Người lãnh đạo các cuộc đấu tranh trong lao tù đế quốc

Trong hơn 30 năm hoạt động cách mạng, mặc dù phải trải qua bao khó khăn, thử thách, đặc biệt trong giai đoạn 1939-1945, đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhiều lần bị địch bắt giam, phải chịu nhiều thủ đoạn tra tấn của các nhà tù, nhưng với ý chí, bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, đồng chí vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, cùng với tập thể chi bộ lãnh đạo phong trào đấu tranh chống khủng bố, đàn áp trong lao tù, xây dựng lực lượng cho phong trào cách mạng.

Bí thư Chi bộ trong nhà lao Thừa Phủ (Huế)

Tháng 7-1939, đồng chí Nguyễn Vịnh (tên khai sinh của đồng chí Nguyễn Chí Thanh), Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên bị mật thám Pháp bắt lần thứ hai và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) (bị bắt lần thứ nhất vào cuối năm 1938). Bằng mọi thủ đoạn tra khảo lấy cung không có kết quả, chính quyền thực dân Pháp và tay sai ở Trung Kỳ mở phiên tòa công khai ở Huế xét xử đồng chí Nguyễn Vịnh và những người cộng sản bị bắt với ý đồ trấn áp tinh thần của nhân dân trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí trong Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên mỗi người kết án 3 năm 6 tháng tù giam. Bị nhốt chung một khám với tù chính trị, sau khi nhiều lần bí mật chuyện trò, đồng chí Nguyễn Vịnh đã biết rõ và tập hợp được những đảng viên cộng sản trung kiên trong các phòng giam của nhà lao. Trong một lần nói chuyện và biết đồng chí Tố Hữu là đảng viên cộng sản, cán bộ Thành ủy Huế, Nguyễn Vịnh bàn bạc với Tố Hữu và các đồng chí trong nhà lao lập chi bộ đảng tại nhà lao Thừa Phủ nhằm bảo vệ và giúp nhau trong đấu tranh, tìm cách liên lạc với tổ chức đảng bên ngoài để biết phương hướng hoạt động và trốn thoát.

Nhà lao Thừa Phủ (Huế), nơi đồng chí Nguyễn Vịnh bị thực dân Pháp giam cầm trong thời gian hoạt động cách mạng tại Huế, năm 1938-1939. Ảnh tư liệu

Nhà lao Thừa Phủ (Huế), nơi đồng chí Nguyễn Vịnh bị thực dân Pháp giam cầm trong thời gian hoạt động cách mạng tại Huế, năm 1938-1939. Ảnh tư liệu

Chi bộ Đảng nhà lao Thừa Phủ được thành lập do Nguyễn Vịnh làm Bí thư, Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành) làm Phó bí thư phụ trách tuyên truyền, giáo dục, dạy lý luận và văn hóa. Nội dung học tập về lý luận, Chi bộ quyết định dựa theo tinh thần các tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C. Mác và Ph. Ăngghen; Chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản của V.I. Lênin,...; về văn hóa thì cùng nhau học tiếng Pháp. Các đồng chí trong Chi bộ bàn bạc, góp ý về làm thơ văn yêu nước, bình thơ cách mạng, đọc cho nhau nghe những bài thơ của mỗi người viết trong nhà tù đế quốc.

Trên cương vị Bí thư Chi bộ, Nguyễn Vịnh phụ trách mảng trao đổi về lý luận cách mạng, đồng chí đã dành nhiều thời gian giới thiệu những kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng công nhân, nông dân đấu tranh cách mạng(1). Chi bộ còn chủ trương tổ chức công tác địch vận, tuyên truyền, vận động binh lính khố xanh canh gác nhà lao và giác ngộ anh em tù thường phạm. Một số lính gác và tù thường phạm đã cảm tình và có những hình thức ủng hộ, giúp đỡ những cuộc đấu tranh của tù chính trị cộng sản trong nhà lao. Nhờ đó, mối liên lạc của Chi bộ nhà lao với tổ chức đảng ở bên ngoài như ở nội đô Huế, các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và xa hơn là Quảng Trị, Đà Nẵng… được chắp nối. Qua các cuộc đấu tranh, tinh thần, ý chí, phẩm chất của đảng viên cộng sản trong Chi bộ nhà lao Thừa Phủ được tôi luyện, tình đoàn kết, thương yêu nhau gắn kết chặt chẽ hơn.

