Người tiêu dùng ngóng hàng hóa giảm giá

Giá xăng, dầu giảm liên tục trong thời gian gần đây, dù vậy giá cước của nhiều hãng vận tải vẫn giữ mức cao. Bên cạnh đó, các mặt hàng tiêu dùng vẫn đắt đỏ khiến người tiêu dùng thiệt thòi.

Giá cả các mặt hàng rau quả ở các chợ Hà Nội vẫn ở mức cao. Ảnh: Việt Khánh.

Giá cả các mặt hàng rau quả ở các chợ Hà Nội vẫn ở mức cao. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 22/9, giá xăng E5 RON 92 về 21.780 đồng/lít (giảm 450 đồng/lít), xăng RON 95-III là 22.560 đồng/lít (giảm 630 đồng/lít). Giá dầu diesel là 22.530 đồng/lít, giảm 1.650 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 22.440 đồng, giảm 1.970 đồng, dầu mazut có giá 14.650 đồng/kg, giảm 380 đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm tới hơn 26% từ đỉnh. Thế nhưng, có một nghịch lý, dù giá xăng dầu đã giảm sâu, giá cước vận tải hành khách cũng như giá hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao.

Theo ghi nhận, giá rau cải xanh ở chợ Hôm-Đức Viên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn neo ở mức 27.000 đồng/kg; rau mùng tơi có giá 10.000 đồng/mớ, rau muống dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/mớ; cà chua dao động trong khoảng từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg - cao hơn từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 2 tháng. Tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), rau bắp cải cũng đang có giá khoảng 25.000 đồng, cao gấp rưỡi so với thời điểm xăng dầu đạt đỉnh.

Không chỉ rau xanh mà các mặt hàng thực phẩm khác như thịt, cá, trứng... cũng vẫn đắt đỏ: giá thịt lợn cũng vẫn giữ mức cao như thịt ba chỉ neo ở mức từ 130.000 đến 140.000 đồng/kg, các loại khác như thịt sườn, thịt thăn... dao động quanh mức 120.000 đồng/kg; Giá cá chép, cá trắm hiện dao động quanh mức 60.000 đến 80.000 đồng/kg, cá quả từ 110.000 đến 120.000 đồng/kg; cá rô phi cũng ở mức từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Các loại trứng gia cầm cũng luôn giữ cao như trứng gà ta có giá 50.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp khoảng 35.000 đồng/chục, trứng vịt có giá khoảng 40.000 đồng/chục...

Trước các mặt hàng tiêu dùng đắt đỏ, chị Phạm Thanh Hằng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở: Chúng tôi luôn nghe các tiểu thương nói giá cả sẽ giảm sau khi giá xăng giảm nhưng hằng ngày chúng tôi vẫn phải tính toán từng đồng bởi các mặt hằng vẫn đứng ở mức cao từ nhiều tháng nay. Chúng tôi mong sẽ có đợt điều chỉnh giá tại các chợ, để người tiêu dùng thấy rõ được mức giảm của hàng hóa.

Tương tự, tại TPHCM, mặt hàng rau củ quả, giá bán nhiều loại tại chợ vẫn chưa giảm do sản lượng thấp, hao hụt vì thời tiết mưa nhiều. Cụ thể: rau muống 20.000 đồng/kg; cải ngọt, cải thìa, su su: 23.000 đồng/kg; bắp cải, bầu, bí, cải thảo: 25.000 đồng/kg. Tại chợ đầu mối Bình Điền, đại diện Ban quản lý chợ cho biết lượng trái cây về chợ vẫn ổn định, sức tiêu thụ bình thường và giá bán chưa có sự điều chỉnh.

Đáng chú ý, tại TPHCM và các tỉnh miền Nam, giá thịt và gạo giảm nhẹ, ngày 21/9, giá lợn hơi cũng điều chỉnh giảm còn 58.000 - 64.000 đồng/kg. Giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường các chợ cũng giảm còn 90.000 - 140.000 đồng/kg. Giá dầu ăn giảm 2-6% tùy nhóm hàng. Tuy nhiên, nếu so với thu nhập của công nhân như thì vẫn còn cao. Bên cạnh đó, dù giá lúa gạo xuất khẩu khởi sắc nhưng thị trường nội địa vẫn khá bình ổn bởi nguồn cung dồi dào. Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg...; đắt nhất như gạo ST25 cũng giảm còn 26.000 đồng/kg.

