Người phụ nữ Tày khéo làm trang phục Pà Thẻn

Chị Ma Thị Bấm, là người Tày, xã Minh Quang (Chiêm Hóa) về làm dâu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) đã gần 20 năm nay. Nhờ sự khéo léo, chịu khó, chị đã học được cách thêu, dệt truyền thống của đồng bào Pà Thẻn và hướng dẫn, dạy lại cho chị em trong thôn.

Chị em phụ nữ Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang bên khung dệt.

Chị em phụ nữ Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang bên khung dệt.

Thôn Thượng Minh có 170 hộ, trong đó có trên 90% số hộ là đồng bào Pà Thẻn. Ban đầu, về làm dâu chị cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng được mọi người trong gia đình yêu thương, bảo ban, dần dần chị cũng đã quen với những phong tục truyền thống và nếp sống của đồng bào Pà Thẻn. Trong các phong trào, hoạt động của thôn, đặc biệt là phong trào phụ nữ, chị đều nhiệt tình tham gia.

Là người năng động, trách nhiệm trong công việc, năm 2019, chị được chị em trong thôn tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn. Nhận thấy nghề dệt thổ cẩm trong thôn có nguy cơ bị mai một, Hội LHPN xã đã phối hợp mở các lớp dạy nghề dệt ở thôn. Chị Bấm đã tích cực tham gia lớp học, đồng thời tuyên truyền, vận động chị em trong thôn tham gia. Nhờ sự chăm chỉ, khéo léo, ham học hỏi, dần dần chị đã có thể dệt thành thạo và làm hoàn chỉnh một bộ trang phục Pà Thẻn.

Chị Bấm cho biết, so với bộ trang phục của đồng bào Tày, bộ trang phục Pà Thẻn cầu kỳ hơn. Một bộ trang phục thường có váy, áo khoác, yếm, mũ đội đầu, dây lưng. Điểm nhấn của bộ trang phục là các hoa văn như con chó, con rồng, mắt cua… đều được thêu, dệt thủ công. Theo người cao tuổi trong thôn, đó là những hoa văn gắn với đời sống đồng bào Pà Thẻn từ xa xưa. Để có thể làm hoàn chỉnh một bộ trang phục phải mất hơn 2 tháng nếu làm liên tục, còn làm tranh thủ phải vài tháng mới xong. Tuy vậy, chị em trong thôn rất vui vì đã có thể tự tay làm trang phục cho mình, để diện trong các ngày lễ, Tết.

Chị Ma Thị Bấm (thứ nhất bên trái) bên khung dệt.

Chị Ma Thị Bấm (thứ nhất bên trái) bên khung dệt.

Sau các lớp học, chị Bấm cùng BCH Chi hội Phụ nữ thôn đã duy trì nghề dệt thổ cẩm và làm trang phục truyền thống. Những chị em nào có nhu cầu học, chị lại tận tình hướng dẫn, giúp đỡ để chị em có thể làm thành thạo. Dần dần, trong thôn ngày càng có thêm nhiều chị em biết thêu và làm trang phục truyền thống. Sản phẩm không chỉ để phục vụ đời sống, còn phục vụ nhu cầu làm quà lưu niệm của khách du lịch.

Chị Sìn Thị Thơm, thôn Thượng Minh nói, nhờ có lớp học và được chị Bấm hướng dẫn mà chị và chị em trong thôn đã biết dệt ngày một đẹp hơn. Ngoài làm trang phục, chị em còn dệt khăn và một số sản phẩm khác để bán cho khách đến tham quan, du lịch, góp phần tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống.

Chị Bấm phấn khởi chia sẻ, đầu tháng 11 vừa qua, chị cùng các chị em trong thôn đã được cùng đoàn của tỉnh tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc dưới 10.000 người tại tỉnh Lai Châu. Các chị cùng đoàn đã tham gia nhiều hoạt động giàu bản sắc, trong đó có trình diễn nghề thêu, dệt truyền thống và đạt giải A.

Để nghề dệt thổ cẩm, làm trang phục của đồng bào Pà Thẻn không bị mai một, trong thời gian tới, chị Bấm và BCH Chi hội Phụ nữ thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang tiếp tục hướng dẫn cho các chị em phụ nữ, đặc biệt là các bạn trẻ trong thôn học nghề. Qua đó, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn tạo việc làm và thu nhập cho người dân ở địa phương.

Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/!trang-phuc/nguoi-phu-nu-tay-kheo-lam-trang-phuc-pa-then-182903.html