Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người nghèo, người có thu nhập thấp là đối tượng đầu tiên cảm nhận rõ ràng nhất gánh nặng mà dịch Covid-19 gây ra với cuộc sống gia đình họ.
Với những người "buôn thúng, bán bưng", nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống của gia đình phụ thuộc phần lớn vào những gánh hàng buôn bán hàng ngày. Mùa dịch Covid-19, khách mua giảm hẳn, gánh nặng cơm áo càng đè nặng hơn lên vai họ
Vẫn biết trong mùa dịch, việc thường xuyên phải ra đường tiểm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe, nhưng vì miếng cơm, manh áo họ vẫn phải hàng ngày phơi mặt ra đường.
Chị Thái - người bán hoa tại khu vực chợ Mai Dịch cho biết, việc bán buôn thời điểm này khá khó khăn. Hoa tươi nếu ế ẩm thì cũng không để được lâu mà phải vứt bỏ. Biết là thế nhưng không buôn bán thì cũng chẳng biết làm gì khác để trang trải chi phí hàng ngày của gia đình.
Người ra đường ít hơn, khách đi xe thưa vắng, nhiều người chạy xe ôm vạ vật đợi khách.
Hình ảnh một cụ bà thu gom đồng nát ngủ gục tại một nhà chờ xe buýt vắng người.
Người phụ nữ thu gom đồng nát đạp xe trên con phố vắng vẻ tại Thủ đô Hà Nội.
Những người hành nghề xe ôm, chở hàng thuê vẫn phải ra đường để kiếm thêm thu nhập.
Một phụ nữ bán rau quả rong tại khu vực phố cổ Hà Nội.
Một phụ nữ bán trứng gà giao đến tận nhà những khách mua. "Có khách hỏi mua là mừng rồi", chị cho biết.
Bán buôn vắng khách, những người bán hàng rong này cũng dè chừng lực lượng chức năng xử phạt bởi thời điểm này đang trong thời gian cách ly xã hội, những người không cần thiết ra đường được yêu cầu ở nhà.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người yếu thế trong xã hội, những người có thu nhập thấp, mất việc. Do đó, Nhà nước, với các nguồn lực khác nhau, phải tìm mọi cách để hỗ trợ các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu, không để “đói cơm lạt muối”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải chú ý các đối tượng thu nhập bị giảm sâu, mất việc làm, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu bởi dịch Covid-19, trước hết là cho người nghèo, cận nghèo, người có công.
Trước đó, Chính phủ đã công bố dự thảo gói hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 61.600 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 35.900 tỷ đồng; có 6 nhóm sẽ được nhận hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội này, trong đó ưu tiên những người mất việc, giảm sâu thu nhập.
Theo ước tính, có khoảng 984.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ từ Chính phủ. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách là 6.730 tỷ đồng.
Hoàng Lâm/VOV.VN