Người phụ nữ mất cơ hội làm mẹ sau khi chữa u xơ tại phòng khám tư
Sau thời gian điều trị u xơ tử cung bằng cách châm kim hút máu, người phụ nữ bị hoại tử, nhiễm trùng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh nhân N.T.Q. (29 tuổi, ngụ tại Bình Dương) nhập viện trong tình trạng tình trạng sốt cao, lạnh run, mạch nhanh, bụng chướng to và đau khắp bụng.
Toàn bộ bề mặt da bụng phía trên khối u bị hoại tử, nhiễm trùng, lở loét, chảy mủ vàng đục, có mùi hôi và xuất hiện các đường rò từ bề mặt da vào trong ổ bụng. Các bác sĩ xác định chị Q. có một khối u xơ tử cung to, tương đương thai khoảng 7 tháng tuổi.
Trước đó, chị Q. được chẩn đoán u xơ tử cung tại một bệnh viện ở TP.HCM. Được chỉ định mổ nhưng sợ “động dao kéo”, người phụ nữ từ chối điều trị và đến một phòng khám tư nhân theo giới thiệu của người quen.
Tại đây, chị được nhân viên phòng khám điều trị bằng cách mỗi ngày dùng kim đâm trực tiếp vào khối u để hút máu ra ngoài, giúp khối u teo nhỏ lại. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện phương pháp này, khối u không nhỏ lại mà còn phình to hơn.
Vùng da bụng bị lở loét, tiết dịch và chảy mủ gây đau đớn. Lúc này, nhân viên tại phòng khám lo sợ và khuyên chị nhanh chóng đến bệnh viện.
Bác sĩ Dung cho biết ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, kháng sinh liều cao để ngăn chặn nhiễm trùng, sau đó chuyển vào phòng mổ để cắt bỏ toàn bộ tử cung.
Sau 2 giờ, khối u nặng khoảng 2,6 kg được cắt bỏ. Kết quả sinh thiết cho thấy khối u xơ lành tính. Người bệnh được xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật, tình trạng sức khỏe ổn định.
U xơ tử cung là bệnh lý lành tính thường gặp ở phụ nữ. Khoảng 20-30% phụ nữ trên 30 tuổi mắc bệnh lý này. Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nếu bệnh nhân trẻ tuổi, phương pháp điều trị bảo tồn tử cung sẽ được cân nhắc.
“Đây là trường hợp đáng tiếc vì điều trị phản khoa học khiến bệnh nhân phải cắt toàn bộ tử cung khi chưa kịp mang thai”, bác sĩ Dung nói.