Người trẻ hôm nay yêu nước không chỉ bằng thái độ
Hòa bình không phải tự dưng mà có, nó được đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ cha ông. Người trẻ hôm nay luôn biết ơn và trân trọng lịch sử. Họ yêu nước không chỉ bằng thái độ mà bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Sinh ra khi đất nước đã không còn tiếng bom đạn, được lớn lên trong bình yên, đủ đầy. Những người trẻ hôm nay dù không đi qua cuộc chiến, không biết những gian khổ của cha anh, nhưng họ không bao giờ quên quá khứ. Họ trân trọng, kết nối với lịch sử theo những cách riêng có của mình.

Nhà báo trẻ Linh Chi khẳng định: "Không có khuôn khổ nào cho lòng yêu nước"
Nhà báo trẻ Phạm Linh Chi có tuổi đời chỉ bằng hơn nửa chặng đường 50 năm đất nước hòa bình, độc lập, dựng xây và phát triển. “Khi tôi lớn lên đất nước không còn chia Bắc-Nam, chẳng biết chiến tranh là gì”, Linh Chi dùng lời bài hát Lá cờ của Tạ Quang Thắng để nói về thế hệ mình.
Nhưng Linh Chi cho rằng những câu chuyện về lịch sử, về cha anh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc luôn hiện diện trong bạn và bạn bè một cách rất tự nhiên. Có thể đến từ sách giáo khoa, lời kể của ông bà, bố mẹ, đến cả những lần đi tác nghiệp, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử.
“Tất cả đều khiến tôi nhận ra rằng hòa bình hôm nay không phải là điều hiển nhiên. Hiện nay không phải nghe tiếng bom rơi, không phải chứng kiến cảnh chia ly, mất mát như cha ông từng trải. Nhưng chính vì thế, mỗi khi nhắc đến lịch sử, tôi lại thấy một cảm giác rất đặc biệt – như thể mình đang mang ơn một điều mà đôi khi không nhìn thấy, không cầm nắm được, nhưng lại luôn hiện hữu. Đó là kết quả của biết bao máu xương, hy sinh. Và có lẽ chính vì không sống trong chiến tranh, nên người trẻ như chúng tôi càng phải ý thức mạnh mẽ hơn về việc giữ gìn những ký ức ấy, tự nhắc mình phải sống xứng đáng với những điều đã được trao tặng”, Linh Chi chia sẻ.
Nữ nhà báo trẻ thực sự hiểu và rất chia sẻ với nỗi lo của người đi trước rằng lớp trẻ có thể quên quá khứ. Nhưng Linh Chi khẳng định người trẻ không vô tâm, có thể cách thể hiện của họ khác trước.
"Đôi khi chỉ là một dòng status nhắc đến ngày 30/4, một bức ảnh bên quốc kỳ, hay đơn giản là việc dừng lại đọc kỹ một bài báo về một nhân chứng lịch sử – những điều nhỏ bé đó lại là minh chứng rất thật.
Người trẻ vẫn quan tâm đến lịch sử, nhưng họ cần một cách kể chuyện mới mẻ, sinh động hơn. Khi lịch sử bước ra khỏi sách vở, trở thành một bộ phim hấp dẫn, một bài podcast, một cuộc triển lãm nghệ thuật, hay một buổi đối thoại với nhân chứng, thì em thấy người trẻ đón nhận rất nồng nhiệt".

