Các thị trường diễn biến trái chiều sau khi Tổng thống Mỹ thông báo áp thuế quan với Nhật Bản, Hàn Quốc
Thuế quan của Mỹ tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng tới diễn biến của các thị trường trên thế giới.
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đà giảm điểm trong phiên giao dịch 7/7 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên tài khoản mạng xã hội Truth Social về việc sẽ áp thuế quan 25% đối với hàng hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc kể từ ngày 1/8/2025.
Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là thị trường nhập khẩu lớn thứ năm và lớn thứ bảy của Mỹ trong năm 2024, và hai quốc gia này chiếm xấp xỉ 9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.
Vào lúc 12 giờ 26 phút ngày 7/7 (giờ địa phương, tức 23 giờ 26 phút ngày 7/7 theo giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 456,55 điểm (tương đương 1,02%) xuống còn 44.369,96 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 53,47 điểm (0,86%) xuống 6.225,58 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 187,70 điểm (0,88%) xuống còn 20.413,28 điểm.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, tại châu Âu, khi đóng cửa phiên 7/7, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 0,2% xuống còn 8.806,53 điểm. Chỉ số CAC 40 của thị trường Paris (Pháp) tăng 0,4% lên 7.723,47 điểm và chỉ số DAX của thị trường Frankfurt (Đức) tăng nhẹ lên 24.073,67 điểm.
Trong khi đó, sau thông báo nói trên của Tổng thống Mỹ, giá dầu thế giới tăng 1% do những lo ngại về các tác động tiềm ẩn từ thuế quan của Mỹ. Vào lúc 12 giờ 20 phút ngày 7/7 (giờ địa phương, tức 23 giờ 20 phút ngày 7/7 theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 91 xu Mỹ (tương đương 1,3%) lên 69,20 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 57 xu Mỹ (0,8%) lên 67,57 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI đã giảm lần lượt xuống các mức 67,22 USD/thùng và 65,40 USD/thùng vào đầu phiên này.
Theo ông Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao của ngân hàng BOK Financial, nguồn cung dầu có vẻ đang được cải thiện song nhu cầu mạnh hơn vẫn cao hơn nhiều so với dự kiến. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia liên minh, còn gọi là OPEC+, ngày 5/7 đã nhất trí tăng sản lượng thêm 548.000 thùng/ngày trong tháng 8/2025, cao hơn mức tăng 411.000 thùng/ngày đã thực hiện trong ba tháng trước đó. Theo các nhà phân tích của ngân hàng RBC Capital, quyết định này của OPEC+ sẽ đưa trở lại thị trường dầu gần 80% mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của 8 nước thành viên OPEC.

Một cơ sở lọc dầu ở Fort McMurray, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng Goldman dự đoán OPEC+ sẽ thông báo tăng sản lượng thêm 550.000 thùng dầu/ngày trong tháng 9/2025 tại cuộc họp vào ngày 3/8.