Người trẻ không chê nghề cổ

Thời gian gần đây, không ít lao động trẻ đã tiếp nối nghề truyền thống, dám nghĩ, dám làm, mang trong mình hoài bão giúp làng nghề vượt qua khó khăn để phát triển.

Nhiều lao động trẻ làm việc tại làng nghề bánh đa Lộ Cương với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng

Nhiều lao động trẻ làm việc tại làng nghề bánh đa Lộ Cương với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/người/tháng

Hiện đại hóa nghề thủ công

Những năm trước đây, cứ ra Tết là người làng nghề bánh đa Lộ Cương (phường Tứ Minh, TP Hải Dương) lại được nghỉ thêm vài tuần. Trời nồm ẩm, bánh đa làm ra không phơi khô được nên nhiều cơ sở phải dừng sản xuất. Nhưng giờ tình hình đã khác. Những ngày gần đây, dù mưa phùn, nồm ẩm nhưng nhiều cơ sở sản xuất của làng vẫn đỏ lửa. Ông Vũ Công Tám có hơn 30 năm làm nghề bánh đa ở khu Lộ Cương A phấn khởi khoe: “Nhờ giới trẻ cả đấy! Gần đây nhiều thanh niên trẻ trở về làng phát triển nghề truyền thống. Họ mua máy móc về làm bánh đa theo hướng hiện đại chứ không làm thủ công như chúng tôi hồi trước. Hiện nay, nhờ máy sấy liên hoàn nên dù mưa hay nắng thì làng nghề vẫn sản xuất đều đều”.

Giám đốc HTX Sản xuất và đóng gói bánh đa Lộ Cương Vũ Xuân Thường năm nay 34 tuổi. Sau những năm xa quê bôn ba làm nhiều nghề khác nhau, năm 2022, anh trở về quê hương tập hợp 16 hộ dân trong làng nghiên cứu, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, quyết tâm phát triển nghề truyền thống của địa phương. Hiện nay, nhờ nhiều người trẻ biết sử dụng máy móc nên mỗi ngày làng nghề bánh đa Lộ Cương sản xuất từ 5-7 tấn bánh, cao gấp 20 lần so với làm thủ công.

Theo anh Nguyễn Văn Hiếu ở làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng), trước đây nghề mộc truyền thống của làng chủ yếu làm thủ công, máy móc lạc hậu, sản phẩm khó cạnh tranh và tiêu thụ. Những năm gần đây, nhờ nhiều lao động trẻ trở về nên nghề mộc của địa phương đã thay đổi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường, nhất là áp dụng thương mại điện tử vào phát triển thương hiệu, thậm chí đưa sản phẩm của Đông Giao sang cả thị trường châu Âu và Mỹ. “Trước kia nhiều người trẻ ngại làm nghề do thu nhập thấp, làm thủ công vất vả. Nay nhờ máy móc, năng động trong phát triển sản phẩm mới và mở rộng thị trường nên nhiều thanh niên ở Đông Giao từ công nhân may, điện tử, cơ khí ở các khu, cụm công nghiệp lân cận đã trở về quê hương làm thợ mộc với mức thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng”, anh Hiếu cho biết.

Các lao động trẻ ở làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) tận dụng mạng xã hội và công nghệ để bán hàng, quảng bá thương hiệu

Các lao động trẻ ở làng nghề mộc Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) tận dụng mạng xã hội và công nghệ để bán hàng, quảng bá thương hiệu

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức để các làng nghề tiểu thủ công nghiệp của Hải Dương phát triển nhưng sự có mặt ngày càng nhiều lao động trẻ ở các làng nghề hiện nay là một tín hiệu khả quan. Theo thống kê sơ bộ và khảo sát nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Hải Dương hiện có 66 làng nghề thủ công truyền thống, tạo việc làm cho gần 13.000 lao động. Những năm gần đây, số lao động trẻ ở làng nghề có xu hướng tăng, nhất là ở làng nghề có sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường như mộc dân dụng, chế biến nông sản, sản xuất đồ cơ khí…

Tiếp lửa nghề

Những năm 70 của thế kỷ XX, làng nghề thêu ren (ở xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ) khá hưng thịnh. Thế nhưng, hiện nay nghề thêu ở đây cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức khi số hộ làm nghề ngày càng ít đi và sản phẩm thêu tay bị cạnh tranh bởi tranh thêu công nghiệp (thêu bằng máy). Nhưng điều mà Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan tin tưởng đó là gần đây có nhiều bạn trẻ muốn học và đam mê với nghề thêu. Bà Hoan cho biết gần đây rất nhiều bạn trẻ quay lại học và phát triển nghề này. Sản phẩm thêu của làng cũng đa dạng và hiện đại hơn. Những bức tranh thêu nhờ người trẻ mà đến được những thị trường mới, lớn hơn như Nhật Bản, châu Âu và một số nước thuộc Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất... “Họ biết dùng công nghệ, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm của làng. Nhiều người trẻ đã nhờ tôi cung cấp thêm kiến thức về nghề thêu để từ đó nghiên cứu, tìm tòi những chất liệu mới, màu sắc mới làm tranh thêu đáp ứng yêu cầu thị trường. Tôi đang truyền dạy cho nhiều cháu nhỏ của làng với hy vọng sau này họ sẽ tiếp nối nghề truyền thống, giúp nghề thêu ở Hưng Đạo phát triển lên một bước mới”, bà Hoan nói.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) dạy thêu cho các em nhỏ để giữ nghề truyền thống của địa phương

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hoan ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) dạy thêu cho các em nhỏ để giữ nghề truyền thống của địa phương

Có một thực tế hiện nay số lượng nghệ nhân của các làng nghề trong tỉnh đang dần ít đi. Nếu lao động trẻ không nắm bắt cơ hội đón nhận những kỹ nghệ trong làm nghề thì khó có thể tạo sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu riêng. Hải Dương hiện chỉ còn hơn 30 nghệ nhân làng nghề tiểu thủ công nghiệp được UBND tỉnh công nhận. Để lao động trẻ nối nghề và quay trở lại phát triển nghề truyền thống, tỉnh cần sớm triển khai Đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Việc truyền nghề, thu hút lao động trẻ cũng cần có cơ chế hỗ trợ riêng như quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên làng nghề; tạo điều kiện để các địa phương có thể xây dựng các HTX làm nghề quy mô lớn, hướng tới xuất khẩu sản phẩm. Quan trọng hơn cần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và thu nhập cho người lao động. Khi thu nhập cao, cuộc sống ổn định thì lao động trẻ sẽ trở về giúp làng nghề hồi sinh và phát triển.

LAN ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/nguoi-tre-khong-che-nghe-co-226490