Người lao động gặp khó vì đổ tiền vào xét nghiệm Covid-19
Những tháng qua, công nhân lao động bị mắc Covid-19 tăng cao. Phải nghỉ việc ở nhà điều trị và cách ly, chi một khoản tiền khá lớn để mua thuốc, mua kít xét nghiệm Covid-19 cho bản thân và những người trong gia đình… gánh nặng chi phí cũng đè nặng lên vai công nhân. Đối mặt với dịch bệnh, người lao động (NLĐ) gặp khó trong nhiều khía cạnh đời sống, trong đó có việc chi phí xét nghiệm Covid-19.
Những tháng qua, công nhân lao động bị mắc Covid-19 tăng cao. Phải nghỉ việc ở nhà điều trị và cách ly, chi một khoản tiền khá lớn để mua thuốc, mua kít xét nghiệm Covid-19 cho bản thân và những người trong gia đình… gánh nặng chi phí cũng đè nặng lên vai công nhân. Đối mặt với dịch bệnh, người lao động (NLĐ) gặp khó trong nhiều khía cạnh đời sống, trong đó có việc chi phí xét nghiệm Covid-19.
Ngay từ những ngày đầu có dịch, Công ty TNHH Quỳnh Hằng SP (KCN Đồng Văn I) luôn quan tâm đến đời sống của NLĐ, thực hiện phương châm 3 tại chỗ, xây dựng các tổ an toàn Covid-19, xét nghiệm cho công nhân định kỳ… Nhưng đến sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số công nhân lao động mắc Covid-19 ở công ty tăng cao.
Ông Hoàng Đình Hùng, Quản đốc phân xưởng công ty cho biết: Toàn công ty có trên 370 công nhân lao động, hiện tại đã có khoảng 60-70 người mắc Covid-19. Chúng tôi yêu cầu công nhân khi có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS – CoV-2 sẽ tự cách ly, điều trị tại nhà, khi nào có kết quả xét nghiệm âm tính thì cách ly thêm vài ngày theo quy định rồi mới trở lại làm việc. Công ty phát cho công nhân kít xét nghiệm để tự test ở nhà chứ không test ở công ty.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, hầu hết công nhân khi bị mắc Covid-19 đều có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những người thân trong gia đình. Chị Phạm Thị Mùi, công nhân Công ty TNHH Quỳnh Hằng SP chia sẻ: Khi mình đã bị mắc rồi, đương nhiên phải test Covid-19 cho cả nhà. Những tuần vừa qua, đi mua kít xét nghiệm Covid-19 cũng khó, mỗi nơi một giá. Nhiều khi chúng tôi chẳng quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của kít, miễn có là được. Nhà 5 người, mình chỉ có một kít công ty phát cho, phải mua thêm 4 kít nữa, vèo cái mất 400 nghìn đồng. Hôm nay xét nghiệm âm tính, ngày mai sốt ruột lại xét nghiệm thêm, cứ thế tốn kém rất nhiều. Sau này, thấy cơ quan chức năng khuyến cáo không nên xét nghiệm nhiều, nếu có nguy cơ cao, với ai đã tiêm phòng rồi thì sau 5 ngày kể từ khi tiếp xúc với F0 mới thực hiện xét nghiệm đã đỡ tốn kém hơn rất nhiều cho người dân nói chung và NLĐ như chúng tôi nói riêng.