Trong đợt thực dân Pháp khủng bố Đảng và phong trào cách mạng cuối tháng 7-1940, đồng chí Lê Chưởng, Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Thành ủy Huế bị địch bắt, tra tấn rất tàn bạo. Chi bộ nhà lao quyết định phát động cuộc đấu tranh bảo vệ tính mạng đồng chí Lê Chưởng, bảo vệ Đảng. Trưa ngày 8-8-1940, tất cả tù chính trị các phòng giam hô vang phản đối giám ngục, binh lính nhà lao tra tấn tù nhân. Giám ngục, binh lính xông vào đánh tới tấp tù chính trị. Trong cuộc đấu tranh này, đồng chí Nguyễn Vịnh gan dạ, tận tình tổ chức bảo vệ anh em, đồng chí trong Chi bộ.

Hiệu sách Thuận Hóa (Huế), nơi đồng chí Nguyễn Vịnh tham gia các cuộc họp của Xứ ủy Trung Kỳ, 1938-1939. Ảnh tư liệu

Hiệu sách Thuận Hóa (Huế), nơi đồng chí Nguyễn Vịnh tham gia các cuộc họp của Xứ ủy Trung Kỳ, 1938-1939. Ảnh tư liệu

Tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh ở nhà đày Lao Bảo (Quảng Trị)

Sau cuộc đấu tranh của tù chính trị phản đối chế độ nhà lao Thừa Phủ và bảo vệ đồng chí Lê Chưởng, Công sứ Thừa Thiên một mặt hứa là thực hiện “chế độ chính trị phạm” ở lao Thừa Phủ, mặt khác đẩy mạnh đàn áp, tăng án nhiều tù chính trị thêm 6 tháng tù giam, vì nghi họ cầm đầu “phá rối trật tự trị an” và đày đồng chí Nguyễn Vịnh cùng nhiều đảng viên trong Chi bộ nhà lao Thừa Phủ đến nhà đày Lao Bảo.

Đoàn tù chính trị từ nhà lao Thừa Phủ vừa mới đến nhà đày Lao Bảo, lấy cớ phát quang rừng xung quanh nhà đày trong phạm vi 500m để xua muỗi phòng, chống bệnh sốt rét, tên đồn trưởng bắt tù chính trị lao động khổ sai nặng nhọc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ăn uống tồi tệ, nên nhiều người bị bệnh dịch kiết lỵ mà chết. Để chống lại sự đàn áp, tra tấn dã man của kẻ thù, đoàn tù nhà lao Thừa Phủ và các đoàn tù chính trị ở Lao Bảo tập hợp nhau lại, bí mật lập ra “Tổ chức bí mật", thực chất là Chi bộ cộng sản, do đồng chí Nguyễn Vịnh và một số đồng chí khác phụ trách, để lãnh đạo mọi hoạt động trong nhà đày. Tổ chức bí mật đề ra những nhiệm vụ: Lãnh đạo các tổ chức công khai trong các phòng giam đã hình thành trước đó, đấu tranh chống lại chế độ lao dịch hà khắc của nhà đày; lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, nâng cao lập trường, quan điểm, ý chí chiến đấu, nhân sinh quan, đạo đức, phẩm chất cộng sản chủ nghĩa; lãnh đạo công tác vận động, giáo dục, tuyên truyền trong binh lính canh gác nhà đày, liên hệ tù chính trị, tù thường phạm giữa các phòng giam trong nhà đày để đấu tranh đòi quyền lợi cho tù chính trị và tù thường phạm(2). Việc thành lập “tổ chức bí mật” của những tù cộng sản trong nhà đày Lao Bảo không chỉ nhằm tập hợp lực lượng và thống nhất hành động trong nhà đày, mà còn thúc đẩy phong trào cách mạng, bắt liên lạc với tổ chức đảng từ bên ngoài.

