Người mang sứ mệnh của giấy dó Việt
Sinh năm 1976, Vũ Thái Bình tốt nghiệp khoa Mỹ thuật Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh. Cũng như nhiều họa sĩ khao khát sáng tạo, Vũ Thái Bình tìm mình qua nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, bột màu, acrylic, lụa… nhưng phải đến năm 2003, khi gặp giấy dó, Vũ Thái Bình mới cất được tiếng nói thẳm sâu trong tâm hồn mình. Và đó là cuộc cất tiếng nói của một người dấn thân, dũng cảm.
Một người can đảm, dấn thân
Giấy dó, chất liệu dó vốn chỉ có ở Việt Nam, nó được làm từ cây dó tự nhiên kết hợp nhựa cây Mò, hai sản vật chỉ có ở nước ta. Ở Lào có cây dó nhưng không có cây Mò, thứ kết dính làm nên giấy dó. Một số nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản không có giấy dó; giấy truyền thống của họ là giấy Xuyến chỉ. Trong lịch sử, giấy dó được biết đến là tài liệu ghi chép gia phả dòng họ. Các đời vua, chúa dùng dó làm sắc phong.
![Họa sĩ Vũ Thái Bình.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_99_51501449/83d69fd2b29c5bc2028d.jpg)
Họa sĩ Vũ Thái Bình.
Thời cận đại, dó được biết đến qua tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàn và các đồ thủ công mỹ nghệ... Sang thời kỳ cận hiện đại, nhiều người yêu dó, yêu chất liệu tự nhiên đặc biệt của dân tộc nên muốn dùng dó để vẽ hoạt, vẽ chơi, nhưng chọn dó để đi con đường hội họa như anh thì không nhiều vì dó là một chất liệu khắc nghiệt. Để thành công là không dễ, nếu không muốn nói là khó.
Không trơn láng, mềm mượt như toan, không xù xì như gỗ, giấy dó có tới mười “bóc” dày mỏng khác nhau, không kiên nhẫn, không thể hiểu đủ đặc tính từng bóc của dó. Điều đó khiến cho người vẽ phải dày công khổ luyện. Chỉ yêu mà không hiểu, chỉ yêu mà không đổ mồ hôi sẽ không thành công với giấy dó. Vẽ trên giấy dó, họa sĩ không có cơ hội sửa sai như trên toan, chỉ một chút bất cẩn, cả bức tranh sắp hoàn thành có thể bị vứt bỏ. Giấy dó không cho người họa sĩ cơ hội vẽ lại. Vẽ trên giấy dó, họa sĩ phải tính toán, phải nương theo ánh sáng của dó tạo ánh sáng cho tranh, nương theo độ “vi tế” tự nhiên của giấy dó để lúc dữ dội, mãnh liệt, lúc khẽ khàng, mỏng manh; vẽ trên giấy dó, họa sĩ phải biết nhường khoảng trống để giấy dó tự cất lời.
Giống như tiếng đàn bầu “sâu lắng, nặng tình dân tộc”, giấy dó mang tính độc huyền của mình, chờ đợi một người đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương để hiểu, yêu và trân quý. Vũ Thái Bình may mắn trở thành “người của dó”. “Tại sao anh phải nhọc lòng đến vậy?”. “Nếu không thế, giấy dó đã hết sứ mệnh của mình; nếu không thế, lãng phí một chất liệu đặc biệt của dân tộc. Chất liệu là một đặc tính văn hóa”, Vũ Thái Bình chia sẻ.
Hành trình đi tìm mình, hành trình tôn vinh một chất liệu dân tộc đã khiến Vũ Thái Bình nhiều lần trả giá. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bức tranh của anh vẽ dở dang đã bị vứt đi, trong tiếc nuối và bất lực, trong hoang mang và cô độc. Nhưng, ở mỗi điểm cuối của hành trình, “Sắc dó 1”, “Sắc dó 2”, “Sắc dó 3”, “Sắc dó 4” (tên 4 triển lãm của Vũ Thái Bình), giấy dó Việt đã thực sự thành hình. Có thể nói, giấy dó Việt đã làm nên một gương mặt khác cho Vũ Thái Bình nhưng cũng chính Vũ Thái Bình đã làm nên một tầm vóc mới cho giấy dó Việt. Với hết thảy tình yêu dịu dàng dành cho chất liệu truyền thống đặc biệt này, Vũ Thái Bình đã từng bước đưa giấy dó Việt trở thành nơi có thể sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm. Giấy dó Việt, qua anh trở nên phong phú, sâu sắc, khác biệt và mạnh mẽ, có khả năng diễn tả được mọi vẻ đẹp độc đáo, đặc sắc, tinh tế của tâm hồn Việt.
![Tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình về cảnh đẹp làng quê Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_99_51501449/ce76d172fc3c15624c2d.jpg)
Tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình về cảnh đẹp làng quê Việt Nam.
Chất liệu Việt chuyển tải tâm hồn Việt
“Cuộc sống đỉnh cao nhất là cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên”. Vũ Thái Bình nói. Hình như anh đang lí giải cho cái động cơ sâu xa để anh từ một người con Hưng Yên, sống Hà Nội, lại bỏ tất thảy để lên gắn bó với miền sơn cước Mộc Châu (Sơn La) cũng như cái động cơ vì sao anh can đảm muốn đi đến tận cùng với dó Việt.
