Người nhạc sĩ đi qua bom đạn để viết nên 'Bài ca bên cánh võng'

Giữa khói lửa Trường Sơn, nhạc sĩ Nguyên Nhung vừa cầm súng chiến đấu vừa sáng tác những giai điệu đi cùng năm tháng. 'Bài ca bên cánh võng' không chỉ là lời ru của người lính, mà còn là khúc tráng ca thấm đẫm ký ức và lòng yêu nước bất diệt.

Nguyên Nhung là một nhạc sĩ quân đội, sinh ngày 15/11/1933 tại xã Quảng Hòa – Quảng Trạch – Quảng Bình trong một gia đình làm nông. Năm 1948, Nguyên Nhung được tuyển vào trường trung học Phan Bội Châu tại Quảng Bình. Năm 1950, nhập ngũ vào Trung đoàn 18 thuộc mặt trận Bình – Trị – Thiên. Cuộc đời chiến sĩ đã dẫn Nguyên Nhung đi nhiều nơi… vừa cầm súng trực tiếp chiến đấu vừa cùng với cây đàn, giọng hát phục vụ đồng đội.

Năm 1954, Nguyên Nhung về đội văn nghệ của Sư đoàn 325 và những sáng tác đầu tiên của ông đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ của sư đoàn như tốp ca “Chiến đấu bảo vệ mùa”, “Thao trường rộn ràng”… Nhưng chỉ sau khi theo học với chuyên gia âm nhạc Triều Tiên năm 1957, Nguyên Nhung mới thực sự bước vào sự nghiệp sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp với các ca khúc: “Đứng gác dưới trăng”, “Tôi đi tìm anh”, “Cô gái bên sông”…

Nhạc sĩ Nguyên Nhung

Nhạc sĩ Nguyên Nhung

Năm 1958, nhạc sĩ Nguyên Nhung công tác ở đoàn văn công Tây Bắc, ông đã tìm hiểu và khai thác thành công chất liệu dân ca nơi đây đưa vào những ca khúc: “Chiếc đàn môi”, “Từ trên đỉnh núi”… Những bài hát này đã nhanh chóng phổ biến rộng rãi từ Tây Bắc tới đồng bằng.

Năm 1960, Nguyên Nhung về đoàn văn công Tổng cục Chính trị, trong khí thế cách mạng lúc đó, tham gia cuộc thi: Cờ Ba nhất – Sóng Duyên hải – Gió Đại phong do Đài phát thanh TNVN tổ chức, ông đã viết tác phẩm “Cờ Ba nhất phấp phới bay” – tác phẩm đã đạt giải nhất.

Năm 1968, sau khi tốt nghiệp đại học sáng tác tại trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc), nhạc sĩ Nguyên Nhung đi vào thực tế chiến đấu và viết liên tục những ca khúc mang hơi thở cuộc sống, khí thế chiến đấu: “Khe Sanh”, “Thành Vinh ra trận”, “Đêm Gio Cam” và những ca khúc ca ngợi con người, những vùng đất kiên cường đánh Mỹ: “Bài ca bên cánh võng”, “Cô gái làng Đỏ”, “Tổ quốc”…

Về hình thức thanh nhạc lớn, nhạc sĩ Nguyên Nhung có 7 hợp xướng đề tài bám sát lịch sử cách mạng từ “Mặt trời chiếu sáng miền Tây Bắc” (1961); tới “Tiến theo con đường của Bác” (1969); “Nhật ký trong tù” (1971); “Ngọn cờ chiến thắng” (1971); “Việt Nam máu và hoa” (1973) và hợp xướng 7 chương “Giải phóng” (1979). Ngoài ra, Nguyên Nhung còn viết một số tác phẩm khí nhạc trong đó phải kể tên bản “Giao hưởng số 1” (1968) và “Hành khúc tưởng niệm” (1971).

Về bài hát “Bài ca bên cánh võng”, tôi đã được nghe nhạc sĩ Nguyên Nhung kể: tác phẩm được viết trong một chuyến tôi đi vào Trường Sơn (B5), đây là một tuyến đường phải nói là khốc liệt nhưng cũng rất anh hùng với nhiều phẩm chất khác nhau của người lính chúng ta, đó là sự chịu đựng gian khổ và tình đồng đội… bao trùm lên tất cả là tinh thần phấn khởi và rất hào hùng.

