Người lao động Thủ đô đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) có diễn biến rất phức tạp, tác động không nhỏ tới mọi mặt đời sống, đặc biệt là tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống việc làm, thu nhập của người lao động.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn thực hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt "chống dịch như chống giặc", kiên định thực hiện "mục tiêu kép" phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, chăm lo đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ sức khỏe đoàn viên và người lao động.
Theo số liệu thống kê, đợt dịch lần thứ 4 này có 597 F0 là đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (trong đó có 133 F0 là công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội). Đã có 399 doanh nghiệp dừng hoạt động; 1.719 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chưa dừng hoạt động; 80.996 công nhân mất việc, thiếu việc làm, thu nhập giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tinh thần của người lao động.
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn đó, các cấp Công đoàn Thủ đô đã có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ thông qua các chương trình hỗ trợ "Xe buýt siêu thị 0 đồng", "Siêu thị 0 đồng", "Túi An sinh Công đoàn".
Cụ thể, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã triển khai 95 chuyến "Xe buýt Siêu thị 0 đồng" với 46.027 "Túi An sinh Công đoàn" để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho hơn 46.027 đoàn viên, công nhân với tổng trị hơn 9 tỷ 205,4 triệu đồng. Tại các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có 33 đơn vị tổ chức "Chuyến xe Siêu thị 0 đồng", 09 đơn vị đã triển khai thực hiện mô hình "Siêu thị 0 đồng" và 22 đơn vị triển khai các hình thức hỗ trợ khác để hỗ trợ khẩn cấp "Túi An sinh Công đoàn" cho 33.222 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền 6 tỷ 389,712 triệu đồng.
Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê phòng trọ từ 30-100%. Tổng số có 1.650 phòng trọ cho công nhân được miễn, giảm tiền thuế với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, từ ngày 27/4/2021 đến nay, các cấp Công đoàn đã ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, thành phố, hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là 169 tỷ 509,624 triệu đồng (trong đó 104 tỷ 048,422 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa) cho 163.942 đoàn viên, người lao động và 2.098 doanh nghiệp có "Tổ An toàn COVID-19".
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 3642 của UBND thành phố.
Tính đến ngày 21/9, thành phố đã hỗ trợ 12.938 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với số tiền 46,188 tỷ đồng; 221 lao động ngừng việc với số tiền 221 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ doanh nghiệp vay trên 16,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh cho 3.750 lượt người lao động. Bảo hiểm xã hội thành phố đã giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 89.628 đơn vị, doanh nghiệp, với gần 1,5 triệu lao động, kinh phí trên 146,818 tỷ; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất cho 90 đơn vị, doanh nghiệp, với 6.589 lao động, tổng số tiền trên 46,4 tỷ đồng.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, nhờ có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực và hiệu quả của tổ chức Công đoàn, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô đến nay vẫn ổn định, không có hiện tượng đình công, ngừng việc xảy ra. Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người lao động bị ngừng việc, mất việc làm. Đồng thời, người lao động đã nhận thức và chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Đến nay, toàn thành phố có 954 doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" với 68.630 người lao động. Trên địa bàn thành phố đã có 4.339 doanh nghiệp thành lập "Tổ An toàn COVID-19" với 11.512 Tổ và 50.643 người tham gia. Riêng đối với Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã thành lập Tổ trong 408 doanh nghiệp.
Theo chỉ đạo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện các cấp Công đoàn tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và động viên tinh thần cho đoàn viên, người lao động, đặc biệt quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các đối tượng trực tiếp tại các doanh nghiệp bị tác động ảnh hưởng lớn, sau khoảng thời gian kéo dài thực hiện giãn cách xã hội.