Người mắc bệnh tim có nên ăn trứng?

Quan niệm sai về hàm lượng cholesterol trong trứng đã khiến nhiều người, đặc biệt là những người mắc bệnh tim hoặc đái tháo đường, loại bỏ trứng khỏi chế độ ăn uống của mình.

NỘI DUNG

1. Thành phần dinh dưỡng của trứng

2. Trứng có làm tăng mức cholesterol không?

3. Trứng omega-3 hoặc trứng từ gà chăn thả làm giảm triglyceride tốt cho người bệnh tim

4. Chỉ ăn lòng trắng trứng có tốt hơn không?

5. Trứng có phải là nguyên nhân gây mắc bệnh tim không?

Trứng, đặc biệt là trứng gà cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng và là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng đối với nhiều người. Tuy nhiên, trên thực tế cần xem xét tình trạng sức khỏe mỗi người cũng như chọn cách chế biến để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn.

Theo các bác sĩ tim mạch và chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù nghiên cứu cho thấy cholesterol trong trứng có thể không ảnh hưởng nhiều đến cholesterol máu ở đa số người nhưng những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc cholesterol máu cao nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng trứng tiêu thụ phù hợp.

1. Thành phần dinh dưỡng của trứng gà

Trứng chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết tốt cho sức khỏe.

Trứng chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết tốt cho sức khỏe.

Một quả trứng nguyên chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết để biến một tế bào đơn lẻ thành một chú gà con. Một quả trứng gà luộc lớn chứa:

Lượng calo: 79 kcal
Chất đạn (protein): 6 g
Chất béo: 5 g
Vitamin A: 8% DV (giá trị hàng ngày)
Axit folic: 6% DV
Axit pantothenic (vitamin B5): 14% DV
Vitamin B12: 23% DV
Riboflavin (vitamin B2): 20% DV
Phốt pho: 7% DV
Selen: 28% DV

Trứng cũng chứa một lượng đáng kể vitamin D, vitamin E, vitamin B6, canxi, kẽm và nhiều chất dinh dưỡng vi lượng quan trọng cho sức khỏe. Trên thực tế, trứng là loại thực phẩm hoàn hảo, chứa nhiều chất dinh dưỡng cơ thể cần. Nếu có thể mua được trứng gà nuôi thả tự nhiên hoặc trứng gà giàu omega-3 thì còn giàu dinh dưỡng hơn. Loại trứng này chứa nhiều chất béo omega-3 và nhiều vitamin A, vitamin E.

2. Trứng gà có làm tăng mức cholesterol không?

Các nghiên cứu quan sát và phân tích tổng hợp gần đây đã phát hiện ra rằng ăn trứng có thể không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ của bệnh như viêm, xơ cứng động mạch và mức cholesterol cao.

Một số thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên (RCT) - tiêu chuẩn vàng của nghiên cứu khoa học về khả năng giảm sai lệch - lưu ý những phát hiện tương tự, mặc dù thường ở các nhóm nghiên cứu nhỏ hơn gồm 20 - 50 người lớn khỏe mạnh.

Ví dụ, một thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên nhỏ phát hiện ra rằng khi so sánh với bữa sáng nhiều carbohydrate không có trứng, ăn 2 quả trứng hoặc 1/2 cốc (118 ml) trứng lỏng vào bữa sáng không có tác dụng đáng kể đến mức cholesterol trong máu.

