Người trẻ với thử nghiệm mới trong thơ
Nhiều nhà thơ trẻ hiện nay đã thể hiện sự nhạy bén trước những thay đổi của thời đại, sử dụng những hình thức sáng tạo để đưa thơ đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, với họ, dù bứt phá hay tạo ra những phong cách riêng biệt thế nào đi chăng nữa, thơ vẫn phải luôn là sự chưng cất ngôn ngữ và cảm xúc đẹp nhất…
Sự chuyển mình mạnh mẽ
Nếu như thơ ca truyền thống thường chú trọng đến những giá trị phổ quát, tình yêu đôi lứa, thiên nhiên hay tư tưởng triết lý, thì thơ trẻ ngày nay mang nhiều dấu ấn cá nhân hơn. Theo dõi diễn biến của đời sống văn học có thể thấy các tác giả trẻ không ngừng vận động, sáng tạo cả trong cuộc sống lẫn tác phẩm. Đặc biệt, trong lĩnh vực thơ ca, bên cạnh những sáng tác theo lối truyền thống, họ còn thử nghiệm nhiều hình thức biểu đạt mới như thơ thị giác, thơ sắp đặt, mang đến những góc nhìn mới mẻ và độc đáo.

Nhà thơ Phùng Hương Ly đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam 2025 tổ chức tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Đức Hành.
Có thể điểm tên một số tác giả trẻ như các nhà thơ Nguyễn Phong Việt, Du Nguyên, Lữ Mai, Phùng Hương Ly, Kim Nhung… Đây là những gương mặt thường xuyên có sự tìm tòi thay đổi và sáng tạo.
Không dừng lại ở đó, thơ trẻ ngày nay cũng mở rộng phạm vi đến những vấn đề xã hội nóng bỏng. Họ không làm thơ để than khóc mà dùng thơ như một cách để đối diện, để tự vấn và đặt câu hỏi về thế giới xung quanh. Họ lựa chọn cách thể hiện nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, đôi khi là những hình ảnh đời thường nhưng lại khiến người đọc phải suy ngẫm.
Nhà thơ trẻ Lữ Mai cho rằng, diện mạo của thơ trẻ hiện nay là một bức tranh đa sắc với nhiều khuynh hướng, giọng điệu và hình thức. Ở góc nhìn khái quát, có thể thấy hai xu hướng nổi bật: Một là sự cách tân về thi pháp, tìm kiếm những lối biểu đạt mới, đôi khi mang tính thể nghiệm; hai là đi sâu vào các vấn đề cá nhân, phản ánh tâm trạng và những suy tư về bản sắc.
“Không thể phủ nhận, thơ trẻ đang chịu tác động nhất định từ tốc độ phát triển của công nghệ. Từ đó, thơ không còn bị bó hẹp trong các diễn đàn chính thống mà lan tỏa theo nhiều cách, đến nhiều đối tượng độc giả hơn. Nhưng cũng chính điều này đặt ra thách thức: giữa một biển thông tin, thơ dễ trở nên hời hợt, mất đi chiều sâu nội tại. Do đó, trong diện mạo sôi động, vẫn cần sự chắt lọc để những giá trị bền vững có thể tỏa sáng” - nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.
Là một người viết trẻ tiêu biểu, nhà thơ Phùng Thị Hương Ly (sinh năm 1991) đã được vinh danh với Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả này luôn đề cao cá tính sáng tạo và góc nhìn độc đáo của người viết về cuộc sống, đó chính là một trong những yếu tố cần thiết để tác phẩm tạo được nét riêng và hợp với thời đại.
“Nhiều tác giả trẻ hiện nay không ngại thử nghiệm, vượt ra khuôn mẫu truyền thống bởi họ không thể sống và viết mà không bám sát thời cuộc, họ dũng cảm đối diện với cái mới, dấn thân sáng tạo với lối viết mới về cuộc sống. Đó là cách họ phản ánh về thế giới và phản chiếu lại chính tâm hồn mình, vừa là nhu cầu cũng vừa là trách nhiệm của người viết” - nhà thơ Phùng Hương Ly chia sẻ.
