Người trẻ ngược lối tìm về âm nhạc truyền thống

Nhiều bạn trẻ chọn ngược lối để tìm về với những giá trị lâu đời trong âm nhạc truyền thống dù biết đây là con đường không dễ dàng.

Âm nhạc truyền thống không chỉ là một loại hình nghệ thuật giải trí đơn thuần mà chứa đựng trong nó cả những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ lâu đời. Ngày nay, âm nhạc truyền thống có phần yếu thế hơn so với các thể loại nhạc thịnh hành khác. Chính vì vậy việc người trẻ giữ gìn và phát triển các loại hình âm nhạc truyền thống là một trong những tín hiệu đáng mừng cần được quan tâm khích lệ.

Thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ chọn ngược lối để tìm về với những giá trị lâu đời trong âm nhạc truyền thống dù biết đấy là một con đường không dễ dàng với nhiều thử thách. Có thể kể đến như, dự án Chèo 48h được các bạn trẻ thành lập để đưa loại hình văn hóa nghệ thuật sân khấu dân gian chèo đến gần với các bạn trẻ thông qua các hoạt động tương tác hấp dẫn, mới lạ kết hợp giữa dân gian và hiện đại. Hay như việc các ca sĩ trẻ mang âm hưởng nhạc dân tộc vào các ca khúc để trình diễn tạo nên những bài hát với giai điệu hiện đại xen lẫn truyền thống. Nhờ có quá trình làm mới này, âm nhạc truyền thống như được sống lại trong một lớp áo mới trẻ trung, năng động và thu hút nhiều bạn trẻ hơn.

Dự án Chèo 48h đã tổ chức nhiều các hoạt động tương tác nghệ thuật ý nghĩa tới với các bạn trẻ.

Dự án Chèo 48h đã tổ chức nhiều các hoạt động tương tác nghệ thuật ý nghĩa tới với các bạn trẻ.

Xu hướng phát hành các sản phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân gian những năm gần đây đã được nhiều ca sĩ hướng tới và thu được nhiều thành công, khi những bài hát được phát hành có tới hàng chục triệu lượt người nghe và yêu thích. Nổi bật trong số đó có thể kể đến như ca sĩ Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, Phương Mỹ Chi, Ngọc Mai…

Nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong, người có nhiều ca khúc được lấy cảm hứng từ các nhân vật văn học Việt cho biết dòng chảy của âm nhạc hiện đại trên thị trường có rất nhiều những thể loại khác nhau. Dù vậy, âm nhạc truyền thống vẫn sẽ mãi mãi là một bản sắc riêng và trường tồn vĩnh cửu theo thời gian. "Các bạn trẻ hiện tại rất giỏi, nhanh nhạy với khả năng sáng tạo mạnh mẽ vì vậy có thể tạo ra được những điểm mới mà vẫn có thể dung hòa được thị trường âm nhạc hiện đại với việc kết hợp cùng âm nhạc truyền thống", nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Phong cho biết.

Ca khúc "Thị Mầu" được Nguyễn Hoàng Phong sáng tác và do Hòa Minzy thể hiện giành giải thưởng MV của năm tại lễ trao giải âm nhạc Làn Sóng Xanh 2023.

Ca khúc "Thị Mầu" được Nguyễn Hoàng Phong sáng tác và do Hòa Minzy thể hiện giành giải thưởng MV của năm tại lễ trao giải âm nhạc Làn Sóng Xanh 2023.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với những bạn trẻ có niềm đam mê âm nhạc truyền thống, TS.NSƯT Hải Phượng, Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống – Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh cho hay, hiện nay có hai cơ sở là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhạc viện Quốc gia Hồ Chí Minh có rất nhiều học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh theo học bộ môn âm nhạc dân tộc.

"Khi sinh viên đã chọn âm nhạc dân tộc là một cái nghề để theo đuổi thì đối với họ, đó không chỉ dừng lại ở việc yêu mến âm nhạc dân tộc mà còn là niềm say mê, là nỗi niềm muốn gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Còn với những bạn trẻ khác, nhiều bạn cũng đã tìm tòi và chịu khó tham dự các workshop, các chương trình âm nhạc dân tộc" - NSƯT Hải Phượng chia sẻ - "Tuy rằng, những chương trình đó không có được truyền thông rầm rộ, nhưng mà số lượng các bạn trẻ đi tham gia các chương trình biểu diễn đó ngày càng đông. Điều đó cũng cho thấy rằng các bạn trẻ ngày nay đang có nhiều sự yêu thích và cảm thấy là mình có trách nhiệm đối với việc giữ gìn những giá trị của cha ông".

NSƯT Hải Phượng đã có gần 50 năm gắn bó với hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống.

NSƯT Hải Phượng đã có gần 50 năm gắn bó với hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Nói về việc những bài hát mang âm hưởng dân tộc được người trẻ đón nhận một cách tích cực, NSƯT Hải Phượng cho biết: "Các bạn trẻ là những đối tượng luôn luôn thích những điều mới mẻ, ngay cả các bạn theo nhạc dân tộc cũng vậy. Cũng phải có những bản nhạc mang tính chất sôi nổi, theo kịp thời đại và phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi của các bạn".

"Để âm nhạc truyền thống được lan truyền mạnh mẽ hơn nữa cần có một chiến lược lâu dài với sự quan tâm của các cơ quan quản lý của Nhà nước. Cần xây dựng một đề án dài lâu cho âm nhạc dân tộc, để cho các bạn trẻ có thể tìm hiểu, làm quen từ lúc nhỏ", NSƯT Hải Phưọng nói thêm.

Với những người làm nghề lâu năm như NSƯT Hải Phượng, điều cô mong mỏi đó là có những chương trình dài hơi, sự tiếp sức từ phía Nhà nước để xây dựng đề án phát triển với chiến lược dài lâu, ủng hộ nhạc dân tộc bằng nhiều cách...

Âm nhạc truyền thống sẽ tiếp tục được truyền thừa và giữ gìn cho thế hệ trẻ và mãi cho tới mai sau bởi những giá trị mà nó mang lại, và cũng bởi có những người trẻ vẫn hàng ngày miệt mài giữ ngọn lửa với nó. Việc "giữ lửa" âm nhạc truyền thống với những người trẻ là một bài toán dài hơi và cần sự chung tay giúp sức của các cơ quan có thẩm quyền cũng như những cá nhân có sức ảnh hưởng. Thế nhưng, với những gì mà người trẻ đã, đang và sẽ làm với âm nhạc truyền thống hoàn toàn khiến chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai của nền âm nhạc truyền thống nước nhà.

Theo VTV.vn

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/giai-tri/202405/nguoi-tre-nguoc-loi-tim-ve-am-nhac-truyen-thong-7ce48fd/