Các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên ở những người mắc bệnh đái tháo đường đã phát hiện ra rằng ăn 6 - 12 quả trứng mỗi tuần không ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol toàn phần trong máu hoặc các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Thay vào đó, nó làm tăng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL - cholesterol tốt). Ngược lại, cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) thường được coi là loại cholesterol xấu vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Các thử nghiệm so sánh bữa sáng có trứng và bữa ăn không có trứng cho thấy cholesterol tăng ở nhóm ăn sáng có trứng. Tuy nhiên, tỷ lệ LDL/HDL - một chỉ số sinh học thường được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim - vẫn không thay đổi.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác đã quan sát thấy mối liên hệ giữa lượng trứng tiêu thụ, mức cholesterol với nguy cơ mắc bệnh mạn tính và tử vong cao hơn. Ví dụ, một phân tích tổng hợp gần đây của 17 thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên cho thấy những người tiêu thụ nhiều trứng trong thời gian dài có xu hướng có mức cholesterol cao hơn những người ăn ít trứng hơn.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cũng cho biết mối liên hệ tiêu cực của việc ăn trứng có thể đáng chú ý hơn nếu ăn trứng cùng với các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao khác như phô mai, thịt chế biến và đồ chiên, rán.

3. Trứng gà omega-3 hoặc trứng từ gà chăn thả làm giảm triglyceride

Những người bệnh tim nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách ăn trứng phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Những người bệnh tim nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách ăn trứng phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Không phải tất cả trứng đều được tạo ra như nhau. Thành phần dinh dưỡng của chúng thay đổi tùy thuộc vào cách chăn nuôi và cho gà mái ăn. Trứng omega-3 là trứng từ những con gà mái được nuôi thả trên đồng cỏ hoặc được cho ăn thức ăn giàu omega-3, loại trứng này có xu hướng chứa nhiều acid béo omega-3 hơn. Acid béo omega-3 có thể giúp làm giảm nồng độ triglyceride trong máu, một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim.

4. Chỉ ăn lòng trắng trứng có tốt hơn không?

Trung bình, 1 quả trứng lớn chứa khoảng 200 mg cholesterol. Cholesterol tập trung ở lòng đỏ. Do đó, một số người chỉ ăn lòng trắng trứng để giảm lượng cholesterol nạp vào cơ thể nhưng vẫn có được nguồn protein nạc tốt.

Tuy nhiên, không nên loại bỏ hoàn toàn lòng đỏ vì hàm lượng cholesterol của nó. Lòng đỏ cũng là phần của trứng chứa nhiều sắt, vitamin D, carotenoid…

Nếu chỉ ăn lòng trắng trứng và tránh ăn lòng đỏ, có thể bỏ lỡ nhiều lợi ích sức khỏe mà trứng mang lại. Vì vậy, nếu có nguy cơ mắc bệnh tim cao hoặc đã có cholesterol cao, việc ưu tiên ăn lòng trắng trứng và điều chỉnh lượng lòng đỏ trứng ăn trong tuần có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cholesterol thêm.

5. Trứng có phải là nguyên nhân gây mắc bệnh tim không?

Hướng dẫn chế độ ăn uống dành cho người Mỹ từng khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 200 - 300 mg cholesterol mỗi ngày tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim. Một bữa sáng với 2 - 3 quả trứng có thể vượt qua mức khuyến nghị. Tuy nhiên, khuyến nghị đó đã được nêu lại. Hiện tại, các hướng dẫn tương tự không giới hạn lượng cholesterol trong chế độ ăn uống hàng ngày. Thay vào đó, các chuyên gia khuyên nên hạn chế lượng tiêu thụ để giữ mức cholesterol trong máu ở mức bình thường.

Mặc dù cholesterol trong chế độ ăn có thể làm tăng mức LDL nhưng điều quan trọng cần lưu ý là cholesterol trong chế độ ăn chỉ là một phần khi đánh giá nguy cơ mắc bệnh tim nói chung của một người.

Trứng có hàm lượng cholesterol cao nhưng chúng không phải là thực phẩm duy nhất ảnh hưởng đến mức cholesterol LDL. Mức cholesterol trong máu cao cũng có thể là kết quả của chế độ ăn uống như nhiều chất béo bão hòa, nhiều chất béo chuyển hóa, ít chất xơ...

CN dinh dưỡng Tạ Thu Hương - Đại học Y Hà Nội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-mac-benh-tim-co-nen-an-trung-169250504160357344.htm