Người khơi dậy và giữ hồn cho làng nghề đúc đồng ở Thiệu Trung

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu là người được xem là đã khơi dây và 'giữ hồn' cho nghề đúc đồng truyền thống ở làng Chè Đông (nay là làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Theo nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, làng nghề đúc đồng có từ xa xưa, thế nhưng cũng có một thời gian mai một rồi dẫn tới thất truyền. Với lòng yêu nghề, ông Châu có ý tưởng khôi phục lại làng nghề một thời vang bóng của cha ông.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (SN 1962, người con làng Chè Đông) là người đã làm sống lại làng nghề đúc đồng truyền thống

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (SN 1962, người con làng Chè Đông) là người đã làm sống lại làng nghề đúc đồng truyền thống

Năm 1998, ông bắt đầu đi khắp nơi, từ các làng nghề đúc đồng trong Nam, ngoài Bắc để học cách thức đúc đồng của họ. Sau hai năm đi học hỏi và thử nghiệm, đến năm 2000, ông Châu vui sướng khi thực hiện thành công chiếc trống đồng đầu tiên từ phiên bản trống đồng Ngọc Lũ (Hà Nam). Đây là sự kiện tạo tiền đề cho nghề truyền thống của làng dần được khôi phục.

Để đúc thành công chiếc trống đồng đầu tiên này, ông Châu đã phải chuẩn bị nhiều tháng trời, từ khâu tìm đất sét rồi pha trộn, đến khâu tạo khuôn, trang trí họa tiết… rất tỉ mỉ. Bởi, theo ông Châu, nếu các khâu chuẩn bị không tốt, dưới độ nóng của đồng lên tới hàng ngàn độ C, chỉ cần một chi tiết sai sót là mọi công sức thành công cốc.

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cùng các cộng sự tạo ra các sản phầm trống đồng

Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cùng các cộng sự tạo ra các sản phầm trống đồng

Từ đó, để có nhiều người cùng tham gia vực dậy nghề truyền thống, ông Châu đã tự nguyện giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong làng cùng làm. Trong suốt 5 năm (từ năm 2000 - 2005, ông Châu đã truyền dạy lại cho rất nhiều người dân trong làng, dần dần nhiều người đã tự làm được trống đồng.

Chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam được ông Nguyễn Bá Châu đúc thành công năm 2018

Chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam được ông Nguyễn Bá Châu đúc thành công năm 2018

Từ một nghề tưởng như đã thất truyền, nhưng nhờ sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm của ông Châu, nghề đúc trống đồng truyền thống làng Chè Đông đã được hồi sinh. Đến nay, trong làng có hơn 10 gia đình theo nghề, đưa nghề trống đồng ngày một phát triển, vươn xa.

Năm 2010, trước dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Châu cùng các nghệ nhân khác trong Cụm làng nghề đúc đồng Trà Đông đã hoàn thành 101 chiếc trống đồng để phục vụ sự kiện này (trong đó có 100 chiếc có đường kính 60cm và 1 chiếc có đường kính 1m).

Năm 2011, Cục Công nghiệp địa phương Bộ Công Thương và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp cùng doanh nghiệp của ông Châu mở lớp đào tạo nghề đúc đồng với số lượng khoảng 300 học viện tham gia. Thông qua lớp học, nhiều học viên đã nắm được kỹ thuật và đúc thành công trống đồng.

Những giải thưởng mà nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đạt được sau hàng chục năm gắn bó với nghề đúc trống đồng

Những giải thưởng mà nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đạt được sau hàng chục năm gắn bó với nghề đúc trống đồng

Đến năm 2012, doanh nghiệp của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu đã bắt đầu triển khai đúc các trống đồng cỡ lớn, điển hình như chiếc trống cỡ đại đầu tiên ông làm có đường kính lên đến 2,05m, cao 1,6m và hiện đang trừng bày, lưu giữ tại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai…

Hiện tại, chiếc trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam đang được trưng bày tại làng nghề đúc đồng Trà Đông, được Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu đúc thành công có đường kính lên tới 2,35m, chiều cao 1,87m và nặng gần 4 tấn.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân của nghệ nhân Nguyễn Bá Châu, còn được sự giúp sức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã tạo nên một làng nghề Trà Đông quy mô và phát triển.

Thành Phan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/nguoi-khoi-day-va-giu-hon-cho-lang-nghe-duc-dong-o-thieu-trung-419984.html