Cuối năm 1940, phong trào cách mạng sục sôi khắp cả nước, thực dân Pháp tiến hành khủng bố khốc liệt kéo dài 3 tháng ở Thừa Thiên, Quảng Trị để lùng bắt cán bộ, đảng viên cộng sản, cơ sở cách mạng chưa kịp rút vào hoạt động bí mật. Ngày 20-10-1940, tin đồng chí Lê Thế Tiết hy sinh do bị bọn cai ngục tra tấn tàn bạo nhanh chóng truyền đi khắp các hầm giam ở nhà đày Lao Bảo. Chi bộ do Nguyễn Vịnh lãnh đạo liền phát động một cuộc đấu tranh quyết liệt. Sau một ngày đêm tù chính trị hò la, tên đồn trưởng lệnh cho 30 lính khố xanh vào hầm giam đánh đập bằng roi và khóa cửa không cho tù nhân ra ngoài lấy nước. Hò la không kết quả, anh em tù chính trị kiên quyết chuyển sang tuyệt thực. Bắt đầu là tuyệt thực, rồi lại đến tuyệt ẩm (không uống nước), đòi tên đồn trưởng phải bị trừng phạt và cải thiện đời sống trong nhà tù. Cuộc đấu tranh hết sức gian nan, có lúc tưởng như không vượt qua nổi và kéo dài đến 14 ngày mà không ai bỏ cuộc, lại được cả anh em tù thường phạm hưởng ứng(3).

Tên giám ngục tiếp tục cho lính đánh đập tù và bắt các đồng chí Nguyễn Vịnh, Tố Hữu và nhiều người khác mà chúng cho là cầm đầu, nhốt vào casô (một loại hầm giam rất nhỏ hẹp, không có ánh sáng). Tuy nhiên, mọi sự đàn áp, mua chuộc, dụ dỗ của kẻ thù đều không lung lay được ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người tù chính trị cộng sản. Trước tình hình đó, tên đồn trưởng nhà đày Lao Bảo buộc phải báo cho Công sứ Quảng Trị và Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế lên giải quyết yêu sách của tù nhân. Theo lệnh của Công sứ và Khâm sứ, tên đồn trưởng phải vào hầm giam gặp đại diện tù nhân và chấp nhận các yêu sách của tù chính trị đặt ra. Cuộc đấu tranh tuyệt thực và tuyệt ẩm của tù chính trị ở nhà đày Lao Bảo giành thắng lợi.

Đội Thanh niên Việt Minh tuyên truyền Trung Bộ do đồng chí Nguyễn Vịnh sáng lập, lãnh đạo, năm 1944. Ảnh tư liệu

Đội Thanh niên Việt Minh tuyên truyền Trung Bộ do đồng chí Nguyễn Vịnh sáng lập, lãnh đạo, năm 1944. Ảnh tư liệu

Tham gia lãnh đạo đấu tranh ở nhà đày Buôn Ma Thuột, vượt ngục về Thừa Thiên, tiếp tục lãnh đạo cách mạng

Sau cuộc đấu tranh tuyệt thực, tuyệt ẩm phản đối tên đồn trưởng ở Lao Bảo giành thắng lợi, đầu năm 1944, theo lệnh của Khâm sứ Trung Kỳ, Công sứ Quảng Trị đày các đồng chí Nguyễn Vịnh, Hoàng Anh, Tố Hữu, Nguyễn Thúy, Nguyễn Xuân Nhĩ… đến nhà đày Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tại đây, đồng chí Nguyễn Vịnh được gặp các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Chu Văn Biên, Ngô Đức Đệ và nhiều đồng chí cách mạng lớp trước. Lúc này, tại nhà đày Buôn Ma Thuột, số lượng tù nhân tăng lên nhanh chóng do chính quyền Pháp đưa đến 144 tù chính trị ở các nhà lao của các nơi như Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Thừa Phủ (Huế). Một số cán bộ, đảng viên cộng sản trước lúc bị bắt vào tù đã nắm được đường lối, chủ trương mới của Đảng thông qua các Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tháng 11-1940 và tháng 5-1941 về chuyển hướng hình thức tổ chức và hình thức đấu tranh; hoàn chỉnh chủ trương “thay đổi chiến lược”, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ giành độc lập dân tộc. Số tù chính trị cũ giam lâu năm ở nhà đày Buôn Ma Thuột và số tù chính trị mới chuyển đến liên lạc với nhau lập ra tổ chức bí mật gọi là “Lực lượng trung kiên”.

