Người không chọn việc nhẹ nhàng

Gương mẫu, tâm huyết trong công việc; sâu sát, quyết liệt trong quản lý, điều hành; thấu tình, đạt lý, đề cao công tác dân vận trong thi hành án… là nhận xét của đồng nghiệp về Chi cục trưởng Thi hành án dân sự huyện Phú Bình Lê Thị Luyến.

Chị Lê Thị Luyến trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp trong đơn vị.

Chị Lê Thị Luyến trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp trong đơn vị.

Cởi mở, nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công việc, gần gũi, hòa đồng với đồng nghiệp là những gì chúng tôi cảm nhận về nữ Chi cục trưởng Lê Thị Luyến qua những lần tiếp xúc, làm việc. Chị chia sẻ: Phú Bình đang trong quá trình đô thị hóa nhanh cùng với sự phát triển mạnh của các khu, cụm công nghiệp. Đời sống xã hội đi lên, đất đai ngày càng có giá trị, các mối quan hệ cũng phức tạp hơn, nên các vụ việc liên quan đến thi hành án cũng tăng và ngày càng có tính chất phức tạp. Đó là một trong những lý do mà Chi cục luôn có số lượng việc và tiền phải giải quyết đứng tốp đầu các huyện (sau các thành phố).

Trung bình mỗi năm, Chi cục thụ lý mới từ 900-950 việc, cộng với số cũ năm trước chuyển sang thì phải giải quyết trên 1.300 vụ việc. Trong khi đó, số chấp hành viên ít (có thời điểm chỉ có 4 người) nên số lượng việc và áp lực cho mỗi chấp hành viên là rất lớn.

Để hoàn thành khối lượng công việc đó, vai trò lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu đơn vị là rất quan trọng. Xác định rõ trách nhiệm của mình, chị Luyến luôn sâu sát, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công việc của toàn đơn vị và mỗi chấp hành viên.

Hằng tuần, hằng tháng, chị tổ chức họp đánh giá kết quả đã thực hiện và triển khai công việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, chấp hành viên, yêu cầu lập kế hoạch cụ thể. Những vụ việc phức tạp, khó giải quyết, xử lý tài sản có giá trị lớn, việc đương sự có thái độ chây ì, chống đối… luôn được đưa ra bàn bạc trước tập thể, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Là người đứng đầu đơn vị nhưng chị không “chọn việc nhẹ nhàng” dễ giải quyết, mà phân công rất khách quan, minh bạch, chủ động nhận những vụ việc khó, phức tạp về mình. Không những vậy, chị luôn chủ động hỗ trợ cán bộ, chấp hành viên khác khi họ gặp vướng mắc. Linh hoạt, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống cũng là nét văn hóa mà chị đã tạo dựng được ở đơn vị trong nhiều năm qua.

Trong THADS, chị Luyến luôn nghiên cứu kỹ, hiểu rõ các quy định, nắm vững chuyên môn, thuần thục về nghiệp vụ và làm khoa học hết trách nhiệm nên các vụ việc được giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật. Trước một việc khó, chị luôn đau đáu tìm mọi giải pháp, nghiên cứu kỹ các quy định, vận dụng mọi kiến thức kinh nghiệm của bản thân đưa ra hướng giải quyết hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, chị chủ động đề xuất, xin ý kiến của lãnh đạo Cục THADS và Ban Chỉ đạo THADS huyện. Chị Luyến luôn quan niệm, THADS là công việc nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự, cái được của người này lại là sự mất của người kia nên luôn đề cao công tác thuyết phục, vận động để đương sự tự nguyện thi hành.

Điển hình là cách chị giải quyết vụ việc tranh chấp đất giữa gia đình bà L.T.H. ở xã Tân Khánh với ông V.Đ.Đ. ở xã Thanh Ninh. Theo phán quyết của tòa án, gia đình bà H. buộc phải giao trả thửa đất có diện tích hơn 100m2 cho gia đình ông Đ. Tuy nhiên, đương sự không tự nguyện thi hành mà còn gửi đơn khiếu nại lên các cấp, ngành nhằm kéo dài vụ việc.

Những tưởng vụ việc sẽ phải giải quyết bằng biện pháp cưỡng chế nhưng với sự kiên trì, khéo vận động, thuyết phục, phân tích thấu tình, đạt lý của chấp hành viên, đương sự đã hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình và tự nguyện thi hành án.

Cũng qua công tác dân vận, chị Luyến đã giải quyết dứt điểm vụ việc của ông Hoàng Đức Tiến, ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương, phải trả nợ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (Phòng giao dịch huyện) số tiền 2,5 tỷ đồng cùng 80 triệu đồng tiền án phí trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Theo chị Luyến, để công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc người nhà của đương sự hiểu và tự nguyện thi hành án đòi hỏi cán bộ, chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án, tìm hiểu thông tin, nhân thân và các mối quan hệ của đương sự để có thể tìm ra biện pháp thi hành án phù hợp.

Chấp hành viên cũng là những tuyên truyền viên pháp luật, chủ động phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội để thuyết phục, vận động đương sự, gia đình và người thân đương sự hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình và tự nguyện thi hành án.

Nhờ có “nữ thủ lĩnh” gương mẫu, tâm huyết và sự cố gắng của tập thể đơn vị, Chi cục THADS huyện Phú Bình luôn đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Trong 2 năm gần đây, đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và vinh dự được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen (năm 2023), Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen (2022). Bản thân chị Luyến cũng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2 năm liền.

6 tháng đầu năm 2024, Chi cục đã thi hành xong 460 việc (đạt 74,85%) tương ứng số tiền trên 13 tỷ đồng (đạt 41,87%) trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/net-dep-doi-thuong/202406/nguoi-khong-chon-viec-nhe-nhang-2400056/