Người trẻ có dũng cảm với chính mình?

Một lần ngồi nói chuyện, bạn tôi mạnh dạn dự đoán: 'Chắc sẽ đến một lúc nào đó người ta chán các app 'nịnh' để quay lại dùng cam thường'. Nhưng rồi, khi điều ấy chưa kịp xảy ra chúng ta lại thấy xuất hiện những khuôn mặt được tạo tác bởi AI. Hóa ra, chúng ta vẫn còn say sưa với giấc mơ về một diện mạo đẹp đẽ lắm dù vẫn biết rằng nó không thuộc về mình.

Theo mô tả thì HyperBooth rất dễ sử dụng: “Cho phép người dùng tạo ra những bức ảnh ghép bằng văn bản mô tả. Người dùng chỉ việc upload hình ảnh chân dung của mình hoặc bất kỳ ai, đưa ra yêu cầu bằng văn bản cho HyperBooth, công cụ này sẽ ghép ảnh gương mặt của bạn vào đúng khung cảnh như đã mô tả”. (theo: Quang Huy, Báo Dân trí).

Người trẻ có dám thay đổi bản thân để có một diện mạo tâm hồn đích thực?

Người trẻ có dám thay đổi bản thân để có một diện mạo tâm hồn đích thực?

Phép thần thông quảng đại có tên AI thực ra cũng vô hại trong hệ sinh thái số nếu như không bị lợi dụng vào những mục đích xấu. Sống ảo suy cho cùng là một niềm vui, một trò giải trí nếu như ta biết điểm dừng...

Nhưng, vì sao chúng ta cần đến vẻ đẹp của một “giả thiết” ấy? Ai cũng biết bức ảnh đó không thể thay cho gương mặt mình khi tìm bạn đời, càng không thể thay thế cho những xác thực cá nhân khi giao dịch tài chính. Ngược lại, những định danh pháp lý ngày càng chặt chẽ như thông tin sinh trắc học, mã xác thực. Câu trả lời hóa ra không phức tạp đến thế. Bạn đã bao giờ nghĩ có lúc chính mình cũng đang mang hội chứng “duck syndrome” (hội chứng con vịt). Nói một cách đơn giản là sự che giấu tâm trạng, hoàn cảnh thật của mình. Như một chú vịt trôi trên mặt hồ lững lờ, ai nào biết dưới làn nước phẳng lặng kia đôi bàn chân của chú phải đạp sóng hết sức để duy trì được trạng thái nhàn nhã đó.

Có điều, sự ví von ấy có lẽ cũng không hoàn toàn chính xác: Chú vịt phải gắng gỏi để tồn tại trong môi trường động còn điều ở bên trong mà chúng ta che giấu có khi chính là tham vọng. Hay, nói cách khác, ta đang hành hạ chính mình. Thói quen ép mình vào những mục tiêu không dựa trên thực lực, khả năng là nguyên nhân của những khát khao đó. Ngẫm ra, như thế đâu phải là sự mạnh mẽ mà là sự hèn nhát không dám thừa nhận bản thân và tìm hướng đi đúng đắn.

Rất có thể, đó là thói quen đã ăn sâu trong nếp nghĩ về một “mặt tiền”, một thể diện đẹp mà nhiều người muốn có. Diện mạo ấy được xây dựng từ cách nhìn nhận, tri nhận cuộc sống với công thức, quy tắc mà tính ước lệ ngày càng cao. Bắt đầu từ nói và viết, từ khi còn cắp sách trên ghế trường. Thử hỏi, ngay với môn Văn, môn học quan trọng để giúp các em nhận diện giá trị tốt đẹp mà lâu nay cũng đang có một khoảng cách rất lớn so với cuộc đời.

Mới đây, trong công văn số 3935/BGDĐT-GDTrH, V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có ghi: "Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".

Nhiều người trẻ đang lúng túng tháo gỡ những âu lo.

Nhiều người trẻ đang lúng túng tháo gỡ những âu lo.

Bình luận về sự thay đổi này, nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú có nhận xét trên Báo Dân trí: “Thật may và thật mừng vì khi đề thi không từ sách giáo khoa sẽ giúp môn Văn được "đời" hơn với không chỉ người học mà còn cả người dạy. Sẽ không còn cảnh đọc trăm bài thi cùng một giọng cảm nhận, đếm ý chấm điểm như nhiều thầy cô dạy Văn của chúng tôi ngày trước hay than thở. Mỗi bài thi sẽ được "đo lường" bằng không chỉ khả năng đọc, hiểu và viết mà còn được "tính điểm" bằng cảm xúc trong mỗi đứa trẻ khi chúng cảm nhận về đề thi mới toanh, tạo được cảm hứng mới cho những đứa trẻ yêu văn học” (Hết thời "học tủ, học vẹt" môn Văn).

