Người tị nạn Ukraine ở châu Âu ra sao?

Những người tị nạn Ukraine ở châu Âu gặp không ít rào cản nhưng đồng thời cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người dân và chính phủ các nước.

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), hơn 8 triệu người tị nạn Ukraine (chiếm khoảng 18% dân số của nước này) đã đi sang các nước châu Âu kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022.

Lượng lớn người tị nạn Ukraine đổ sang các nước châu Âu trong thời gian ngắn đã đặt ra không ít khó khăn cho các quốc gia này. Bên cạnh đó, bản thân những người tị nạn cũng gặp nhiều rào cản về mặt ngôn ngữ, văn hóa.

Giữa những khó khăn bủa vây, nhiều người Ukraine tha hương đã nhận được những trợ giúp, nhờ vào chính sách của các nước và lòng tốt của người dân bản địa.

Người tị nạn Ukraine đến Ba Lan vào tháng 3-2022. Ảnh: REUTERS

Người tị nạn Ukraine đến Ba Lan vào tháng 3-2022. Ảnh: REUTERS

Khó khăn bủa vây

Theo một cuộc khảo sát của UNHCR với 17.750 người tị nạn Ukraine, 15% người được hỏi sẵn sàng trở về nước để gặp người thân. Cũng theo nghiên cứu này, đại đa số thường dân chạy trốn xung đột là phụ nữ trên 35 tuổi có con nhỏ.

Trong một cuộc khảo sát khác do Cơ quan về Quyền cơ bản của EU (FRA) thực hiện với hơn 14.600 người Ukraine ở 10 nước châu Âu, 61% người được hỏi cho biết họ cảm thấy lạc quan về tương lai kể từ khi đến các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, chỉ 1/3 trong số những người tham gia khảo sát tìm được việc làm có lương và chỉ 1/3 số người được hỏi cho biết họ muốn quay về quê hương theo tờ Politico.

Ba Lan và Đức là những quốc gia đón nhiều người tị nạn từ Ukraine nhất.

Theo đài Euronews, hơn 1 triệu người Ukraine đã đến tị nạn ở Đức kể từ khi xung đột nổ ra. Mặc dù chính phủ Đức đã đề ra các biện pháp hỗ trợ người tị nạn, nhưng tình trạng thiếu nhà ở, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Berlin, vẫn là vấn đề nan giải với nhà chức trách nước này.

Các tình nguyện viên đón người tị nạn Ukraine tại một ga tàu ở Berlin, Đức. Ảnh: REUTERS

Các tình nguyện viên đón người tị nạn Ukraine tại một ga tàu ở Berlin, Đức. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, theo tổ chức Vitsche - tổ chức chuyên hỗ trợ người tị nạn Ukraine có trụ sở tại Berlin, những người tị nạn còn đang phải đối mặt nhiều vấn đề khác.

Bà Krista-Mariya Läbe - người phát ngôn của Vitsche - cho biết người tị nạn Ukraine gặp khó khăn “khi tìm việc làm, trường học và nhà trẻ. Nếu không có nhà trẻ thì các bà mẹ không thể tham gia các khóa học hòa nhập và các khóa học ngôn ngữ. Do đó, họ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm”.

Theo một cuộc khảo sát của OECD, khoảng 60% người Ukraine tị nạn ở Đức coi ngôn ngữ là thách thức lớn nhất trong việc hòa nhập môi trường mới. Phần lớn người tị nạn Ukraine có trình độ học vấn cao, nhưng hầu hết cũng là phụ nữ. Họ thường có con nhỏ nên gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc.

Nhiều người Ukraine cho biết những việc đơn giản như mở tài khoản ngân hàng cũng là một thách thức. Điều này được cho là do nhiều người trong số họ không có giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh khả năng thanh toán nợ.

Nhiều sự giúp đỡ

Theo trang The Conversation, hơn 8 triệu người tị nạn Ukraine đã đến lãnh thổ Ba Lan kể từ tháng 2 năm 2022. Đến cuối tháng 2-2023, khoảng 1,5 triệu người trong số này vẫn còn ở lại Ba Lan.

Do tiếp nhận số lượng người tị nạn Ukraine lớn, Ba Lan đã nhận được 123 triệu euro từ Quỹ Tị nạn, Di cư và Hội nhập (AMIF) của EU, theo trang tin Euractiv.

Người tị nạn Ukraine sau khi đến nhà ga Nyugati ở Budapest, Hungary vào tháng 2-2022. Ảnh: AP

Người tị nạn Ukraine sau khi đến nhà ga Nyugati ở Budapest, Hungary vào tháng 2-2022. Ảnh: AP

Theo Viện Kinh tế Ba Lan, công dân nước này đã cung cấp khoảng 1 tỉ USD tiền trợ giúp cho người tị nạn Ukraine. Chính phủ Ba Lan ước tính các hộ gia đình đã cho khoảng 1,6 triệu người tị nạn Ukraine ở nhờ kể từ khi xung đột nổ ra.

Vào tháng 3-2022, chính phủ Ba Lan đã thông qua Đạo luật về Viện trợ cho công dân Ukraine. Theo đó, đạo luật mang lại cho những người tị nạn Ukraine nhiều quyền lợi, bao gồm quyền được sống ở Ba Lan, làm việc hợp pháp và được chăm sóc sức khỏe miễn phí.

Hơn 200.000 trẻ em Ukraine được theo học tại các trường học của Ba Lan. Đến tháng 5-2022, khoảng 5.700 người Ukraine đã nộp đơn vào các trường đại học Ba Lan. Các trường này đã cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính, miễn học phí cho những sinh viên trúng tuyển.

Tại CH Czech, những người tị nạn Ukraine đã nhanh chóng hòa nhập với xã hội và người dân bản địa. Theo đài DW, hàng trăm nghìn công dân Czech sẵn sàng dành thời gian rảnh của mình để giúp người Ukraine hòa nhập với cuộc sống mới.

Cô Tereza Matonohova là một trong những tình nguyện viên như vậy.

Cô Matonohova tổ chức một lớp học ngôn ngữ và kiến thức cơ bản về Czech cho những người tị nạn Ukraine. Các buổi học của cô tập trung vào vấn đề nhà ở và tìm việc làm ở Czech. Một giáo viên có kinh nghiệm khác cũng được phân công dạy ngôn ngữ cho những người tị nạn.

Nhờ có những tình nguyện viên như cô Matonohova, Czech đã có thể kiểm soát được dòng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử của mình.

Trẻ em Ukraina trong một lớp học ở Prague, Cộng hòa Czech. Ảnh: DPA

Trẻ em Ukraina trong một lớp học ở Prague, Cộng hòa Czech. Ảnh: DPA

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Czech đã cung cấp nơi ở tạm thời cho gần 500.000 người tị nạn.

Trong đó, hơn 100.000 người Ukraine đã tìm được việc làm tại Czech và 90% trẻ em tị nạn người Ukraine (khoảng 50.000 em) đang được theo học tại các trường học của nước này. Số trẻ này hiện chiếm khoảng 5% dân số trẻ em của Czech.

Theo Bộ Tài chính Czech, tổng chi tiêu cho người tị nạn Ukraine cho đến cuối tháng 1-2023 là 28,5 tỉ koruna Czech (khoảng 1,27 tỉ USD). Tuy nhiên, những người tị nạn Ukraine có đóng góp cho Czech. Theo DW, chính phủ Czech đã thu được khoảng 350 triệu euro tiền thuế từ những người lao động Ukraine.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-ti-nan-ukraine-o-chau-au-ra-sao-post727295.html