Người truyền lửa trong tôi

Sau hơn một tuần lễ điều trị cúm A, tôi được xuất viện. Cả nhà đều ốm, chỉ có ba là khỏe nhất, nên ba một mình lo toan mọi việc chăm sóc tôi ở bệnh viện.

Những ngày đầu nhập viện, tôi gần như mê man trong những cơn sốt liên miên và phải truyền dịch. Trong cơn mê sảng, tôi vẫn cảm nhận được dáng hình cao lớn, vững chãi của ba bên cạnh. Bàn tay tôi lọt thỏm trong bàn tay có phần chai sạn của ba, nhưng chính đôi tay ấy, tôi cảm nhận được hơi ấm lan tỏa, truyền cho tôi động lực cùng những lời động viên để tôi mau chóng hồi phục.

Ba tôi năm nay bốn mươi ba tuổi, làm nghề lái xe đường dài. Công việc của ba gần như phải thức trắng đêm trên đường và đối diện với nhiều nguy hiểm. Ba thuộc tuýp người ít nói, điềm tĩnh, tính cách ấy rất phù hợp với sự cẩn trọng của nghề lái xe. Vì cả nhà ốm nên ba xin nghỉ phép ở công ty để vào viện chăm sóc tôi ngày đêm.

Ba nấu ăn không giỏi, nên mỗi lần múc cháo cho tôi, ba đều cười trừ: “Gái lớn của ba ráng ăn cháo ba nấu cho mau khỏe nhé! Ba biết không ngon bằng mẹ con nấu. Ba sẽ cố gắng học thêm để nâng cao tay nghề…”. Ba là vậy, chẳng bao giờ dùng những lời hoa mỹ, nhưng qua cách ba chăm sóc, qua đôi mắt trũng sâu vì những đêm mất ngủ, tôi cảm nhận được sự lo lắng của ba dành cho tôi biết bao nhiêu.

Có những đêm tôi tỉnh giấc, thấy ba nằm trên chiếc giường gấp, vội vã đắp chiếc áo khoác lên người, hơi thở mệt mỏi. Lúc ấy, tôi thương ba thật nhiều. Ngày thường, ba ít nói, vậy mà những ngày tôi ốm, ba cứ kể rất nhiều chuyện để tôi vui. Ba bảo, nghe chuyện cũng là một cách tiếp thêm động lực tinh thần và nhanh đẩy lùi bệnh tật. Rồi những lúc ba tất tả chạy đi mua kim truyền, mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ, trở về phòng với gương mặt đỏ bừng, mồ hôi chảy hai bên thái dương, tôi càng cảm nhận sâu sắc tình yêu lớn lao mà ba dành cho tôi và em gái, một tình yêu không gì có thể đong đếm được.

Mặc dù công việc của ba là lái xe, chẳng mấy liên quan đến con chữ và sách vở, nhưng ba lại đam mê đọc sách báo mỗi khi rảnh. Chính niềm say mê ấy đã lan tỏa sang tôi. Tôi nhớ những năm tiểu học, thấy quyển truyện nào phù hợp lứa tuổi tôi, ba đều mua cho tôi mỗi khi hai ba con ghé hiệu sách gần nhà.

Ba thuộc rất nhiều tên các đầu sách và cũng chính ba đã giới thiệu cho tôi những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ba nói đó là nhà văn của lứa tuổi học sinh chúng tôi. “Đọc những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, con sẽ khám phá được nhiều điều thú vị về cuộc sống, về con người”. Lời giới thiệu của ba khơi gợi trí tò mò đã khiến tôi yêu thích những tác phẩm của ông từ lúc nào không hay. Để rồi, giờ đây, khi đang học lớp 10, “gia tài” của tôi gần như khá phong phú với những câu chuyện tôi kể cho mấy đứa bạn cùng bàn, bởi chúng cũng thích văn như tôi. Có được số “vốn liếng” khiến bạn bè thán phục ấy, không thể không kể đến người “truyền lửa” đọc sách cho tôi, chính là ba, người đàn ông mạnh mẽ và kiệm lời nhất nhà.

Thỉnh thoảng, mẹ tôi vẫn hay trêu ba là người không biết đùa, nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Dù ba đi làm về rất mệt, nhưng mỗi khi em gái tôi muốn được ba cõng, được cùng ba chơi trò đuổi bắt ở sân, ba đều chiều em và luôn nhận phần thua, vì chẳng khi nào ba đuổi kịp em. Ba sẵn sàng kiên nhẫn ngồi nghe em kể chuyện trường, lớp. Em hay kể chuyện nhiều bạn được ba đến trường đón, còn em chỉ thỉnh thoảng mới được ba đón. Những lúc như vậy, tôi phải giải thích để em hiểu công việc của ba thường xuyên xa nhà nên không thể đón em mỗi ngày.

Nghe tôi kể công việc của ba vất vả như thế nào, em liền ôm cổ ba và thủ thỉ: “Con thương ba nhiều lắm!”. Nghe em nói, tôi bắt gặp ánh mắt chứa chan niềm vui, hạnh phúc của ba, và niềm vui ấy cũng lan tỏa đến tôi, bởi tôi biết em cũng yêu ba nhiều như tình yêu tôi dành cho người “mạnh” nhất nhà.

Có lẽ, với nhiều bạn bè tôi, các bạn sẽ hãnh diện vì có những người ba làm những công việc được xã hội nể trọng, như công an, giám đốc hay trưởng phòng…, còn ba tôi chỉ làm nghề lái xe. Nhưng mỗi khi kể về ba, trong tôi vẫn dâng trào sự hãnh diện, cùng chút kiêu hãnh và tự hào. Bởi với tôi, ba chính là tấm lá chắn bình yên để ba mẹ con tôi dựa vào mỗi khi gặp khó khăn, thử thách.

Với tôi, ba luôn là người đàn ông mạnh mẽ. Ba là người hun đúc và truyền lửa để tôi luôn kiên định với tình yêu văn chương qua môn Ngữ văn mà tôi vô cùng yêu thích. Con cảm ơn ba, vì nhờ có ba, con càng thêm hiểu, thêm yêu và phát hiện ra Tiếng Việt của chúng ta giàu và đẹp biết chừng nào.

Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!

Gia Nhi

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171308/nguoi-truyen-lua-trong-toi