Hai vợ chồng anh Lê Văn Thắng, nhà ở xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên, là công nhân Công ty TNHH Hệ thống Dây dẫn Sumi Việt Nam đều mắc Covid-19. Vợ đang mang bầu tháng thứ 7, anh Thắng rất lo lắng khi biết mình bị mắc Covid-19. Hai vợ chồng ở chung với bố mẹ, các em, anh phải mua test xét nghiệm cho cả nhà để sàng lọc. Ngày đầu chưa ai dương tính, anh vẫn lo. Ngày hôm sau lại xét nghiệm… Một hộp kít 20 que của Hàn Quốc giá 2.375.000 đồng chỉ dùng trong một tuần đã hết. Lúc đó, cả nhà đã dương tính với SARS-CoV-2. Chị Thảo, vợ anh Lê Văn Thắng chia sẻ: “Anh ấy quá lo vợ bị mắc nên xét nghiệm liên tục. Tốn kém tiền kít đã đành, nhưng thời điểm đó mua khó. Kèm với kít là những loại thuốc bổ, những thứ cần để dưỡng bệnh, mất mấy triệu bạc. Lương công nhân đã thấp, phải lo chi phí vì Covid-19 thực sự tốn kém”.
Những ngày này, công nhân Lê Thị Tâm, Công ty TNHH JI Hà Nam (xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân) có triệu chứng mắc Covid-19. Tổ sản xuất của chị có 17 người thì 15 người đã mắc. Theo chị Tâm, trước Tết Nguyên đán, những người bị mắc Covid-19 được công ty xét nghiệm cho, nhưng bây giờ, số lượng người mắc đông quá, chi phí mua kít xét nghiệm lớn nên công ty không thể chi trả được nữa. Ai có triệu chứng tự mua kít về xét nghiệm hoặc đến trạm y tế xã, thị trấn xét nghiệm. Mỗi lần xét nghiệm mất 100 nghìn đồng/người. Ngày 5/3, chị Tâm cùng chồng và 3 con nhỏ ra trạm y tế gần nhà để test Covid-19 vì chị có triệu chứng đau rát họng, sốt nhẹ. Tất cả hết 500 nghìn đồng phí xét nghiệm.
“Lương của em chỉ có 3,4 triệu đồng, cộng thêm 6 trăm nghìn tiền thưởng chuyên cần, xăng xe, nhà ở và làm tăng ca một tháng cũng được hơn 5 triệu đồng. Chồng không có việc làm, ở nhà trông con, chi phí dựa cả vào số tiền ít ỏi ấy. Em rất lo nếu mọi người bị Covid-19, ngoài tiền mua kít xét nghiệm, còn phải mua thuốc bổ, đồ ăn cho con, chắc mất vài triệu…”. Chị Tâm cho biết.
Khó khăn với người lao động lúc này chính là tiền lương chưa tăng, nhưng chi phí cho những việc liên quan đến dịch bệnh Covid-19 ngày một tăng. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh đến ngày 4/3 có trên 2.000 công nhân lao động trong và ngoài KCN bị mắc Covid-19. Hầu hết công nhân lao động đang phải nuôi con nhỏ, độ tuổi chưa được tiêm phòng vaccine Covid-19, vì thế khi có nguy cơ bị nhiễm bệnh, ai cũng lo lắng, mua kít test Covid-19 về kiểm tra cho con. Có những nơi, nhà trường yêu cầu phải test Covid-19 cho con trước khi đến lớp, công nhân lao động khó khăn cũng phải thực hiện theo quy định để con được đến trường. Gánh nặng cơm áo vốn đã làm cho người lao động trong điều kiện dịch bệnh này phải lao đao, giờ thêm chi phí xét nghiệm, điều trị Covid-19 nữa càng khó khăn.
Ông Hoàng Đình Hùng, Quản đốc Công ty TNHH Quỳnh Hằng SP cho biết, nếu việc kiểm soát vật tư y tế và các thuốc men điều trị, hỗ trợ điều trị cho người mắc Covid-19 sớm được triển khai chặt chẽ, hiệu quả như lúc này thì có lẽ người lao động nói riêng, nhân dân nói chung sẽ bớt khổ hơn. Doanh nghiệp chỉ có thể lo xét nghiệm cho công nhân chứ không thể lo xét nghiệm cho cả gia đình công nhân được. Vì thế, công nhân lao động thời gian qua phải bỏ tiền mua kít xét nghiệm Covid-19 quá tốn kém càng làm cho đời sống, thu nhập của họ khó khăn hơn.