Người trẻ tìm về thứ âm nhạc xưa

'Xẩm' đang được hồi sinh qua những lớp học do các bạn trẻ có niềm đam mê gìn giữ nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Những hoạt động này đã góp phần khôi phục lại sức sống và linh hồn của nghệ thuật hát Xẩm, thông qua giọng hát đẹp và kỹ năng âm nhạc tài năng của họ.

Đúng 19h, trước số nhà 213 khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), tiếng hát Xẩm lại vang lên hòa cùng âm thanh của trống cổ truyền, đàn nhị, sênh tiền diễn ra trong không khí hân hoan náo nức của các bạn trẻ. Lớp học không chỉ là nơi lưu giữ nét đẹp của làn điệu Xẩm mà còn là nơi ươm mầm và truyền cảm hứng đối với những người trẻ muốn tìm về thứ âm nhạc xưa.

Học hát Xẩm cũng chính là cách mà những người nghệ sĩ trẻ nỗ lực, cố gắng đưa hình ảnh của hát Xẩm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người trẻ. Chủ nhiệm của lớp dạy Xẩm - Nguyễn Hoàng Hiệp (sinh năm 1999) chia sẻ: “Mình yêu nghệ thuật âm nhạc truyền thống, thật may mắn là mình luôn có những người luôn thúc đẩy, nuôi dưỡng sự tự tin để theo đuổi và phát triển những giá trị này với hướng tích cực nhất. Bản thân mình là người truyền cảm hứng, luôn muốn mang những giá trị đẹp đẽ của Xẩm đến với các bạn trẻ, một phần là lưu giữ, bảo tồn và cao hơn là quảng bá loại hình nghệ thuật này đến đông đảo mọi người. Chính vì vậy lớp học Xẩm này được ra đời”.

Buổi học hát Xẩm vào thứ 5 hằng tuần của các bạn trẻ có cùng đam mê với hát Xẩm.

Buổi học hát Xẩm vào thứ 5 hằng tuần của các bạn trẻ có cùng đam mê với hát Xẩm.

Điều đáng buồn hiện nay là nhiều bạn trẻ vội lắc đầu, xua tay khi nghe tới chữ “Xẩm”, bởi lẽ từ trước đến nay nhiều người vẫn coi xẩm không phải là nghệ thuật, mà chỉ là những khúc hát của kẻ hát rong đầu đường. Đó cũng là nỗi niềm băn khoăn của nghệ sĩ trẻ Ngô Văn Hảo – cũng là người thầy tâm huyết với nghề chia sẻ khi nói về những người trẻ tiếp xúc với nghệ thuật hát Xẩm truyền thống.

“Không riêng gì các loại hình hát truyền thống khác, hát Xẩm hiện nay đều gặp khó khăn chung đó là sự lép vế trước những làn sóng văn hóa mới của giới trẻ, các loại hình âm nhạc hiện đại, sôi động. Cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, các bạn trẻ có thể ngồi ở nhà và tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng, tuy vậy có rất ít người tìm đến môn nghệ thuật này. Ở lớp học này, tôi thấy nhiều bạn trẻ bất ngờ và thốt lên rằng tại sao bây giờ mới biết đến hát Xẩm và rõ ràng là chỉ một lần nghe, các bạn trẻ ấy bị cuốn hút” - nghệ sĩ trẻ Ngô Văn Hảo nói.

Lớp học ấm cúng rộn ràng tiếng cười thu hút nhiều bạn trẻ tham gia lớp học.

Lớp học ấm cúng rộn ràng tiếng cười thu hút nhiều bạn trẻ tham gia lớp học.

Giới trẻ ngày nay là những người tiếp cận dễ dàng nhất với nghệ thuật hát Xẩm, khi nhiều bài hát Xẩm huyền thoại đều được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Các nhà hát, đoàn nghệ thuật cũng đổi mới, cập nhật thông tin, lịch diễn trên nền tảng số, tuy nhiên dễ nhận thấy lượng người trẻ quan tâm còn khá khiêm tốn.