Tuy nhiên, nhà thơ trẻ này cho rằng trong quá trình phá vỡ những khuôn mẫu ấy, người viết vẫn cần tôn trọng và gìn giữ những giá trị cội nguồn, cảm xúc. Dù bứt phá hay tạo ra những phong cách riêng biệt thế nào đi chăng nữa, thơ vẫn phải luôn là sự chưng cất ngôn ngữ và cảm xúc đẹp nhất, hay nhất, ấn tượng nhất của mỗi cá thể sáng tạo.
Để thơ trẻ cất cánh
Dù nhiều đổi mới và sáng tạo, thơ trẻ hiện nay vẫn vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng việc quá đề cao cái tôi cá nhân khiến thơ mất đi tính phổ quát, khiến người đọc khó tìm được sự đồng cảm. Thêm vào đó, sự phóng khoáng trong ngôn ngữ và hình thức cũng gây ra tranh cãi về chất lượng nghệ thuật.
Sự thử nghiệm luôn đi kèm với rủi ro, nhưng chính những bước đi táo bạo này đã mở ra những hướng đi mới cho nghệ thuật ngôn từ. Thơ trẻ đang sống, đang chuyển động và tìm cách khẳng định mình. Và quan trọng hơn hết, nó chạm đến trái tim của những người yêu thơ, dù theo bất kỳ cách thức nào.
Theo TS Mai Anh Tuấn, nhà phê bình điện ảnh - văn học, các nhà thơ có lẽ cần sống sâu hơn với thế giới nội tâm, với vốn tri thức và văn hóa của mình, để không bị vướng, hút theo những gì xúng xính, ồn ào xung quanh đời sống văn học nghệ thuật. Không chỉ các nhà thơ trẻ, phàm đã là người làm thơ, họ rất cần tìm kiếm, phát hiện và làm mới những gì mình đang có, đang viết.
“Và cũng như cách người nông dân chăm chỉ, tận tụy với việc đồng áng, nhà thơ cũng cần hết lòng, hết sức với chữ nghĩa của mình. Nhà thơ trẻ, nếu đồng hành với thời cuộc, thì đồng hành ở cảm quan nhân sinh và thị hiếu thẩm mĩ, chứ không nhất thiết phải đồng hành như cầm bút nệ thực, có gì ghi nấy” - TS Tuấn nói.
Cùng quan điểm, nhà thơ Lữ Mai cho rằng, để một người viết "cất cánh" không chỉ cần tài năng mà còn cần nền tảng tri thức, tâm hồn và bản lĩnh. Thơ không chỉ là tiếng vọng từ cá nhân mà cần sự va đập với đời sống. Để sáng tạo những tác phẩm vừa có dấu ấn nghệ thuật, vừa gắn với thời cuộc, người viết cần rèn luyện cả về tư duy lẫn cảm xúc. Những câu thơ không chỉ đẹp mà còn có sức nặng. Nếu chỉ dừng ở mô tả bề mặt, thiếu chiều sâu thì dễ trở thành thứ ngôn ngữ chóng vánh.
Bên cạnh đó, bản lĩnh cá nhân rất quan trọng. Người viết phải dấn thân, có chính kiến, không chạy theo xu hướng nhất thời. Rất khó có tác phẩm lớn nếu thiếu sự hy sinh và khát vọng chân thành, thiết tha.
Còn theo nhà thơ Phùng Hương Ly, mỗi nhà thơ, đặc biệt là nhà thơ trẻ, cần hội tụ nhiều yếu tố để phát huy khả năng sáng tạo, trong đó không thể thiếu sự nhạy bén trước thời cuộc và khả năng tự trau dồi bản thân. Bởi vì sáng tác thơ không chỉ là sự hòa quyện của ngôn từ và cảm xúc mà còn cần sự am hiểu, kiến thức về xã hội, đời sống. Để viết ra những tác phẩm có thể sống lâu trong đời sống, nhà thơ cần phải là người sống sâu sắc, biết quan sát, lắng nghe cuộc sống quanh mình, cảm nhận được hơi thở của nó. Đồng thời cũng phải tạo ra sự đột phá, tìm ra những góc nhìn mới lạ để mở rộng biên độ của thơ ca.
Thơ trẻ đang sống, đang chuyển động và đang tìm cách khẳng định mình. Và quan trọng hơn, nó chạm được đến trái tim của những người yêu thơ, dù theo bất kỳ cách thức nào.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-tre-voi-thu-nghiem-moi-trong-tho-10300306.html