Những người trong Lực lượng trung kiên phải thực hiện đúng Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, tự nguyện hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản, do đó, tổ chức này đóng vai trò như một Chi bộ cộng sản của nhà đày Buôn Ma Thuột khi đề ra các nhiệm vụ: Tổ chức và lãnh đạo các cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của tù chính trị để duy trì lực lượng nòng cốt nhằm củng cố các tổ chức công khai của tù nhân trong nhà đày; lãnh đạo và giáo dục cán bộ, đảng viên giữ vững tư tưởng cách mạng, tinh thần đấu tranh trong tù; tổ chức học lý luận, văn hóa, mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự..., nhằm chuẩn bị lực lượng cán bộ chờ ngày thoát ra khỏi ngục tù để trở về lãnh đạo phong trào quần chúng; chuẩn bị điều kiện, phương tiện, gây cơ sở ở thị xã, các đồn điền và bắt liên lạc với Đảng để tổ chức cho một số đồng chí trốn thoát khỏi nhà đày, trở về hoạt động(4).

Tổ chức Lực lượng trung kiên có khoảng 70 người trên tổng số 451 tù chính trị tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Nguyễn Vịnh và các đồng chí được đưa từ nhà đày Lao Bảo sang đều nằm trong Lực lượng trung kiên của nhà đày Buôn Ma Thuột. Trong năm 1941, Lực lượng trung kiên tổ chức tù nhân đấu tranh chống tên giám ngục đã xóa bỏ những quyền lợi của tù chính trị như: Bỏ lệ tù chính trị được đọc sách báo, nhận thư, quà của người nhà; mở rộng số tù nhân lao dịch khổ sai, bắt tù chính trị đi lao dịch khổ sai, cắt tóc, đeo số tù trên áo; phân loại tù chính trị để đối xử giam cầm(5). Cuộc đấu tranh của tù nhân biệt giam lao 1 không đi lao dịch khổ sai ngày Chủ nhật, bị quản ngục xua lính vào đánh đập dã man. Tù nhân toàn lao biệt giam đồng loạt hô lớn “Phản đối đánh đập dã man”, được các lao hưởng ứng. Cuộc đấu tranh có ý nghĩa thống nhất về mặt nhận thức chung đối với số tù mới và tù cũ.

Chiến khu Dương Hòa, cơ sở kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình - Trị - Thiên. Ảnh tư liệu

Chiến khu Dương Hòa, cơ sở kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình - Trị - Thiên. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1941, chính quyền thực dân Pháp ở Đắk Lắk và giám ngục nhà đày Buôn Ma Thuột chia tù chính trị thành nhiều loại: Nguy hiểm đặc biệt, nguy hiểm nhiều, nguy hiểm vừa, ít nguy hiểm hoặc còn ít thời gian giam giữ và thái độ, hạnh kiểm của tù nhân. Địch bắt 60 người ở biệt giam lao 1 cho là “những phần tử rất nguy hiểm” xếp vào loại 1, trong đó có đồng chí Nguyễn Vịnh, đưa đến trại giam nhà ngục Đắk Mil nằm sâu trong rừng, phía cực nam tỉnh Đắk Lắk, cách xa nhà đày Buôn Ma Thuột. Mục đích của chúng là lấy đói rét, bệnh tật, thú dữ và lao động khổ sai để tiêu diệt ý chí cách mạng và thủ tiêu dần các chiến sĩ cộng sản trung kiên.

Thực hiện chủ trương chung của Đảng về giải thoát tù chính trị khỏi nhà tù thực dân Pháp, các tổ chức trong nhà đày Buôn Ma Thuột và trại giam Đắk Mil chuẩn bị điều kiện cho các cuộc vượt ngục. Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, nhiều cuộc vượt ngục đã được tiến hành, có cuộc thành công, cũng có những cuộc thất bại.

Nhận thấy ở trại giam Đắk Mil có điều kiện trốn thoát, kế hoạch vượt ngục được tù chính trị bàn bạc và chuẩn bị bí mật ngay từ những ngày đầu mới chuyển đến trại giam. Ngày 19-1-1942, với ý chí quyết tâm trốn thoát, được chuẩn bị chu đáo, thống nhất hành động cao và được sự giúp đỡ của đồng bào, nên các đồng chí Nguyễn Vịnh, Lê Tất Đắc, Phan Doãn Giá đã vượt qua mọi khó khăn, khổ ải, băng núi, luồn rừng, vượt suối trở về cơ sở cách mạng an toàn, tiếp tục hoạt động cách mạng. Noi gương các đồng chí trong nhóm Nguyễn Vịnh vượt ngục, ở nhà đày Buôn Ma Thuột và trại giam Đắk Mil đã diễn ra 3 cuộc vượt ngục, trong đó 2 cuộc thành công.

