Người kế thừa cuối cùng của làng nghề Đào Xá
Là người kế thừa cuối cùng của Nghệ nhân Ưu tú Đào Xuân Soạn, ông Đào Anh Tuấn đang cố gắng từng ngày để duy trì, bảo tồn nghề truyền thống của gia đình trước cơn lốc mai một nghề chế tác nhạc cụ dân tộc ở làng nghề nhạc cụ Đào Xá.
Từ trung tâm thành phố 50km về phía Nam, chúng tôi về làng Đào Xá (xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được biết đến là vùng quê giàu bản sắc văn hóa. Bởi nơi đây là cái nôi của nghề làm đàn, là làng duy nhất có nghề làm nhạc cụ được ví như một bảo tàng sống về nhạc cụ mang âm hưởng dân tộc.
Sự thăng trầm của làng nghề
Gặp ông Đào Anh Tuấn (sinh năm 1968), tôi mới được biết đến câu chuyện lịch sử của làng nghề làm đàn Đào Xá. Ông kể: “Cách đây 200 năm, cụ Đào Xuân Lan hành hương sang phương Bắc rồi học được bí quyết và mang nghề về làng. Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó nghề làm đàn trở thành nghề truyền thống của Đào Xá, chế tác nhạc cụ cổ truyền trở thành nguồn thu nhập chính của người dân trong làng”.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm đàn của Đào Xá cũng giúp người dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo. Sản phẩm do các nghệ nhân trong làng làm ra nức tiếng gần xa. Tuy nhiên, từ sau năm 1975 Việt Nam rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghề làm đàn Đào Xá cũng theo đó mà suy sụp.
Ông Tuấn nghẹn ngào: “Khi đó, những nghệ nhân của làng bỏ nghề đi làm thợ xây, thợ mộc. Phải đến đầu những năm 1990, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Đảng và Nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá mới có bước chuyển mình”.
Nếu như ở khâu trình diễn là cao trào của cảm xúc, thăng hoa của trao tặng và đón nhận thì những nguyên liệu vô tri đây, tiếng đục đẽo thô rát này chính là sự khởi nguyên. Từ những nguyên liệu vật chất bình thường, với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo những người thợ Đào Xá đã tạo ra âm thanh vô tận, cho ra đời những sản phẩm tinh thần quý báu cho cuộc sống con người thêm phong phú.
Hiện nay, trong làng Đào Xá chỉ còn duy nhất nhà của cố Nghệ nhân Ưu tú Đào Văn Soạn. Nghệ nhân là người có công lớn trong việc khôi phục và duy trì nghề tổ suốt hàng chục năm qua, từ những chiếc đàn tranh, đàn bầu… cho đến những đàn nguyệt, đàn hồ đều do đôi bàn tay tài hoa bằng sự tâm huyết, lòng yêu nghề của mình.
Đầu năm 2022, do tuổi cao sức yếu Nghệ nhân Ưu tú Đào Xuân Soạn - Nghệ nhân Ưu tú duy nhất của làng nhạc cụ Đào Xá ra đi, mang theo nhiều kiến thức, tài năng của nghề làm đàn dân tộc. Kể từ đây, ngoài thương hiệu “đàn Đào Soạn”, hễ nhắc tới Đào Xá thì người dân nơi đây lại mách nhau về thương hiệu “đàn Đào Tuấn”.
Âm thanh khởi nguyên từ nét tài hoa của người thợ
Theo ông Tuấn, nghề nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Để làm ra được một cây đàn hoàn thiện phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ tài hoa của người thợ. Nguyên liệu chính để làm đàn chính là gỗ trắc và gỗ vông, từ khâu chọn gỗ, phơi gỗ cho đến ghép, đánh bóng, khảm trai, hoàn thiện… Tất cả đều phải làm trong phương pháp thủ công, đúng với kỹ thuật của ngày xưa để lại. Đó cũng chính là nét độc đáo của làng nghề Đào Xá.