Rõ ràng, “cảm hứng mới” mà tác giả bài nói cũng chính là một bộ mặt, một diện mạo mới cho các em học sinh. Liệu sẽ không còn những công thức khen, chê, rung động cùng tần số, cùng gu, cùng trend và thay vào đó là lời văn toát lên từ tình cảm thẩm mỹ, từ vốn kiến thức văn hóa, từ sự cảm nhận tinh tế trước đời sống. Bài văn sẽ không chỉ dành cho thầy cô chấm điểm, viết lời phê trong cái “hành lang” nhỏ hẹp của 12 năm phổ thông mà sẽ là sự xác tín cho một bản lĩnh sống của các em sau này. Con em chúng ta cần bộc lộ thái độ, cần lên tiếng trước các hiện tượng đời sống và bày tỏ quan điểm của riêng mình có thể ngờ nghệch, vụng dại nhưng rất ý nghĩa, thay vì tô theo những nét chì hoa mĩ.

Nói đến đây, người viết lại liên tưởng đến câu nói của nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870-1952), bà cho rằng: “Trí tưởng tượng không trở nên lớn lao cho tới khi con người, với lòng can đảm và sức mạnh, sử dụng nó để sáng tạo”. Vâng, sự can đảm và sức mạnh không chỉ thể hiện trong sự đối đầu với khó khăn, thách thức mà còn ở sự thành thực, dũng cảm với chính bản thân mình. Trong thực tế, các bạn trẻ đã thành thực như thế nào?

Nếu search trên công cụ Google một keyword (từ khóa) là “giới trẻ sợ...”, bạn sẽ nhận được kết quả là khá nhiều biểu hiện của họ. Từ sợ giao tiếp xã hội, sợ đi làm, sợ trách nhiệm đến sợ nghe điện thoại, sợ bỏ lỡ trào lưu, sợ Tết, sợ yêu, sợ lập gia đình, sợ mất tự do... Những nỗi sợ ấy nói lên điều gì, có phải xuất phát từ sự lười biếng, hèn nhát, hay ích kỉ không? Có lẽ, người trẻ đang sợ lớn, sợ một sự định hình, một giới hạn sau quá nhiều mơ ước đã được tô vẽ đó chăng?

Trào lưu ghép ảnh bằng AI khiến nhiều người không dám sống thật với diện mạo của mình.

Trào lưu ghép ảnh bằng AI khiến nhiều người không dám sống thật với diện mạo của mình.

Nhà văn người Mỹ William James Durant (1885-1981) từng nói: “Tri thức là con mắt của đam mê và có thể trở thành hoa tiêu của tâm hồn”. Người viết nghĩ rằng, chính sự hiểu biết, sự nhận thức sẽ là tuệ nhãn giúp chúng ta nhận thức, giúp chúng ta dũng cảm vượt qua những nỗi “sợ” vô hình đó. Trí thức ấy, nhận thức ấy phải làm con người ta thay đổi khí chất, xuất phát từ chính kiến, quan niệm sống chứ không thể là một thứ công thức theo hot trend. Ở đây, người viết không có ý định nhận xét những câu nói làm mưa làm gió trên TikTok như: “Sống là phải đẹp, sống là phải chất”, “Có nhiều cái chưa muốn nói đâu”, “Nói chuyện xàm xí, ai ưng ai chịu?”, “Làm quá nó ô dề”... Tuy nhiên, nếu bạn ám ảnh với cách nói ấy, nghĩa là bạn sẽ bị mặc định, bị quy định cách thể hiện bạn thân như thế, bạn sẽ có gì cho tương lai ngoài những thứ quan niệm trói buộc vô hình?

Mới đây, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đã vinh danh anh Mai Lê Duy Quang, công nhân công trường dự án Vinhomes Grand Park, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vì có công cứu người trong vụ tai nạn liên hoàn trên cầu Phú Mỹ. Anh Quang nhớ lại: “Lái xe nói cảm ơn tôi, tôi hỏi anh có sao không? Anh ấy đáp lại không sao thì tôi nói không sao thì được rồi và tiếp tục chạy xe đi làm” (theo: Vũ Ngân, Quang Quý, Báo Nhân dân).

Nếu so sánh, câu nói của anh Quang chẳng thể nào hot bằng “đẳng cấp” ngôn ngữ thời thượng trên mạng xã hội nhưng đó là từ con tim, từ sự giản dị, chân thành của tình người. Diện mạo của anh hiện ra từ điều đó chứ không phải tạo lập qua livestream, qua kênh cá nhân hay sự đánh bóng nào. Cứ bình thản sống có lẽ là đáp án đơn giản nhất mà giới trẻ đang tìm kiếm chăng? Họ đang ở rất gần điều đó mà rất tiếc, nhiều bạn chưa thể nhận ra.

Thành thực với chính mình cũng chính là sống có văn hóa, có giá trị. Điều hôm nay bạn tích lũy được sẽ thành di sản cho chính cuộc đời bạn mai sau. Quy luật ấy là điều rất đơn giản nhưng không thể chối bỏ...

Lương Việt

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nguoi-tre-co-dung-cam-voi-chinh-minh--i740661/