Người thương binh vươn lên từ gian khó
ĐTO - Trở về cuộc sống đời thường với tỷ lệ thương tật 91%, cựu chiến binh, thương binh Lê Thanh Hùng (SN 1965) ngụ xã Phong Mỹ (tỉnh Đồng Tháp) luôn nỗ lực vượt qua số phận, phát huy phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” để lao động, sản xuất vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Thương binh Lê Thanh Hùng luôn nỗ lực vượt khó
Nỗ lực vượt khó
Sinh ra và lớn lên tại Ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (nay là xã Phong Mỹ), năm 1985, ông Lê Thanh Hùng tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam. Trong khi làm nhiệm vụ, ông bị thương nặng, đôi chân giập nát buộc phải cắt bỏ. Ông được chuyển về Đoàn an điều dưỡng để điều trị. Nơi đây, ông nhận được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là điều dưỡng Đào Thúy Vân (SN 1959), người luôn bên cạnh động viên, giúp ông vượt qua những tháng ngày đau đớn. Từ sự đồng cảm và sẻ chia, tình yêu giữa 2 người dần nảy nở. Cuối năm 1986, ông Hùng xuất ngũ trở về quê nhà với tỷ lệ thương tật 91%, được công nhận là thương binh hạng 1/4. Sau đó, ông Hùng và bà Vân chính thức nên duyên vợ chồng.
Ông Lê Thanh Hùng nhớ lại: “Những ngày đầu, vợ chồng tôi sống cùng cha mẹ trong căn nhà lá xiêu vẹo. Dù được Nhà nước cấp 10 công ruộng, nhưng đất phèn nặng, trồng lúa thất mùa triền miên. Tôi lại bị mất cả 2 chân, đi lại vô cùng khó khăn. Vợ tôi trở thành lao động chính, làm nghề quét cám, gạo tại một nhà máy xay lúa để mưu sinh. Năm 1988, con gái đầu lòng của chúng tôi chào đời, rồi 3 năm sau, sinh thêm con trai. Gánh nặng mưu sinh ngày càng đè nặng lên vai vợ tôi, khi vừa phải chăm sóc con nhỏ, vừa lo chi phí sinh hoạt. Cuộc sống gia đình tôi đã khó, lại càng thêm chật vật”.
Không khuất phục trước nghịch cảnh, bằng ý chí, nghị lực của người lính và khắc ghi lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông Lê Thanh Hùng đã vươn lên, vượt qua những năm tháng cơ cực bằng chính sức lao động và quyết tâm của mình. Mỗi ngày, ông tập đi bằng cách chống 2 tay vào chiếc ghế ngồi, từng bước lần mò từ trong nhà ra vườn, ra ruộng, rồi xuống xuồng. Không ngại khó, ngại khổ, ông Hùng tự bơi xuồng đi giăng câu, thả lưới, bắt ốc đem bán kiếm tiền phụ giúp vợ trang trải cuộc sống. Có khi ông đi giăng lưới bị lật xuồng, suýt chết mấy lần vì đuối nước. Trong khi đó, vợ ông là bà Đào Thúy Vân nuôi thêm heo, gà, vịt và làm ruộng. Nhờ chịu thương, chịu khó, kinh tế gia đình ông Hùng dần ổn định. Việc canh tác 10 công ruộng thuận lợi giúp vợ chồng ông tích lũy được một khoản vốn. Đến năm 1998, ông Hùng mua thêm 11 công ruộng và cất được căn nhà nhỏ làm nơi an cư lạc nghiệp, đánh dấu bước chuyển mình vững chắc sau thời gian miệt mài vượt khó.
Năm 2000, nhận thấy việc làm ruộng thường xuyên gặp rủi ro do thất mùa, giá cả bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp, ông Lê Thanh Hùng quyết định chuyển hướng sang nuôi thủy sản. Ban đầu, ông thử nghiệm nuôi cá lóc, sau đó mở rộng sang nuôi cá trắng, rồi cá tra bột. Đến năm 2008, ông phát triển mô hình kinh tế tổng hợp “vườn - ao - chuồng”. Trên bờ, ông trồng cây ăn trái; dưới ao, nuôi cá trê; trên mặt ao, dựng chuồng nuôi gà công nghiệp. Mô hình này mang lại thu nhập ổn định, trung bình trên 70 triệu đồng/năm.
