhau nâng những ly rượu soju để đánh dấu sự kết thúc của năm cũ và bắt đầu năm mới gặp nhiều may mắn. Môi trường, phong tục, tập quán của Hàn Quốc tương đồng với Việt Nam nên cũng vợi bớt đi nỗi nhớ nhà", Quân chia sẻ.

Nguyễn Trung Trực cùng nhóm bạn chụp ảnh lưu tiệm tại thành phố cảng Yokohama (Nhật Bản) trước thời khắc giao thừa

Nguyễn Trung Trực cùng nhóm bạn chụp ảnh lưu tiệm tại thành phố cảng Yokohama (Nhật Bản) trước thời khắc giao thừa

Do dịch Covid-19 nên năm nay anh Nguyễn Trung Trực quê ở huyện Ninh Giang hiện là du học sinh tại Nhật Bản không thể về quê. Anh Trực tổ chức ăn uống với bạn bè và đi du lịch ngắn ngày tại thành phố cảng Yokohama, tỉnh Kanagawa. Để vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình, nhóm của Trực đã chọn một nhà hàng Việt tại quận Noge để thưởng thức những món ăn quê hương trước thềm giao thừa. "Tết dương năm nay chúng em được nghỉ 7 ngày. Do kỳ nghỉ dài nên em cùng một số bạn học đã đi du lịch 4 ngày tại thành phố Yokohama. Trong đêm giao thừa chúng em đã đến bến cảng để xem pháo hoa và đi chùa cầu may. Trong thời khắc bước sang năm mới những người con xa quê cùng nhau chia sẻ những vui buồn, những thành thành công và những khó khăn trong năm qua", Trực cho biết.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/nguoi-hai-duong-don-tet-tay-o-cac-nuoc-191696