Một trong những căn cốt rất Việt của cha ông chính là tinh thần sống hòa mình vào tự nhiên. Nếu quan sát từ kiến trúc nhà cửa đến sinh hoạt hàng ngày, từ đôi đũa tre dùng bữa cho đến cột, rường, móng… của một ngôi nhà Việt truyền thống luôn gần gũi với chất liệu tự nhiên.
Vũ Thái Bình không chỉ mang tinh thần rất Việt ấy ở chất liệu, mà còn ở chiều sâu của cảm quan nghệ thuật. Xuyên suốt trong sắc dó của Vũ Thái Bình, những câu chuyện anh kể qua dó là những câu chuyện đương đại Việt Nam từ hồn cốt đến phong thái: Một ánh mắt, một vệt nắng, một dáng núi, một dải mây... cách kể ấy đều mang một phong cách rất Việt Nam, không trộn lẫn. Nó là kết quả sáng tạo/ bản hòa tấu của Vũ Thái Bình và dó, bởi thế nó ăn nhập, hài hòa, biến hóa, huyền ảo, tế vi một cách kì lạ. Nói như KTS Đoàn Văn Tuấn là: “Những bức tranh của anh Bình, đôi khi người xem sẽ có cảm giác không biết họa sĩ vẽ hay chính giấy dó mang lại cảm xúc về thị giác vì anh Bình và dó nó là một sự hòa quyện. Rất nhiều tác phẩm của anh Bình để cho dó tự kể chuyện. Những khoảng sáng, những khoảng trắng, nhất là những trọng tâm, những điểm nhấn thì anh không vẽ gì cả và anh để cho giấy dó vẽ thì rõ ràng đó là một sự cộng sinh, cộng hưởng hay là một sự tôn trọng lẫn nhau, tôn vinh lẫn nhau”.
"Cách của tôi là nhuộm giấy và không dùng màu trắng. Vì giấy rất mỏng nên muốn màu tươi thì phải vẽ dày lên, tạo ra những va đập màu sắc thật mạnh. Hơn nữa, với tôi, màu tự nhiên của giấy dó vốn đã rất đẹp nên khi vẽ, tôi không vẽ kín màu mà luôn để chừa những phần giấy nguyên bản. Để lại màu giấy kết hợp với kỹ thuật chồng nhiều lớp bằng phương pháp nhuộm màu đến độ xuyên sang cả 2 mặt khiến màu mới thắm, càng để lâu, càng đẹp”, Vũ Thái Bình chia sẻ. Cái đẹp ấy là cái đẹp của biết, của thấy, của sự tôn trọng, nâng niu, hòa hợp tận cùng với tự nhiên.
![Tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_18_99_51501449/46375833757d9c23c56c.jpg)
Tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình.
Đi qua 20 năm thăng trầm với hành trình tự học, tự mày mò kỹ thuật trên dó, đến nay, có thể khẳng định Sắc dó của Vũ Thái Bình đã chạm được vào những trái tim những người Việt yêu sâu đậm vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ anh, đã bắt đầu một lớp họa sĩ mới, trân quý mọi vẻ đẹp của dân tộc, từ câu chuyện, đến chất liệu thuần Việt mà đến với dó Việt. Khát vọng mở một triển lãm dó Việt ở Châu Âu, hay Mỹ, đã và đang manh nha trong tâm trí Vũ Thái Bình. Và dó Việt, sẽ lại có thêm một con đường thênh thang ra với bạn bè thế giới.
“Vũ Thái Bình là một trong những họa sĩ hiếm hoi thành công nhất về giấy dó ở Việt Nam hiện nay. Thông qua những tác phẩm của Vũ Thái Bình, bản thân giấy dó không còn chỉ là những tác phẩm vẽ theo cảm xúc, vẽ hoạt, vẽ chơi, giấy dó của Vũ Thái Bình đã trở thành một chất liệu hàn lâm, những tác phẩm công phu, kỹ lưỡng và đạt chất lượng rất là cao”, họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhận xét.
Trong thời đại toàn cầu hóa, chỉ những gì dân tộc nhất mới có thể đi đến nơi xa nhất của thế giới, và cuối cùng là đi được đến nhiều trái tim của người yêu mến. Vũ Thái Bình đã làm được điều đó với những bức tranh của anh. Cho đến nay, anh không nhớ tranh của mình đã được bao nhiêu nhà sưu tầm tìm đến, đã đi đến bao nhiêu đất nước; chỉ biết rằng, những bức tranh đó, dù ở Đức, Thụy Sĩ, Nhật, Hàn, đều được treo ở những không gian trang trọng như một dấu ấn đặc biệt của văn hóa Việt Nam.
Họa sĩ Lê Thanh Bình
Thật ra giấy dó đã hàm chứa tất cả hòa sắc tuyệt vời nhất của thiên nhiên, nó đã bao gồm tất cả màu sắc của gió, của không khí, của sương... của tất cả những cái gì thuộc về thiên nhiên và Vũ Thái Bình đã cảm nhận được điều đó rất tốt. Anh đã kết hợp hoàn thiện được những màu sắc đó để nâng tầm giá trị giấy dó lên. Nhiều người nói anh Bình rất khôn ngoan khi chọn giấy dó để vẽ, để nói lên tính nghệ thuật mà anh theo đuổi, anh ấy hoàn thiện, lời nói đó rất đúng nhưng vẫn chưa đủ. Đủ phải là giấy dó đã chọn anh Bình.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/nguoi-mang-su-menh-cua-giay-do-viet-i759373/