Người trẻ 'đau đầu' vì áp lực tài chính

Giá thuê nhà đắt đỏ, chi phí sinh hoạt tăng… khiến nhiều người trẻ lo lắng về vấn đề tài chính cá nhân. Họ nhẩm tính, với tình hình này, mơ ước sở hữu một căn nhà tại thành phố, xây dựng tổ ấm của mình càng trở nên xa vời.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đi làm được 2 năm, với mức lương 14 triệu đồng/tháng, hiện tại, Nguyễn Duy Anh (25 tuổi, quê Nam Định) vẫn cảm thấy chật vật. Ở Thủ đô, mức lương này chỉ đủ sống với điều kiện cậu phải rất tiết kiệm. Riêng tiền thuê nhà của cậu mỗi tháng đã hết 4 triệu đồng. Duy Anh cho biết, với 10 triệu đồng, nếu chỉ lo tiền điện nước, xăng xe, ăn uống... chi tiêu cho mình cậu thì cũng tạm đủ nhưng còn nhiều việc khác như "tình phí", thăm nom, việc hiếu-hỉ… cũng tốn một khoản không nhỏ.

"Thực sự, tôi phải chắt bóp trong chi tiêu. Nhiều lúc, muốn dẫn bạn gái đi xem phim mà tôi cũng phải đắn đo. Bởi, mỗi lần đi xem phim cũng mất vài trăm nghìn. Tôi phải hạn chế tụ tập, đi ăn uống cùng bạn bè, chỉ thỉnh thoảng đi uống cà phê. Vào dịp sinh nhật bạn, thay vì ăn ngoài hàng, chúng tôi mua đồ về nấu tại nhà để tiết kiệm chi phí. Thời gian gần đây, căn bệnh đại tràng của tôi ngày một nặng lên. Vì nghĩ đến khoản chi phí cho khám bệnh rồi thuốc men mất vài triệu đồng mà tôi cứ lần lữa, chưa đi khám. Mới đây, thấy tình trạng bệnh không ổn, tôi đi khám thì bác sĩ yêu cầu làm phẫu thuật. Tôi đành hẹn đến tháng sau để đợi có thẻ bảo hiểm y tế. Từ ngày đi làm, tiền lương của tôi tháng nào "hết bay" tháng đấy. Mỗi khi muốn mua cái gì có giá vài triệu đồng, tôi lại phải xin "viện trợ" từ gia đình", Duy Anh chia sẻ.

Điều mà Duy Anh cảm thấy lo lắng là với tình hình tài chính hiện nay, không biết bao giờ cậu mới dám nghĩ đến việc làm đám cưới. "Tôi và bạn gái yêu nhau được hơn 1 năm rồi. Chúng tôi dự tính, 2 năm nữa, chúng tôi sẽ làm đám cưới. Chúng tôi cũng tính, sau vài năm, với sự hỗ trợ của hai bên gia đình và vay mượn thêm ngân hàng, chúng tôi sẽ mua căn hộ tập thể cũ để "an cư lạc nghiệp". Thế nhưng, với tình hình giá nhà tăng chóng mặt như hiện nay thì không biết đến bao giờ giấc mơ sở hữu một ngôi nhà nhỏ mới thành hiện thực. Trong khi giá thuê nhà cũng cao, thực sự là khó khăn lớn với người trẻ", Duy Anh cho biết.

Không tích lũy được tiền sau nhiều năm đi làm cũng là tình trạng của Nguyễn Hồng Minh (25 tuổi, quê Bắc Giang). Ngoài tiền thuê nhà, chi phí ăn uống, đi lại thì những chi phí cho đám cưới, sinh nhật bạn bè, mua sắm và đi du lịch khiến nhiều tháng cô rơi vào cảnh nợ nần. Hồng Minh chia sẻ: "Vào các đợt khuyến mãi trên các trang thương mại điện tử, tôi thường dành thời gian tìm kiếm những món đồ giảm giá và thêm vào giỏ hàng từ tối hôm trước để "chốt đơn" vào nửa đêm. Có những đợt giảm giá, giỏ hàng của tôi lên đến chục đơn. Thuê phòng một mình, lại thường xuyên ăn quán nên tôi gần như không có tích lũy".

Các chuyên gia nhận định, tình hình tài chính khó khăn của người trẻ có thể kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác như việc lập gia đình muộn. Thậm chí, có người không nghĩ tới việc kết hôn và sinh con do tài chính không ổn định.

Nga Thanh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-tre-dau-dau-vi-ap-luc-tai-chinh-20240605160844837.htm