Người lao động Đức đối mặt gánh nặng bảo hiểm tương đương 50% thu nhập

Giáo sư chính sách xã hội và tài chính công tại Đại học Ruhr Bochum của Đức, đã lên tiếng cảnh báo người lao động nước này phải chuẩn bị tinh thần đóng bảo hiểm xã hội lên tới 50% tổng thu nhập.

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nhà kinh tế học Martin Werding, Giáo sư chính sách xã hội và tài chính công tại Đại học Ruhr Bochum của Đức, đã lên tiếng cảnh báo người lao động nước này phải chuẩn bị tinh thần đóng bảo hiểm xã hội lên tới 50% tổng thu nhập và đây chỉ là vấn đề sớm hay muộn.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bài viết trên tờ Rheinische Post, Giáo sư Werding cho rằng do dân số già đi, xu hướng tiền đóng bảo kiểm tăng lên sẽ tiếp tục duy trì nếu không có cải cách tổng thể vào những năm 2030 và mức đóng bảo hiểm sẽ tăng ngay từ năm 2026.

Hiện tại, tổng số tiền đóng bảo hiểm xã hội của cả người lao động và người sử dụng lao động lên tới khoảng 42% tổng thu nhập. Ông Werding dự báo số tiền này sẽ tăng lên 43% trong một năm tới.

Ông chỉ ra rằng một số công ty bảo hiểm y tế đã tăng mức phí lên cao hơn mức trung bình 17% và năm nay đã lại một lần nữa tăng thêm các khoản phụ thu, đưa mức trung bình hiện tại lên 17,5%.

Dự kiến đầu năm tới, bảo hiểm chăm sóc dài hạn cũng sẽ tăng khiến quỹ lương hưu sẽ bị ảnh hưởng sau này: Vào năm 2027 hoặc muộn nhất là 2028, các khoản đóng góp, vốn được giữ nguyên ở mức 18,6% trong một thời gian dài, sẽ tăng lên gần 20%.

Nhà kinh tế học Werding, người đã kêu gọi cải cách sâu rộng hệ thống bảo hiểm, cho rằng điều này có nghĩa là đến năm 2027, người lao động sẽ phải gánh tiền bảo hiểm lên tới 45% thu nhập

Hiện nhiều giải pháp đang được thảo luận tại Đức như tăng giới hạn đánh giá mức nộp và không cho công chức được miễn trừ đóng bảo hiểm xã hội nữa nhưng dường như vẫn chưa thỏa đáng.

Ông Werding cho rằng trong một số trường hợp, biện pháp này lại tạo ra lỗ hổng ở chỗ khác, ví dụ như trong ngân sách của các bang sử dụng phần lớn công chức. Do đó, cần phải thảo luận về xu hướng chi tiêu, mục tiêu của các phúc lợi hiện có và các kế hoạch hiện tại.

Hiệu quả của dịch vụ chăm sóc sức khỏe và cung cấp dịch vụ chăm sóc người già dài hạn cũng cần phải được thảo luận kỹ càng.

Thu Hằng/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguoi-lao-dong-duc-doi-mat-ganh-nang-bao-hiem-tuong-duong-50-thu-nhap/379942.html