Không dừng lại đó, ông Hùng tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bằng việc nuôi thêm dê thịt và trồng 7 công mít để đa dạng hóa nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ kinh tế khấm khá, ông tích lũy được một khoản vốn đáng kể. Sau đó, ông chuyển nhượng lại 10 công đất được Nhà nước cấp trước đây và mua lại 14 công ruộng gần nhà để thuận tiện cho việc canh tác và chăm sóc lúa.
Từ năm 2024 đến nay, nhận thấy giá dê thịt không ổn định nên ông Hùng nghỉ nuôi dê, chủ yếu chăm sóc vườn mít, làm ruộng và thực hiện thêm mô hình nuôi trăn bán thịt. Dù không còn đôi chân lành lặn, nhưng ngày nào ông cũng kiên trì phụ vợ chăm sóc vườn mít, đồng ruộng. Ngồi trên chiếc xe lắc, ông rong ruổi khắp vườn để rải phân, cắt cỏ, cắt nhánh... Từng công đoạn đều được ông thực hiện một cách tỉ mỉ và đầy tâm huyết. Những năm đầu trồng mít, do thiếu kinh nghiệm, vườn cho trái kém chất lượng, sản lượng thấp, giá bán không cao. Không nản chí, ông Hùng chủ động tìm tòi kiến thức qua sách báo, mạng xã hội, đồng thời học hỏi kỹ thuật từ các nông dân trồng mít có kinh nghiệm. Nhờ sự chịu khó, tinh thần cầu tiến và ý chí bền bỉ, ông dần nắm bắt được quy trình kỹ thuật, cải thiện cách chăm sóc và xử lý cây trồng. Từ đó, vườn mít của gia đình ngày càng phát triển, cho năng suất cao hơn qua từng vụ, chất lượng trái cũng được nâng lên rõ rệt.
Lan tỏa tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”
Mỗi mô hình kinh tế mà ông Lê Thanh Hùng thực hiện không chỉ mang lại hiệu quả mà còn thể hiện rõ ý chí, nghị lực vươn lên của người thương binh “tàn nhưng không phế”. Hiện tại, với 7 công mít đang cho trái ổn định, khoảng 5 - 7 ngày thu hoạch một lần. 14 công ruộng với 3 vụ lúa/năm, giúp gia đình ông duy trì thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Hiện ông đang nuôi trên 30 con trăn, dự kiến đến năm 2026 sẽ xuất bán lứa đầu tiên.
Nhờ sự cần cù, chịu khó và tinh thần lao động không mệt mỏi, đến nay, cuộc sống gia đình ông đã ổn định và khá giả. Các con đều trưởng thành, con gái lớn và con trai đã lập gia đình và có cuộc sống riêng ổn định. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hùng còn là hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do Hội Cựu chiến binh các cấp phát động. Đồng thời luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng mít, chăn nuôi với bà con và các hội viên trong ấp, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.
Thương binh Lê Thanh Hùng bộc bạch: “Lúc mới về địa phương, tôi từng rất mặc cảm, buồn tủi vì cơ thể không còn lành lặn như trước, không thể đi đứng như bao người khác. Nhưng rồi tôi nhận ra, mình vẫn còn may mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại chiến trường, nên càng phải biết trân trọng cuộc sống. Từ đó, tôi cố gắng vươn lên”.
Chính sự động viên, yêu thương từ gia đình và sự quan tâm kịp thời, chân tình của Hội Cựu chiến binh các cấp, chính quyền địa phương đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, tiếp thêm nghị lực để ông Hùng vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế, góp phần lan tỏa cảm hứng, truyền tải những giá trị tích cực trong xã hội. Những cố gắng, nỗ lực của thương binh Lê Thanh Hùng trong thời gian qua được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương đánh giá cao, được Hội Cựu chiến binh các cấp biểu dương, khen thưởng.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/nguoi-thuong-binh-vuon-len-tu-gian-kho-133110.aspx