Tháng 2-1942, đồng chí Nguyễn Vịnh bí mật về Quảng Điền. Sau một thời gian tìm hiểu tình hình, nắm bắt phong trào cách mạng trong tỉnh, tháng 7-1942, đồng chí Nguyễn Vịnh quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ đảng trong tỉnh về họp tại Vĩnh Tu trên phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Trong thời gian mất liên lạc với Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Vịnh bị địch bắt giam, nhưng các tổ chức đảng ở Thừa Thiên vẫn bí mật hoạt động. Từ năm 1941, Chi bộ Niêm Phò cùng cơ sở đảng ở tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc, một vài lần bí mật tổ chức họp tại Niêm Phò để thống nhất hành động. Chi bộ Niêm Phò cũng đã liên lạc được với tổ chức đảng ở huyện Phong Điền. Chính vì thế, khi vượt ngục trở về Quảng Điền, đồng chí Nguyễn Vịnh, với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy lâm thời trước đó, dựa vào Chi bộ Niêm Phò để triệu tập Hội nghị cán bộ đảng toàn tỉnh.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Vịnh đã phân tích tình hình chung, phổ biến tinh thần các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1940 và tháng 5-1941 mà đồng chí tiếp thu được trong thời gian ở nhà lao Buôn Ma Thuột, trong đó có chủ trương mới của Trung ương về việc thành lập Mặt trận Việt Minh, những vấn đề cơ bản về Mười chính sách lớn của Việt Minh. Hội nghị đã thảo luận tình hình và ra nghị quyết về những nhiệm vụ trước mắt. Hội nghị Vĩnh Tu đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lâm thời gồm 5 đồng chí: Nguyễn Vịnh, Lê Hải, Lê Minh, Trần Bá Song, Hoàng Tiến, do đồng chí Nguyễn Vịnh làm Bí thư Tỉnh ủy.

Giữa tháng 7-1943, trên đường công tác qua làng Bàn Môn, đồng chí Nguyễn Vịnh bị địch bắt. Biết đồng chí là một chiến sĩ cộng sản vừa vượt ngục ra hoạt động trở lại, chúng dùng cực hình tra tấn để moi bí mật của Đảng. Do không khai thác được gì ở đồng chí Nguyễn Vịnh, bọn chúng đành đưa đồng chí trở lại nhà đày Buôn Ma Thuột. Tỉnh ủy Thừa Thiên vừa được củng cố đã bị tổn thất. Phong trào cách mạng Thừa Thiên lại phải đương đầu với những khó khăn mới.

Đến năm 1945, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều chuyển biến mau lẹ. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật tiến hành đảo chính lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và quyết định: “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”(6). Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng trở thành kim chỉ nam hoạt động cho đảng bộ các địa phương. Phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ trong cả nước.

 Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tại Phân khu Bình - Trị - Thiên. Ảnh tư liệu

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh tại Phân khu Bình - Trị - Thiên. Ảnh tư liệu

Cũng vào lúc này, ở Buôn Ma Thuột, lợi dụng sự cho phép của chính quyền thân Nhật, các cán bộ cách mạng bị giam ở đây, trong đó có đồng chí Nguyễn Vịnh đã đi lại, thăm hỏi, tiếp xúc với nhân dân, binh lính và công chức trong thị xã, trong các đồn điền để tuyên truyền giác ngộ, bắt mối liên lạc, gây dựng cơ sở và đấu tranh ráo riết đòi trả tự do. Trước khí thế đấu tranh của tù nhân và nhân dân, từ ngày 15 đến ngày 20-5-1945, nội các Trần Trọng Kim buộc phải thả gần 300 tù chính trị ở nhà đày Buôn Ma Thuột(7). Ban lãnh đạo tổ chức cộng sản bí mật trong nhà đày Buôn Ma Thuột chủ trương phân công cán bộ theo yêu cầu khắc phục tình trạng phong trào không đều giữa các địa phương. Bởi vì, có một thực tế là vào những năm 1939 - 1945, trong số các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ chỉ có Quảng Nam và Quảng Ngãi là hai tỉnh có phong trào mạnh, nguồn cán bộ nhiều, những tỉnh còn lại phong trào yếu, nguồn cán bộ địa phương ít, rất cần tăng cường cán bộ từ các tỉnh khác để xây dựng tổ chức đảng và Việt Minh, vực phong trào những tỉnh này theo kịp đà phát triển chung”(8). Vì vậy, có nhiều cán bộ đã chuyển vùng hoạt động.

