Người làm báo và sức hấp dẫn của văn hóa Tây Nguyên

Nhiều đồng nghiệp khi đến Tây Nguyên đều có chung cảm nhận, miền cao nguyên dưới đại ngàn Trường Sơn thật hùng vĩ và cũng đầy bí ẩn. Tôi cũng vậy. Hơn hai mươi năm làm báo trên vùng đất ấy, cùng các đồng nghiệp của mình, bước chân người phóng viên đã rảo qua biết bao buôn làng.

Vâng, những làng buôn đã qua. Những câu chuyện từng nghe. Những cuốn khảo cứu đọc đi đọc lại. Những cánh rừng thiêng. Những bài dân ca Ayray, Kơứt, Yalyău, Lảlơng, Tămpớt,… hút hồn. Những điệu dân vũ Tămya, những vòng Xoang… mê hoặc. Những suối đàn Ting Ning, T’rưng, Chapi, K’longpút hay tiếng khèn M’bướt, tiếng trống da trâu…một lần đã nghe không thể nào quên. Những bộ luật tục có từ thời xa xưa mà giờ đây vẫn nguyên giá trị.

Từ di chỉ Lung Leng đến di tích Cát Tiên… Tây Nguyên là vậy.Tưởng đã hiểu phần nào, rồi lại như chưa hiểu điều gì. Rồi nghiền ngẫm, rồi muốn ngay những chuyến điền dã, rồi khao khát tìm kiếm. Càng đi, càng tìm, lại càng hụt hơi. Cảm nhận ra rằng, văn hóa Tây Nguyên là một không gian mênh mông mà điều mình biết chỉ là một giọt nước giữa biển cả mênh mông của những điều chưa biết…

Tây Nguyên xưa thuộc lãnh thổ của các đế chế cổ. Vùng đất này trở thành địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người nói hai ngữ hệ Mon-Khmer và Malayo Polynesian. Người Tây Nguyên từ xa xưa cách biệt giữa núi rừng, ít giao lưu, và vì vậy, còn lưu giữ khá đầy đủ những tàn tích văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á cổ. Ở nơi này đang hiện hữu một vùng văn hóa sử thi và một không gian văn hóa cồng chiêng.

Ở nơi này có hàng chục tộc người cư trú giữa rừng xanh núi đỏ. Họ vẫn giữ những phong tục, tập quán và cách hành xử, những nét hồn cốt trong bản sắc riêng. Cũng ở nơi này, những biểu hiện văn hóa đang mai một, phai nhạt dần. Rừng, không gian sinh tồn đang có nguy cơ cạn kiệt. Những khu nhà mồ hoang phế. Nạn chảy máu nhạc cụ bằng đồng và cổ vật. Những nghệ nhân già trong các buôn làng ra đi và mang theo những “tư liệu sống” của một vùng văn hóa đặc sắc về với xứ Yàng…

Dấu chân người làm báo cũng phủ màu đất bazan như đồng bào mình. Thân thương giọng già làng, giọng nghệ nhân kể chuyện. Thân thương tiếng củi nổ lép bép ở một góc nhà sàn bên triền rừng, dốc núi. Một tiếng đàn tre văng vẳng trong đêm. Tiếng cọn lùa nước dưới suối. Một nụ hoa chưa biết gọi tên nở hồn nhiên trên miền đất lạ. Một dòng sông lần đầu được lội chân qua. Một di tích, danh thắng, một câu chuyện dân gian, một điệu ca cổ…

Chỉ là vậy, là những điều giản dị. Nhưng đó chính là những điều khác biệt, cái khác biệt đã làm nên bản sắc. Người làm báo chúng tôi đã đi, đã đến. Đến rồi cảm nhận và hứng thú bởi những điều trải nghiệm và khám phá. Những điều quen và những điều lạ. Lạ từ những điều tưởng chừng đã rất quen.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nguoi-lam-bao-va-suc-hap-dan-cua-van-hoa-tay-nguyen-217836.html