Sau khi vào đó, tôi liền có một ý nghĩ là viết một bản hợp xướng lớn về Trường Sơn. Trong các chương phải có một chương nói về cuộc sống nội tâm của người chiến sĩ, đó là “Bài ca bên cánh võng”. Nghĩ đến đó thì tôi thấy chủ đề “Bài ca bên cánh võng” hấp dẫn tôi rất nhiều, vì thế tôi tập trung viết đầu tiên bởi cũng còn một lý do nữa là thường những bài đơn ca trong các chương hợp xướng cấu tạo rất tinh tế, viết phải nắn nót, cẩn thận hơn. Tôi cho rằng đó là một chương khó nhất và phải viết đầu tiên, từ khi suy nghĩ và viết cũng phải trong 3–4 ngày.

Khi viết xong thì cũng nhân dịp liên hoan tiếp xúc với bộ đội Trường Sơn, anh em đề nghị tác giả trình bày một sáng tác mới, thế là tối hôm đó trong một cái hang của Bộ tư lệnh Trường Sơn, dưới một ngọn đèn dầu tôi đã hát “Bài ca bên cánh võng”. Khi tôi trình bày xong, tất cả cán bộ chiến sĩ đều vỗ tay và yêu cầu hát lại. Sau đó, bài hát đã được truyền đi từ đoàn văn công Quân khu 4 đến đoàn ca múa TCCT và tiếp đó đã phổ biến rộng rãi nhiều nơi…”

Năm 2001, chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” của Ca nhạc theo YCTG đã chọn ca khúc “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sĩ Nguyên Nhung để thính giả viết cảm nhận. Từ trạm y tế thị trấn Đồng Lê – Tuyên Hóa – Quảng Bình, bạn Đặng Ngọc Thành đã gửi cho Ca nhạc theo YCTG lá thư viết ngày 08/11/2001, trong đó có đoạn:

“Đây là một trong số những bài hát em tâm đắc nhất viết về Trường Sơn, do đó khi nghe bài hát vang lên trong lòng em lại trào dâng một cảm xúc mạnh mẽ. Lúc còn nhỏ nằm trên chiếc võng Trường Sơn, một kỷ vật thiêng liêng của bố em thời chống Mỹ, nghe tiếng võng đưa trong những đêm gió mát, bố em thường hát: 'Chiều Trường Sơn dào dạt võng đưa' để ru em ngủ…

Giai điệu bài hát cứ êm đềm như lời ru làm cho em ngủ ngon lành. Đêm nào cũng vậy, đời ông là lính nên không thuộc những lời ru như các bà mẹ nhưng với những bài hát mà ông mang ở chiến trường về cũng đủ ru cho những đứa con ngủ. Bởi thế tuổi thơ em hầu như đắm mình trong những ca khúc cách mạng mà trong đó nhiều nhất là những ca khúc viết về Trường Sơn. Sau này khi lớn lên, có nhiều đêm em ngồi cùng bố ngắm sao trời, thấy ông cứ dõi mắt về núi Trường Sơn xa xăm như nhớ về những kỷ niệm của một thời, nhớ về những đồng đội… và ông kể: ngày đó ở núi rừng vất vả lắm, hành trang người lính chỉ có chiếc ba lô, chiếc võng dù và cây gậy. Đêm ngày hành quân, đến đâu thì mắc võng ngủ lại đó. Nằm võng cong lưng, lâu ngày nên khi mới về nằm lại giường thấy khó khăn, lại nhớ đến chiếc võng. Vì lẽ đó mà võng và người đã gắn bó với nhau như người bạn chung thủy keo sơn…”

Khép lại dòng cảm nhận của mình về bài hát “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sĩ Nguyên Nhung, bạn Đặng Ngọc Thành viết:

“Bài hát chậm rãi êm đềm như dòng suối chở ánh trăng chiều nơi núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, cùng với những bài ca Trường Sơn đã và mãi được thế hệ trẻ hôm nay hát vang say sưa và trân trọng”.

Ánh Quyên/VOV Cựu BTV chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/nguoi-nhac-si-di-qua-bom-dan-de-viet-nen-bai-ca-ben-canh-vong-post1194924.vov