Đời sống văn hóa theo từng thời kỳ khác nhau đã tác động lớn đến nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Nhớ về thời đỉnh cao của hát Xẩm: ra đời vào khoảng thế kỷ 14 – 15 hay còn được gọi coi là hát rong, hát dạo của người nghèo, người mù… Nghệ thuật hát Xẩm giống như hình thức hát nói, vừa hát vừa kể chuyện mang tính tự sự và lời văn. Hầu hết các bài Xẩm đều được truyền miệng và không có tác giả với các chủ đề thể hiện tâm tư, khát vọng của người dân, nông dân, thị dân, người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ; đồng thời phản ánh suy nghĩ của bản thân trước xã hội thời bấy giờ.

Thay đổi hướng nhìn về Xẩm tới người trẻ

Trước sự “lạnh nhạt” của những người trẻ, nghệ thuật âm nhạc truyền thống nói chung và Xẩm nói riêng đã có sự cách tân để hướng tới thế hệ tương lai. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy luôn cẩn trọng và bám sát yếu tố truyền thống cốt lõi. Nói về sự thay đổi, theo nghệ sĩ Ngô Văn Hảo, sự thay đổi bắt nguồn từ việc đào tạo thế hệ người hát trẻ đến sự đổi mới trong kịch bản sao cho bám sát thời đại. Mỗi một học viên khi bắt đầu học đều được các thầy, cô dạy những kỹ năng cơ bản như nói lối, hát, diễn… một cách thuần thục.

“Là một người truyền cảm hứng cho Xẩm, điều đầu tiên phải nắm vững đặc tính, bản chất của lối hát này và tiếp đó là thể hiện sao cho đúng với bản chất ấy. Làm sao để khi bước ra sân khấu, người hát làm cho khán giả hiểu được thấy được hết cái hay cái đẹp qua lời hát… sau đó rồi mới cần đến sự linh hoạt, sáng tạo thêm trong cách thể hiện nhân vật của nghệ sĩ, biết thức thời với thời đại. Nhắc đến hai từ “Truyền thống” là nhắc đến những gì được truyền lại và nối tiếp qua nhiều thế hệ. Xẩm nói riêng và nghệ thuật hát dân gian nói chung đã có sự cách tân, tuy nhiên luôn đảm bảo được sự kế thừa những giá trị cốt lõi mà ông cha ta để lại”, nghệ sĩ trẻ Ngô Văn Hảo chia sẻ.

Khán giả trẻ nghĩ gì?

Rõ ràng, xu hướng tìm về những giá trị văn hóa cội nguồn, về nghệ thuật truyền thống đang nhen nhóm trong thế hệ trẻ. Hiện nay, việc du nhập ồ ạt văn hóa, người trẻ giờ đã tiếp cận một cách có chọn lọc và cũng đã phần nào dành sự ưu tiên cho văn hóa Việt. Đã và đang có những tín hiệu tích cực của những người trẻ trong việc tiếp cận và cảm thụ nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Bạn Ngọc Trâm – sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ về niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống: “Tình cờ nghe một bài hát Xẩm mà từ đó mình nên duyên với thể loại âm nhạc này. Xẩm cho mình những cảm nhận sâu sắc về thế giới nội tâm nhân vật và điều mình đặc biệt yêu thích ở Xẩm đó là sự tinh tế, chỉn chu trong từng chi tiết”.

Trước dòng chảy mạnh mẽ của nghệ thuật giải trí hiện đại với sự du nhập của nhiều loại hình mới, Xẩm cũng đang chuyển mình trở lại một cách mạnh mẽ như một xu hướng văn hóa tất yếu của thời đại. Âm nhạc truyền thống chứa đựng bao nét đẹp văn hóa, tinh hoa của người Việt liệu, môn nghệ thuật được coi là “quốc hồn quốc túy” của dân tộc liệu sẽ lại thăng hoa hay chỉ là đốm lửa le lói, sự trăn trở ấy đang đợi những người trẻ trả lời./.

CTV Phương Thúy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/di-san/nguoi-tre-tim-ve-thu-am-nhac-xua-post1008282.vov