Người 'kể chuyện đô thị' bằng hình ảnh

Ở vùng lõi đô thị của một số tỉnh thành có vốn kiến trúc Pháp cổ (như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng), vẫn còn những công trình đặc sắc với tuổi đời hơn 100 năm. Khối di sản này có nguy cơ mai một nếu thế hệ sau không đủ hiểu biết và trân trọng.

Phóng sự sau đây xin nói về một người "kể chuyện đô thị" bằng hình ảnh. Ông đã dành ra hơn 15 năm vừa nghiên cứu tư liệu vừa đi chụp những công trình di sản, rồi lập thành hàng trăm cặp ảnh, để đối chiếu từng đặc điểm cụ thể Xưa và Nay. Thông qua đó, ông mong muốn kể câu chuyện ẩn trong những công trình tích hợp nhiều yếu tố văn hóa.

Tại một số cuộc triển lãm về di sản đô thị Hải Phòng, ta có thể bắt gặp một bậc cao niên không ngồi trên ghế đại biểu ở hàng đầu, không tham gia cắt băng khai mạc nhưng ông luôn được trân trọng với vai trò có tính chiều sâu. Đó là nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Tuệ, người mang tâm huyết đặc biệt với những công trình tiêu biểu, có giá trị kiến trúc vượt thời gian.

Bằng vốn tiếng Pháp thành thạo và tiếng Anh cơ bản, ông có khả năng tìm hiểu, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu quý; đồng thời có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia uy tín cả trong và ngoài nước. Tất cả thành quả nghiên cứu ấy đã trở thành nguồn hỗ trợ đắc dụng trong nhiều sự kiện văn hóa, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy giá trị của khối di sản kiến trúc tại một đô thị lâu đời.

Mặc dù đã ở tuổi 80, nhà nghiên cứu Phạm Tuệ vẫn năng nổ trong nhiều hoạt động thực tế, như phối hợp đưa phóng viên đi tìm hiểu những công trình lưu dấu ấn về đặc điểm của đô thị Hải Phòng trong quá khứ; hoặc đi nói chuyện, chia sẻ tại các chương trình ngoại khóa dành cho học sinh, sinh viên và giới trẻ.

Kho lưu trữ ảnh của nhà giáo Phạm Tuệ là tài sản văn hóa mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực có thể tham khảo và khai thác, để cân nhắc giữ gìn những giá trị di sản đô thị cho thành phố mai sau.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thiện Đoan - Minh Công - Ninh Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/nguoi-ke-chuyen-do-thi-bang-hinh-anh-234705.htm