Người mắc bệnh Gout nên ăn gì ngày Tết?
Chuyên gia y tế đưa ra một số lưu ý về dinh dưỡng dịp Tết như cần giảm cân khi có thừa cân-béo phì, uống đủ nước, hạn chế chất béo bão hòa,...
Bệnh Gout là một loại viêm khớp, khởi phát thường đột ngột, sưng, đau và viêm các khớp. Gần một nửa số trường hợp bệnh gút thường bắt đầu từ ngón chân cái, tiếp đến là ngón tay, cổ tay, đầu gối và gót chân.
Các triệu chứng của bệnh xảy ra khi có quá nhiều acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric cao, các tinh thể uric sẽ có thể tích tụ trong các khớp. Quá trình này gây ra sưng, viêm và đau dữ dội.
Các cơn Gout thường xảy ra vào ban đêm, sau các bữa ăn giàu đạm và kéo dài 3-10 ngày.
TS. Nguyễn Trọng Hưng - Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng đưa ra một số lưu ý về dinh dưỡng, đặc biệt dịp Tết cụ thể như sau:
Giảm cân khi có thừa cân-béo phì: Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút và giảm cân làm giảm nguy cơ mắc bệnh gút.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc giảm lượng calo và giảm cân - ngay cả khi không có chế độ ăn kiêng hạn chế purine - sẽ làm giảm nồng độ axit uric và giảm cơn gút cấp. Giảm cân cũng làm giảm căng thẳng chung cho khớp.
Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt hay carbohydrate phức: Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, cung cấp carbohydrate phức. Tránh thực phẩm và đồ uống có xi-rô ngô có hàm lượng đường fructose cao và hạn chế uống nước ép trái cây ngọt tự nhiên, mứt, bánh kẹo ngọt, …
Uống đủ nước: Nên uống nước lọc hoặc nước khoáng, hạn chế nước ngọt đóng chai, nước ép hoa quả,…
Hạn chế chất béo bão hòa: Cắt giảm chất béo bão hòa từ thịt đỏ, thịt gia cầm béo (thịt ba chỉ, thịt đông, giò mỡ,…) và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo (sữa đặc có đường, sữa nguyên kem,…). Tăng cường thay thế bằng dầu, các hạt có dầu,…
Sử dụng chất đạm hợp lý: Nên sử dụng thịt nạc và thịt gia cầm, sữa ít chất béo và đậu lăng làm nguồn cung cấp chất đạm. Hạn chế các nội tạng như óc, lòng, tim, gan,…
Nên kiểm soát tổng số lượng chất đạm sử dụng cho từng bữa, từng ngày để tránh đưa quá nhiều lượng purin cho cơ thể; thông thường chỉ nên bổ sung 1g chất đạm/kg cân nặng/24h.
Sử dụng hợp lý rượu, bia: Rượu, bia có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gút và các cơn gút tái phát. Nên hạn chế sử dụng rượu, bia theo khuyến nghị (nam giới: 80ml rượu mạnh/24h hoặc 02 lon bia 330ml/24h,…, nữ giới: 40ml rượu mạnh hoặc 01 lon bia 330ml/24h, …).
Bổ sung 500mg vitamin C/24h có thể giúp giảm nồng độ axit uric hoặc hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị để phù hợp với chế độ dinh dưỡng và kế hoạch dùng thuốc.
Có thể sử dụng cà phê: Được sử dụng cà phê nhưng cần trao đổi với bác sĩ của bạn về lượng cà phê phù hợp.
Ngoài ra, cần duy trì các hoạt động thể lực hàng ngày, như chạy bộ, đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông, bóng chuyền hơi, dân vũ thể thao,… Cần duy trì tập tối thiểu 30 phút/ngày, với người trẻ nên tập 60 phút/24h, đặc biệt những người cần giảm cân.
Lưu ý, với người cao tuổi hoặc đang mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp,… nên tham vấn bác sĩ để có bài tập phù hợp, tránh gia tăng biến chứng cũng như ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nguoi-mac-benh-gout-nen-an-gi-ngay-tet-post623644.html