Người mắc hội chứng Cushing tập luyện thế nào có lợi cho sức khỏe?
Hội chứng Cushing xảy ra khi hormone cortisol tăng quá mức trong thời gian dài, dẫn đến nhiều phản ứng sinh lý, bao gồm yếu cơ, mất khoáng xương, suy yếu mô đàn hồi, tăng đường huyết và béo phì…
Tình trạng này là kết quả của mức cortisol quá cao, thường là do khối u vỏ thượng thận hoặc dùng liều cao thuốc hydrocortisone hoặc dẫn xuất cortisol.
1. Tầm quan trọng của tập thể dục với người mắc hội chứng Cushing
Nội dung
1. Tầm quan trọng của tập thể dục với người mắc hội chứng Cushing
2. Một số bài tập tốt cho người mắc Hội chứng Cushing
2.1. Bài tập khởi động - Diễu hành tại chỗ
2.2 Đẩy tường
2.3 Bài tập mở cổng
2.4 Bài tập bước lên
2.5 Nhảy lùi về sau
2.6 Ngồi xổm trên ghế
2.7 Chạm gót chân
2.8 Nhấn gót chân
2.9. Hạ nhiệt – Tư thế em bé
2.10 Các bài tập khác
3. Những lưu ý khi tập luyện
Tập thể dục giúp kiểm soát stress: Stress có thể ảnh hưởng đến mức cortisol, do đó hãy tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng qua các hoạt động như yoga, thiền, hoặc các sở thích cá nhân.
Tăng cortisol mạn tính có thể dẫn đến suy nhược cơ, loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Các bài tập tăng cường sức mạnh giúp xây dựng lại khối lượng cơ và cải thiện mật độ xương. Ngoài ra, các bài tập về tính linh hoạt và thăng bằng được kết hợp để tăng cường khả năng vận động, giảm nguy cơ té ngã, có thể tăng ở những người mắc Hội chứng Cushing do suy nhược cơ và thay đổi cấu trúc xương.
Tập thể dục đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng tăng cân và sức khỏe tim mạch, cả hai đều thường bị ảnh hưởng bởi Hội chứng Cushing.
Tập thể dục thường xuyên giúp duy trì khối lượng cơ và xương và ngăn ngừa tăng cân, giảm nguy cơ té ngã (té ngã có thể dẫn đến gãy xương và các chấn thương khác).
2. Một số bài tập tốt cho người mắc Hội chứng Cushing
Theo thông tin đăng trên trang Cushingscommunity, một số bài tập dưới đây rất đơn giản và hiệu quả có thể thực hiện tại nhà mà không cần bất kỳ thiết bị nào, giúp hỗ trợ phục hồi chức năng, giảm triệu chứng và tăng cường sức khỏe tổng thể cho người mắc Hội chứng Cushing:
2.1. Bài tập khởi động - Diễu hành tại chỗ
Đứng tại chỗ, nhấc đầu gối lên sao cho thẳng hàng với bụng và di chuyển cánh tay theo nhịp điệu.
Sau 1 phút diễu hành, nghỉ 20 giây, sau đó hoàn thành 1 phút một lần nữa.
Nghỉ 20 giây trước khi chuyển sang bài tập tiếp theo.

Bài tập diễu hành tại chỗ.
2.2 Đẩy tường
Bắt đầu bằng cách đứng tại chỗ.
Duỗi thẳng tay ra và đặt tay lên tường trước mặt, cách nhau khoảng bằng vai và cao bằng ngực.
Nhẹ nhàng uốn cong khuỷu tay sao cho mặt hướng về phía tường, giữ thẳng chân, sau đó đẩy về vị trí bắt đầu; đảm bảo vai được thư giãn trong suốt bài tập này.
Thực hiện 10 lần chống đẩy tường như mô tả ở trên; nghỉ ngơi trong 20 giây.
Lặp lại bài tập này thêm 2 lần nữa với thời gian nghỉ 20 giây giữa các hiệp.

Bài tập đẩy tường.
2.3 Bài tập mở cổng
Bắt đầu bằng cách đứng tại chỗ.
Cong chân và đưa đầu gối ra ngoài như thể bạn đang mở một cánh cổng.
Đảm bảo siết chặt cơ bụng và cơ mông khi hoàn thành bài tập này.
Hoàn thành trong 30 giây, luân phiên di chuyển chân trái và chân phải.
Nghỉ ngơi trong 20 giây. Hoàn thành 30 giây nữa 2 lần với thời gian nghỉ 20 giây giữa mỗi lần tập.
Bài tập mở cổng.
2.4 Bài tập bước lên
Đứng trước một bậc thấp với hai chân rộng bằng vai.
Đặt một chân chắc chắn trên bậc, đẩy qua gót chân, đưa chân kia lên bậc. Từ từ hạ một chân xuống đất, rồi đến chân kia.
Thực hiện 5 bước lên với mỗi chân dẫn trước (tổng cộng 10 bước) rồi nghỉ 20 giây.
Lặp lại động tác này thêm hai lần nữa với thời gian nghỉ 20 giây giữa mỗi hiệp.
Bài tập bước lên.
2.5 Nhảy lùi về sau
Bắt đầu bằng cách đứng tại chỗ.
Đưa một chân ra sau và hạ đầu gối sau xuống đất.
Đưa chân ra xa một khoảng cách an toàn để bạn có thể giữ thăng bằng (có thể bám vào thứ gì đó để giữ thăng bằng nếu cần).
Cố gắng không chạm đầu gối sau xuống sàn hoặc để đầu gối trước vượt qua ngón chân.
Giữ lưng thẳng, hóp bụng, hai tay ở hai bên để giữ thăng bằng.
