Người phụ nữ bị nhiễm độc nhôm khi sử dụng phèn chua chữa hôi nách

Bệnh nhân M.T.L chia sẻ khoảng 10 năm nay, bà thường xuyên sử dụng phèn chua rang lên, tán bột và bôi nách ngày 2 lần để chữa hôi nách.

Sử dụng phèn chua rang, tán bột chữa hôi nách

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin hai tháng trước khi nhập viện, nữ bệnh nhân M.T.L (64 tuổi, Thanh Hóa) liên tiếp xuất hiện tình trạng ngứa lòng bàn chân, tay, toàn thân mà không có các nốt ban hay sẩn mề đay. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi, cả các chuyên khoa điều trị dị ứng không đỡ.

Với tiền sử sử dụng phèn chua nhiều năm để chữa hôi nách, bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ nhôm trong máu và nước tiểu cao hơn mức cho phép. Theo tiêu chuẩn nồng độ nhôm trong máu không được quá 12mcg/lít và nước tiểu phải dưới 12mcg/24h.

Công thức hóa học và các hình dạng của phèn chua.

Công thức hóa học và các hình dạng của phèn chua.

Với bệnh nhân M.T.L, chỉ số trong máu 12,5mcg/lít và nước tiểu 47,37mcg/24h. Điều đặc biệt, chức năng thận của bệnh nhân vẫn bình thường, nghĩa là nồng độ nhôm trong cơ thể tăng không phải do suy thận.

Theo chia sẻ của người bệnh, khoảng 10 năm nay, bà thường xuyên sử dụng phèn chua rang lên, tán bột và bôi nách ngày 2 lần để chữa hôi nách. Đây là một mẹo chữa dân gian được nhiều người sử dụng, lan truyền. Bản thân bà không hề nghĩ đến nguy cơ bị nhiễm độc.

BS.Nguyên chia sẻ: "Đây là trường hợp rất hi hữu, lần đầu tiên trung tâm tiếp nhận ca nhiễm độc nhôm từ bên ngoài xâm nhập qua da và nguyên nhân lại từ một thứ rất quen thuộc, thông dụng, được sử dụng rộng rãi. Phèn chua là muối sunfat kali nhôm".

Sau thời gian điều trị gần một tháng từ 17/6 đến 12/7, tình trạng bệnh nhân M.T.L đã được cải thiện. Bệnh nhân được ra viện, uống thuốc ngoại trú và khám lại định kỳ.

Chuyên gia chống độc khuyến cáo

Trên thực tế, hợp chất nhôm vẫn được sử dụng để bào chế và chữa bệnh như các thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày tá tràng để điều trị các bệnh lý dạ dày, chữa mùi hôi cơ thể.

Nhôm và các hợp chất của nhôm cũng thường được dùng trong chất phụ gia thực phẩm, trong dược phẩm, trong các sản phẩm tiêu dùng (như đồ dùng nhà bếp) và trong xử lý nước uống (các chất lắng lọc nước…).

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu cho đến nay, lượng nhôm vào cơ thể từ những nguồn này là không đáng kể, nếu những vật dụng, phụ gia, dược phẩm được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn và sử dụng đúng chỉ định, liều lượng.

"Nhiễm độc nhôm thường xảy ra trong môi trường lao động nghề nghiệp, các ngành công nghiệp. Người hay phải tiếp xúc với nhôm, hít phải bụi nhôm, tiếp xúc và nuốt phải. Những người bị suy thận, chạy thận nhân tạo nguy cơ nhiễm độc nhôm cao hơn.

Trường hợp này qua da và chức năng thận hoàn toàn bình thường, rất hiếm gặp", BS. Nguyên chia sẻ thêm.

Khi nhôm vào cơ thể thì tích lũy và gắn chặt ở xương, nên việc đào thải, khai trừ nhôm ra khỏi cơ thể rất khó khăn và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, nhiễm độc nhôm gây bệnh thiếu máu nhược sắc hồng cầu giống như bệnh thiếu sắt nhưng chữa không tác dụng.

Gây chứng nhuyễn xương (osteomalacia), bệnh lý não (biểu hiện rối loạn về phát âm, nói khó, nói lắp, câm, bất thường điện não, giật cơ, co giật, sa sút trí tuệ, khó giữ tư thế và thăng bằng).

Trường hợp bệnh nhân trên, dùng phèn chua rang khô lên và tán bột bôi, ở đây hàm lượng nhôm rất cao, lại bôi nhiều năm, có thể không tránh khỏi có lúc da bị viêm, mụn hoặc vết xước,…nên nhôm càng dễ hấp thu vào cơ thể. Đây có thể là các lý do dẫn tới nhiễm độc nhôm.

Bác sĩ khuyến cáo với phèn chua, người dân không nên bôi kéo dài trên da, nên dùng các sản phẩm chăm sóc da thì có hàm lượng nhôm thấp hơn nhiều. Người bị bệnh dạ dày tá tràng nên đi khám bệnh và được bác sĩ kê đơn an toàn, không tự dùng các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày kéo dài, đặc biệt khi có suy thận.

Hoàng Thị Bích

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-bi-nhiem-doc-nhom-khi-su-dung-phen-chua-chua-hoi-nach-204240801102501738.htm