Người Việt được truyền nghề ở Ý, mơ trồng nho làm rượu vang trên quê hương
Anh Vũ Hữu Hùng, một Việt kiều Ý, từ lâu đã mơ ước một ngày nào đó ở Việt Nam cũng có thể trồng nho, ủ rượu vang theo chuẩn Ý. Anh hy vọng những khó khăn hiện tại sẽ được giải quyết bằng công nghệ trong tương lai.
Quan niệm sai lầm về rượu vang
Trên bàn tiệc, có một quan niệm hài hước cho rằng những chai rượu vang bị lõm ở đáy chai và có vỏ chai tối màu là loại rượu ngon. Nhưng theo anh Vũ Hữu Hùng – CEO Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Đầu tư quốc tế Ý Việt (IVCOM), người đưa rượu vang Ý về Việt Nam 19 năm nay, đáy chai rượu vang bị lõm hay màu sắc vỏ chai không liên quan gì đến chất lượng rượu.
Anh chia sẻ, châu Âu vốn là cái nôi của rượu vang. Xưa kia, khi sản xuất rượu vang, người ta chỉ chú trọng đến chất lượng rượu. Nhưng khi rượu vang được xuất khẩu sang châu Á, người châu Á có nhu cầu mang rượu đi biếu tặng nên rượu cần được đựng trong những loại chai sang trọng, to đẹp.
“Để tránh sự va đập trong quá trình vận chuyển có thể khiến chai vang bị vỡ, người châu Âu mới sản xuất ra những loại chai lõm đáy để giảm áp suất. Còn việc chai rượu vang thường được làm tối màu là vì rượu vang nhạy cảm với ánh sáng Mặt trời nên màu chai tối sẽ giúp chống tia cực tím, bảo vệ chất lượng rượu”.
Bàn về văn hóa rượu vang, ông chủ vườn nho ở Ý cho rằng, ngày nay rượu vang xuất hiện trên nhiều bàn tiệc của người Việt. Tuy nhiên, chưa nhiều người Việt có những hiểu biết đúng và đầy đủ về rượu vang.
Thậm chí, nhiều người vẫn lấy văn hóa uống rượu gạo của người Việt ra để áp dụng cho rượu vang – tức là phải uống cốc đầy và uống hết trong một lần nâng ly.
“Nguyên tắc uống rượu vang là phải nhâm nhi từ từ để rượu ‘thở’. Khi độ cồn nhẹ đi, mùi hương tự nhiên của nho sẽ tỏa ra, kích thích vị giác. Việc rót đầy ly và uống liền một lúc hết ly không những khiến người uống không cảm nhận được đầy đủ vị rượu, mà còn có thể gây ra những tác hại không tốt cho sức khỏe”.
Vị CEO cho biết, trong khi ở các nước phương Tây, người ta có thói quen uống rượu vang hàng ngày nhưng mỗi ngày chỉ uống một ít, thì người Việt lại hay uống nhiều trong mỗi lần uống.
“Người Việt quen với đồ uống có độ cồn cao nên khi uống rượu vang có độ cồn thấp, hay có phản xạ uống nhiều. Tuy nhiên, điều đó có thể mang lại những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe” – anh khẳng định.
Giấc mơ trồng nho, làm rượu vang ở Việt Nam
Cách đây 28 năm, anh Vũ Hữu Hùng sang Ý định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Anh may mắn được một gia đình bản địa yêu quý và nhận làm con nuôi.
Dòng họ Vinci của gia đình bố nuôi anh có nghề trồng nho và làm rượu vang đến nay đã 5 đời. Được bố nuôi truyền nghề, anh say mê với rượu vang từ lúc nào không hay.
Cùng với các anh em nhà Vinci, anh đã mang thương hiệu rượu vang của gia đình tới nhiều quốc gia châu Âu và châu Á. Ngoài các quốc gia châu Âu, hiện tại Nhật Bản và Trung Quốc là những thị trường tiêu thụ rượu vang mạnh nhất của gia đình anh.