“Nếu muốn sản xuất ra được một cây đàn tốt, chuẩn thì khi mua gỗ phải phơi thật khô. Thông thường, gỗ sẽ phơi đến 2 -3 năm sẽ đi vào sản xuất nhằm để gỗ không bị cong, vênh và nứt nẻ. Đồng thời, khi phơi gỗ khô sẽ giúp đàn có tiếng, âm thanh đạt yêu cầu”, ông Tuấn cho hay.
Muốn theo nghề làm đàn, người thợ phải thạo hay ít ra phải biết nghề mộc. Bởi muốn làm một sản phẩm thì không chỉ cần khéo tay mà còn cần phải nhìn cho đẹp nghe cho hay và rõ. Với ông Tuấn, việc chọn gỗ, phơi gỗ cho đến những công đoạn ghép, hoàn thiện đều phải thủ công.
Sản phẩm đàn của ông Tuấn làm ra cũng vô cùng đa dạng: Cây tỳ bà, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn thập lục… đến cây nhị, cây hồ, cây líu và không thể không kể đến đàn bầu - loại nhạc cụ một dây không chỉ người Việt yêu thích mà còn được ghi vào sử sách, thi ca, lịch sử dân tộc.
“Tiếng đàn bầu của ta
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha
Ngân nga em vẫn hát
Tích tịch tình tình tang
Tích tịch tình tình tang”
(Trích Bài hát Tiếng đàn bầu)
Nhắc đến dàn nhạc cụ dân tộc Việt Nam, ông Tuấn luôn yêu mến với đàn tranh. Từ thế kỷ XXI, đàn tranh có nguồn gốc từ Trung Quốc được du nhập vào nước ta. Thời Lý - Trần, đàn tranh chỉ có 15 dây nên gọi là thập ngũ huyền cầm.
Đến thời nhà Nguyễn, đàn tranh được chỉnh có 16 dây nên được gọi là thập lục huyền cầm. Qua nhiều thế kỷ, đàn tranh đã được cải tiến tạo ra một phong cách đặc thù trong ngón đàn, tay nhấn nhá dần biến nó thành một loại nhạc cụ mang màu sắc dân tộc. Đến nay, đàn tranh có 2 loại phổ biến là 16 dây và 19 dây.
Ông Tuấn bộc bạch: “Với người làm mộc thì tay mực, tay thước là quan trọng. Còn người làm đàn thì cái tai còn phải thính để thẩm âm cho chuẩn, cái tay làm sao cho khéo để được cái đẹp. Làm nghề này cũng có cái phiêu của nó, khi phôi thai, đục đẽo, vẽ, chạm khắc tạo hình hài được cái đẹp đã tâm đắc. Khi gắn dây đánh thử thì còn điều gì vui sướng bằng”.
Để có thể học nghề làm đàn, thời gian có thể 2 năm hoặc thậm chí 10 năm vì có rất nhiều loại nhạc cụ khác nhau, mỗi loại lại có cách làm, hình dáng quy định riêng biệt. Ngoài ra, tính kiên trì và tỉ mỉ cũng vô cùng quan trọng bởi phải ngồi liên tục trong nhiều giờ đồng hồ.
Nhiều thế hệ trẻ của làng cũng dành tình yêu cho nghề nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo nghề vì tính phức tạp và sự gò bó của nó. Với ông Tuấn, hành trình duy trì lửa nghề qua các thế hệ vẫn còn là con đường gian nan. Việc khôi phục sự thịnh vượng của làng nghề Đào Xá với họ cũng chỉ là ước mơ, muốn hiện thực hóa cũng cần phải có rất nhiều sự nỗ lực.
Dẫu không giỏi về nhạc của thời đại, cũng chẳng uyên thâm về trường độ và cao độ nhưng cái tư duy của người làm đàn nông dân lại dồn cả vào hai bàn tay tài hoa và đôi tai tinh nhạy. Đàn được sản xuất theo kinh nghiệm của người thợ và sự thăng hoa đặc biệt của tâm hồn người sáng tạo, những cây đàn mang hồn cốt dân tộc đã trở thành tâm huyết của làng nghề Đào Xá và họ đang ngày đêm bên những cây cưa, thứa gỗ góp phần tạo nên thương hiệu đàn Đào Xá.