Cũng tại TPHCM, cước taxi giảm nhẹ. Đại diện Vinasun cho hay giá nhiên liệu giảm, sau khi cân đối chi phí, hãng sẽ giảm cước taxi loại xe Wigo & 110 và loại xe 5 - 8 chỗ kể từ 26/9. Hãng sẽ lập trình lại giá cước trên taxi meter phù hợp theo từng loại xe. Ví dụ, giá cước xe Wigo &110 giảm từ 18.200 đồng/km xuống còn 17.400 đồng/km. Loại xe 8 chỗ Inova G&J mới giá từ 20.200 đồng/km giảm còn 19.200 đồng/km. Như vậy so với mức giá cũ áp dụng vào tháng 6, Vinasun sẽ giảm 800 - 1.000/km.

Trong khi đó, các hãng xe công nghệ cho đến thời điểm này vẫn chưa có động thái giảm giá cước theo giá xăng dầu, chưa kể giá cả nhảy loạn xạ vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Nhiều khách hàng cho rằng giá cước taxi truyền thống và xe công nghệ vẫn ở mức rất cao trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh là không sòng phẳng với người tiêu dùng.

Với giá cước vận tải, anh Hoàng Văn Tuấn (TP Thanh Hóa) thường xuyên di chuyển Thanh Hóa - Hà Nội bằng xe khách. Anh Tuấn bày tỏ: Giá cước xe đã tăng cao từ thời điểm bắt đầu có dịch Covid-19, đến khi giá xăng dầu tăng, các nhà xe càng có thêm lý do để tăng giá vé xe. Nhưng thời điểm trước khi giá xăng dầu tăng, giá cước xe khách Thanh Hóa - Hà Nội chỉ từ 90.000-120.000 đồng/vé, đến nay giá cước vẫn dao động từ 180.000-200.000 nghìn đồng/vé. Đây là mức giá chung của các nhà xe chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội. Chúng tôi hiểu họ gặp khó khăn thời điểm dịch bệnh, rồi giá xăng dầu tăng. Nhưng đến nay, dịch đã được kiểm soát, các phương tiện đã hoạt động bình thường trở lại, giá xăng dầu cũng đã liên tục giảm, vậy giá cước vẫn ở mức cao là vô lý.

Cùng với đó, tuyến Hà Nội - Sa Pa, nhà xe Hà Sơn-Hải Vân vẫn giữ giá cước 260.000 đồng/vé theo giá cước tăng từ tháng 3/2022 khi giá dầu đạt ngưỡng hơn 24.000 đồng/lít, cao hơn giá dầu hiện tại chỉ hơn 1.000 đồng/lít.

Tại Lào Cai, trong số hơn 10 doanh nghiệp vận tải kê khai tăng giá cước thời điểm giá xăng dầu tăng liên tiếp (chủ yếu là doanh nghiệp taxi), đến nay cũng mới chỉ có một vài đơn vị đề xuất giảm giá cước.

Riêng với các hãng taxi tại Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thông tin, đến nay, hầu hết các hãng taxi trên địa bàn Hà Nội đều đã giảm giá cước, trung bình còn 14.500 đồng/km. Cụ thể, giảm khoảng 500 đồng/km đối với đoạn đường từ km 0 - Km 30, từ Km 31 trở đi giảm đến 1.000 đồng/km.Thậm chí, nếu khách đi đường xa 2 chiều, chiều về giá cước còn được giảm đến 80%, đủ để chi trả tiền xăng và phí cầu đường của chiều về.

Theo ông Hùng, mức giá cước này được Hiệp hội và các doanh nghiệp taxi trên địa bàn thống nhất giảm từ tháng 8/2022 nhằm đón ngưỡng giá xăng khoảng 22.000 đồng/lít. Đến nay, giá xăng vẫn neo gần 23.000 đồng/lít, khi nào giảm xuống dưới 22.000 đồng/lít, Hiệp hội sẽ tiếp tục họp để thống nhất giảm tiếp giá cước để mang đến sự công bằng cho khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh với các hãng xe công nghệ”, ông Hùng nói và cho biết thêm: Giá cước vận tải taxi không thể điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày như giá xăng bởi mỗi lần điều chỉnh giá cước các hãng taxi tốn rất nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện là 150.000 đồng/xe.

Ông Hùng cũng nêu những khó khăn nội tại bởi chi phí lớn là một chuyện, việc điều chỉnh cũng mất thời gian vì còn cần lên phương án giá điều chỉnh, gửi đề xuất đến cơ quan quản lý, thông báo cho các phương tiện tập trung để thực hiện kiểm định đồng hồ, dán niêm yết bảng giá mới…

H.NHÂN

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-tieu-dung-ngong-hang-hoa-giam-gia-5697498.html