Với 650ha trồng nho ở Sicilia – nơi được ví là hòn đảo ngọc của miền Nam nước Ý, gia đình cha nuôi của anh có thể cho ra một sản lượng lớn rượu vang mỗi năm.
Rượu vang được làm từ nho trồng ở hòn đảo Sicilia là sự chắt lọc nhiều ưu ái từ thiên nhiên. “Nơi đây có lợi thế lớn về thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu để trồng được những quả nho lý tưởng cho việc làm rượu, như nguồn đất tốt, nhiệt độ phù hợp, lượng ánh Mặt trời dồi dào giúp tăng lượng đường tự nhiên trong quả nho…”.
“Sau khi nho được thu hoạch vào tháng 9, sẽ được ủ trong thùng gỗ sồi. Hàng năm, chuyên gia của gia đình sẽ kiểm tra chất lượng rượu, đến khi nào đạt chuẩn sẽ cho đóng chai và xuất ra thị trường”.
Anh nhớ, bố nuôi anh từng dặn dò các con “hãy làm nghề với cả trái tim đặt vào cây nho, không được tác động, không được dùng hóa chất, phải nhớ rằng nghề làm thực phẩm là nghề của trái tim”.
Hiện tại, những loại rượu vang được anh đưa về Việt Nam đều được đóng chai tại Ý. “Có người gợi ý tôi trồng nho, làm rượu và đóng chai tại Việt Nam. Nhưng đó vẫn là mơ ước chưa thực hiện được của tôi trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là với nho để làm rượu.
Tôi có thể đưa chuyên gia về giúp Việt Nam trồng nho, có thể hỗ trợ xin giống cây miễn phí. Nhưng điều kiện thổ nhưỡng của Việt Nam e rằng chưa thể đảm bảo để có thể trồng nho và làm rượu theo chuẩn của Ý.
Ngoài ra, điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Việt Nam cũng khiến người nông dân phải chịu nhiều sự mạo hiểm khi trồng nho làm rượu. Ở Việt Nam, độ ẩm trong không khí cao, khiến nho dễ sinh ra nấm. Ở châu Âu, công nghệ nano có thể giải quyết việc đó.
Tôi rất mong, trong tương lai có thể kết hợp với các chuyên gia công nghệ nano để tìm ra giải pháp thích hợp cho vấn đề nấm cũng như các vấn đề khác về đất, nguồn nước… để người Việt được uống loại rượu vang được trồng và sản xuất bởi người Việt với tiêu chuẩn chất lượng cao như của Ý”.
Khát khao người Việt hiểu văn hóa rượu vang
19 năm đưa rượu vang về Việt Nam, anh Vũ Hữu Hùng vẫn luôn ấp ủ một ước mơ: Người Việt hiểu văn hóa rượu vang để thưởng thức thứ đồ uống này đúng cách.
“Tôi mong rằng, từ những bà nội trợ cho tới các nhân viên nhà hàng đều được cung cấp những thông tin chính xác về rượu vang để từ đó họ phục vụ người thân trong gia đình, phục vụ khách hàng đúng với giá trị của đồ uống này, thay vì cứ nghĩ đắt tiền là rượu ngon”.
Với tư cách một người làm doanh nghiệp, cũng là thành viên của một số hiệp hội ở Việt Nam, anh hy vọng nước ta sẽ có các hiệp hội rượu vang để những người có chuyên môn có nhiều cơ hội truyền bá văn hóa rượu vang tới người dân.
“Ngoài ra, theo quan sát của tôi, tôi chưa thấy các trường ở Việt Nam có những ruộng nho để sinh viên thực nghiệm. Tôi mong sẽ trồng được những ruộng nho này để sinh viên các trường nông, lâm nghiệp Việt Nam hiểu về cây nho, cũng như sinh viên các trường đào tạo ẩm thực hiểu về rượu vang một cách bài bản, đầy đủ”.