Khi chính quyền thân Nhật đưa tù nhân từ nhà đày Buôn Ma Thuột xuống Nha Trang (Khánh Hòa) thực hiện chính sách thả tù chính trị để mị dân, tận dụng thời cơ, Nguyễn Vịnh và các đồng chí nhanh chóng tìm đường thoát khỏi lao tù trở về chỉ đạo phong trào cách mạng. Theo sự phân công của tổ chức đảng trong nhà đày Buôn Ma Thuột, số cán bộ cốt cán như đồng chí Nguyễn Vịnh được cử về hoạt động ở miền Nam Trung Bộ(9), đồng chí Võ Chí Công về Quảng Nam(10) đồng chí Lê Tự Đồng về Huế(11)...

Vượt ngục thành công, Nguyễn Vịnh tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí cộng sản ở tỉnh Khánh Hòa, tham gia vào việc vận động quần chúng, xây dựng cơ sở đảng và Mặt trận cứu quốc, hình thành lực lượng vũ trang. Căn cứ vào tinh thần Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám (5-1941), đồng chí Nguyễn Vịnh chú trọng tuyên truyền, phổ biến về nhiệm vụ giải phóng dân tộc và kêu gọi mọi người đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh do lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đồng chí đã cùng nhiều cán bộ địa phương củng cố và mở rộng các tổ chức cứu quốc, thúc đẩy phong trào Việt Minh ở tỉnh Khánh Hòa phát triển rộng khắp, từ nông thôn đến thành thị. Với bản lĩnh cách mạng được tôi luyện qua nhiều thử thách khốc liệt trong ngục tù đế quốc và hoạt động chỉ đạo thực tiễn năng nổ, đồng chí Nguyễn Vịnh được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy Khánh Hòa(12).

Với tài năng và lòng yêu nước nồng nàn, ý chí sắt đá, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Vịnh - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn luôn có những hoạt động sôi nổi và đầy sáng tạo. Thời gian ở trong lao tù đế quốc, đồng chí vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của sự nghiệp cách mạng, tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh, huấn luyện, đào tạo cán bộ trong tù. Cái tâm với đất nước, với nhân dân, lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng làm lẽ sống đã biến Nguyễn Vịnh - Nguyễn Chí Thanh trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc, một nhà chính trị - quân sự song toàn, lời nói đi đôi với việc làm, đạo đức đi đôi với tài năng, được quân đội và nhân dân ta kính trọng.

Thiếu tá, ThS TRẦN QUỐC DŨNG - Viện Lịch sử quân sự

---------------

(1) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nguyễn Chí Thanh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.38.

(2) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nguyễn Chí Thanh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.42,43.

(3) Tố Hữu: “Kỷ niệm về một người cộng sản kiên cường, mẫu mực”, in trong sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà lãnh đạo lỗi lạc, một danh tướng thời đại Hồ Chí Minh (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.67.

(4) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nguyễn Chí Thanh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.49.

(5) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nguyễn Chí Thanh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2020, tr.50.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7 (1940-1945), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.367.

(7) Tỉnh ủy Đắk Lắk - Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột (1930 - 1945), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.121, 122.

(8) Ngô Văn Minh, Cách mạng Tháng Tám tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nxb. Đà Nẵng, 2005, tr.136

(9) Xem Ngô Kha: “Nguyễn Chí Thanh với các bước ngoặt cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế”, in trong Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr.177-178.

(10) Võ Chí Công, Trên những chặng đường cách mạng (Hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.84.

(11) Xem Trung tướng Lê Tự Đồng: “Nhớ về một con người bình dị”, in trong Bộ Quốc phòng. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị quân sự lỗi lạc, Sđd, tr.130.

(12) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, thời kỳ chống Pháp (1945 - 1954), 1990, tr.8.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nguoi-lanh-dao-cac-cuoc-dau-tranh-trong-lao-tu-de-quoc-758810