Thực hiện 5 lần nhúng với chân trái và chân phải ở sau (tổng cộng 10 lần).
Nghỉ 20 giây sau khi thực hiện 10 lần chùng chân.
Sau đó, thực hiện bài tập này thêm 2 lần nữa với thời gian nghỉ 20 giây giữa mỗi lần tập.
Bài tập nhẩy lùi về sau.
2.6 Ngồi xổm trên ghế
Bắt đầu bằng cách đứng tại chỗ với một chiếc ghế gần phía sau bạn và hai chân mở rộng bằng hông.
Nhẹ nhàng uốn cong đầu gối, đẩy mông về phía sau để ngồi trên ghế, giơ tay ra trước mặt.
Cố gắng chuyển từ tư thế đứng sang ngồi trong 3 giây và trở lại trong 3 giây (điều này sẽ giúp kiểm soát cơ bắp tốt hơn).
Hoàn thành 10 lần ngồi xổm trên ghế và sau đó nghỉ ngơi trong 20 giây.
Lặp lại thêm 2 lần nữa với thời gian nghỉ 20 giây giữa các hiệp.
Baifi tập ngồi xổm trên ghế.
2.7 Chạm gót chân
Bắt đầu bằng cách đứng tại chỗ với hai chân rộng bằng hông.
Cong một đầu gối để bàn chân hướng về phía mông.
Chạm vào cùng một bên tay bằng gót chân trong khi giữ thăng bằng trên chân kia.
Bạn có thể đặt tay lên hông, ra ngoài sang một bên hoặc hướng lên trên để giữ thăng bằng.
Thực hiện 5 lần với mỗi chân (tổng cộng 10 lần) và sau đó nghỉ 20 giây.
Thực hiện thêm 2 lần nữa với thời gian nghỉ 20 giây giữa các hiệp.
Bào tập chạm gót chân.
2.8 Nhấn gót chân
Bắt đầu bằng cách đứng tại chỗ với hai tay đặt trên ghế hoặc bề mặt hỗ trợ khác để giúp bạn giữ thăng bằng.
Nâng người lên trên các ngón chân và giữ trong 3 giây.
Sau đó từ từ hạ gót chân xuống sàn, đảm bảo siết chặt bụng và mông, giữ đầu thẳng.
Thực hiện động tác này 10 lần rồi nghỉ trong 20 giây.
Lặp lại bài tập này thêm 2 lần nữa với thời gian nghỉ 20 giây giữa các hiệp.
Bài tập nhấn gót chân.
2.9. Hạ nhiệt – Tư thế em bé
Vào tư thế quỳ 4 điểm trên sàn.
Đưa hai đầu gối ra xa nhau bằng chiều rộng hông, từ từ đưa mông về phía gót chân, giữ lưng thẳng và hai tay đặt phẳng trên sàn. Bạn sẽ cảm thấy căng ở phía trước hông và mông, giữ tư thế căng này trong 30 giây.
Trở lại tư thế quỳ 4 điểm và lặp lại động tác căng này thêm 2 lần nữa.
Tư thế em bé.
2.10 Các bài tập khác
Các bài tập như đi bộ, đạp xe, tập thể dục dưới nước... cũng rất tốt cho người mắc Hội chứng Cushing. Khuyến cáo tập ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
3. Những lưu ý khi tập luyện
- Người bệnh nên được khuyến khích tăng mức độ hoạt động hàng ngày để tăng lượng calo tiêu thụ.
- Đối với những người bệnh đang được điều trị liên tục, nên tránh các bài tập gây thêm áp lực lên xương và cấu trúc khớp xương hoặc làm tăng nguy cơ té ngã. Nên tránh nâng tạ và các hoạt động chạy - bước nếu không kiểm soát được mức cortisol.
- Người bệnh có mức cortisol được kiểm soát có thể được khuyến khích thực hiện các hoạt động chịu trọng lượng để cải thiện mật độ khoáng chất của xương. Các bài tập chịu trọng lượng nên bắt đầu ở mức thấp, với 15 - 20 lần lặp lại, thận trọng để không làm quá tải các cấu trúc khớp. Có thể từ từ tăng thời lượng các hoạt động hiếu khí trong tối đa 60 đến 90 phút.
- Cường độ tập thể dục có thể từ từ tăng lên đến 80% tim tối đa khi người bệnh cải thiện khả năng hiếu khí và giảm trọng lượng cơ thể.
- Có thể kết hợp nhiều bài tập hiếu khí và kháng cự để tối ưu hóa sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh.
Tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ lối sống lành mạnh nào, nhưng điều quan trọng là bạn không nên vội vàng, do đó, hãy:
+ Bắt đầu từ từ: Có thể bắt đầu với các bài tập tác động thấp, chẳng hạn như thể dục nhịp điệu dưới nước, thái cực quyền hoặc yoga, các bài tập này nhẹ nhàng tái tạo cơ và khớp. Từ đó, bạn có thể tăng dần lên một thói quen tập luyện có nhịp độ vừa phải hơn. Người bệnh cũng có thể làm việc với một huấn luyện viên cá nhân, có thể tùy chỉnh kế hoạch tập luyện phù hợp.
+ Lắng nghe cơ thể: Nếu bạn bị đau hoặc có bất kỳ triệu chứng mới nào khi tập thể dục, cảm thấy mệt mỏi trong hơn một giờ sau khi tập thể dục, hoặc thực sự đau nhức vào ngày hôm sau… hãy trao đổi ngay với bác sĩ.
- Đối với người mắc các tình trạng bệnh lý khác ngoài hội chứng Cushing có thể ảnh hưởng đến khả năng tập thể dục như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc bệnh tim, hãy tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ về mức độ gắng sức mà bạn nên cảm thấy khi tập thể dục.