Những bạn sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền tham gia sự kiện hướng về lễ kỉ niệm 30/4 tại Hà Nội
Hình ảnh các bạn trẻ xếp hàng giữa Thủ đô để nhận báo in đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất ở trụ sở báo Nhân Dân, cảnh hồ hởi cổ vũ các lực lượng tham gia tập luyện cho Lễ Diễu binh, Diễu hành hay những cảnh xếp hàng đi thăm bảo tàng quân sự,… cũng đều là cách người trẻ thể hiện lòng yêu nước.
Hoặc một nhóm bạn trẻ có sở thích tụ tập sau giờ học để tập hát nhạc đỏ, ôn lại những tác phẩm như là Bác đang cùng các cháu hành quân, Nối vòng tay lớn. Các bạn nói: "Ở trong những bài nhạc Cách mạng, thấy rõ hơn giá trị của quê hương, của tiếng Việt, của lịch sử dân tộc mình. Tụi em không muốn lớn lên mà không hiểu gì về quá khứ".
Lịch sử không nên là một gánh nặng hay bài học thuộc lòng, mà là một dòng chảy giúp người trẻ hiểu mình đang sống trên mảnh đất mà bao thế hệ đã ngã xuống vì lý tưởng tự do.
Điều này được minh chứng qua biểu hiện của tình yêu đất nước, lòng tri ân với thế hệ hi sinh vì độc lập tự do không hẳn chỉ là thái độ. Nó có thể theo những cách thức thầm lặng hơn như việc một bạn trẻ quyết định về lại Việt Nam sau khi du học để cống hiến; một bạn khởi nghiệp từ làng nghề truyền thống, hay những người làm công việc nhỏ thôi – như dọn rác, bảo tồn di tích, nghiên cứu văn hóa – tất cả đều là biểu hiện của tình yêu đất nước”.
Mạng xã hội là công cụ hữu ích khi chuyển tải các thông điệp cũng như dễ dàng trong việc tạo ra các trào lưu, xu hướng, hay còn gọi là trend. Riêng với việc thể hiện lòng yêu nước, theo nhà báo Linh Chi người trẻ rất nhạy cảm với các xu hướng, và nếu một trend có thể khơi gợi lòng tự hào thì rất đáng khuyến khích.
Quan trọng là cái lõi của trend đó phải thật. Nếu đó chỉ là hình thức, chỉ để "lên sóng", thì rất nhanh sẽ bị quên lãng. Nhưng một chiến dịch gắn với giá trị thật sẽ tạo nên những điều rất tích cực.
Lòng yêu nước không chỉ nằm trong khẩu hiệu. Nó có thể đến từ một người kỹ sư phát minh công nghệ vì cộng đồng, một bạn trẻ tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, hay một nghệ sĩ chọn kể chuyện dân tộc bằng âm nhạc, phim ảnh.
Chúng ta không cần e ngại khi người trẻ thể hiện lòng yêu nước theo cách riêng, miễn là họ làm điều đó bằng trái tim.
“Không có khuôn mẫu nào cho lòng yêu nước cả. Miễn là nó đến từ sự chân thành, từ mong muốn đóng góp điều gì đó tích cực cho cộng đồng, cho đất nước – thì dù thầm lặng hay sôi nổi, đều đáng quý”, nhà báo Linh Chi khẳng định.

Nhà báo Linh Chi cùng bà ngoại, cựu nhà báo những năm trước và sau ngày thống nhất đất nước và mẹ, người sinh đúng năm 1975
Riêng với cá nhân Linh Chi, mốc năm 1975 đáng nhớ vì đó là năm bà ngoại sinh ra mẹ chỉ vài tháng sau tin tức chiến thắng của quân và dân ta, đất nước thống nhất.
Bà ngoại Linh Chi từng tham gia tình nguyện ở vùng Tây Bắc những năm 1960, suốt thời gian dài băng rừng, vượt suối, gây dựng cuộc sống giúp bà con dân tộc thiểu số. Ban đầu, bà là cô giáo mang con chữ đến với bản làng, sau này thì trở thành một nhà báo đã viết rất nhiều tác phẩm về lịch sử, lan tỏa giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như đời sống của đồng bào các dân tộc.
Câu chuyện của bà, của mẹ phần nào ảnh hưởng đến việc chọn nghề của Linh Chi, bên cạnh sở thích viết lách, thích kể chuyện. Nhưng khi bắt đầu làm nghề, càng đi sâu, bạn càng nhận ra sức mạnh của việc ghi lại những ký ức, đặc biệt là ký ức lịch sử.
“Mình sẽ cố gắng là “người giữ ký ức” – bằng nghề báo. Không chỉ đưa tin, mà còn giữ lại những mảnh ghép ký ức để người trẻ sau này có thể tìm thấy chính mình trong đó. Mỗi thế hệ sẽ có cách thể hiện riêng, phù hợp với nhịp sống và công cụ của thời đại mình. Điều quan trọng là giữ được cái "gốc" – đó là sự biết ơn, sự tự hào, và trách nhiệm với đất nước”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-tre-hom-nay-yeu-nuoc-khong-chi-bang-thai-do-post1195199.vov